Dù lộ trình vận chuyển hàng kéo dài và tốn kém, Trung Quốc vẫn cố gom bằng được than đá
Gần đây, tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc vừa nhận được lô than Kazakhstan đầu tiên vận chuyển bằng đường biển, cũng như một chuyến hàng hiếm hoi khác từ Tân Cương.
Theo dữ liệu của Bloomberg, có rất ít chuyến hàng nào phải đi đường vòng như lô than nêu trên. Thông báo từ công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc Zhejiang Energy Group cho biết, lô hàng phải vận chuyển bằng đường bộ từ Kazakhstan đến cảng Zhelezny Rog của Nga.
Sau đó, hàng được chất lên tàu Caro vào cuối tháng 8 và lênh đênh 30 ngày trên biển, vượt qua đoạn đường dài hơn 8.500 hải lý (tương đương hơn 15.700 km). Cuối cùng, 136.000 tấn than chất lượng cao được hạ tải tại Chiết Giang vào đầu tuần này.
Ông Zeng Hao, chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Shanxi Jinzheng Energy, cho hay: "Các lô hàng bất thường này cho thấy nhu cầu của một số tỉnh thành tại Trung Quốc đang lớn như nào, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt…"
Ngoài ra, theo ấn phẩm Fengkuang Coal Logistics của Trung Quốc, các nhà máy điện của châu Âu cũng đang quan tâm đến việc mua than của Indonesia. Sau hai năm, đây là lần đầu tiên các cơ sở phát điện ở lục địa già "thèm thuồng" than đá như vậy.
Loạt động thái bất thường này chứng tỏ rằng các nước đang tuyệt vọng như thế nào để mua đủ than trước khi mùa đông đến gần và ngay tại thời điểm khủng hoảng năng lượng rình rập khắp thế giới.
Tại châu Á - thị trường tiêu thụ than lớn nhất thế giới, giá than cũng liên tục xô đổ kỷ lục. Chia sẻ với Bloomberg, ông Isidro Consunji, Chủ tịch của công ty khai thác than lớn nhất Philippines Semirara Mining & Power dự đoán, giá than có thể sẽ tiếp tục neo mức cao cho đến nửa đầu năm 2022.