|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ba sai lầm của Big Tech

10:23 | 29/12/2022
Chia sẻ
Các doanh nghiệp công nghệ lớn như Google, Amazon hay Facebook đã phát triển mạnh trong suốt 20 năm qua, nhưng những gì diễn ra trong năm 2022 chỉ ra rằng ngay cả các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới cũng có thể mắc sai lầm.

Trong khoảng 20 năm, những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon và các đồng nghiệp của họ đã thiết lập tiêu chuẩn cho sự thành công của các doanh nghiệp công nghệ bằng một loạt chiến lược đơn giản: Đổi mới nhanh chóng và vung tiền để thu hút khách hàng.

Tốc độ chính là chìa khóa cho sự thành công. Việc dồn trọng tâm vào khâu mở rộng quy mô thay vì lợi nhuận đã trở thành yếu tố giúp nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn đứng trên đỉnh danh vọng, có thể dễ dàng đè bẹp hoặc mua lại các đối thủ tiềm năng.

Trong suốt thời gian đó, nhiều doanh nhân công nghệ ở khắp nơi trên thế giới tin rằng việc mở rộng quy mô và đạt được lợi nhuận sẽ là điều dễ dàng, vượt xa những ý tưởng ban đầu khi internet phát triển.

Trong bối cảnh lãi suất thấp, các nhà đầu tư cũng rất vui khi thấy nhiều doanh nghiệp công nghệ tăng trưởng nhanh chóng. Dù vậy, việc mở rộng quy mô nhanh chóng lại là sai lầm đầu tiên của Big Tech. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát, xu hướng vung tiền để mở rộng quy mô dần trở nên “cực đoan” và những khoản lỗ cũng bắt đầu tăng nhanh chóng mặt.

Theo Financial Times, thời kỳ tươi sáng của các doanh nghiệp công nghệ lớn (Big Tech) đã qua khi đại dịch dần được kiểm soát. Áp lực từ lạm phát và lãi suất tăng đã thay đổi tính toán tài chính của các doanh nghiệp.

Khi các nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận có thể đo lường được từ tiền gửi ngân hàng và các loại trái phiếu được xếp hạng cao nhất, những khoản đầu tư mang tính đầu cơ, hứa hẹn về tiềm năng tăng trưởng sẽ mất đi lợi thế.

Giá cổ phiếu của các công ty công nghệ hàng đầu như Google, Amazon và Facebook đều giảm mạnh. Chỉ số về các công ty công nghệ thua lỗ của Goldman Sachs đã giảm 77% kể từ mức đỉnh vào tháng 2/2021.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đã gặp không ít khó khăn trong năm 2022. (Ảnh: Financial Times).

Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng những thách thức quan trọng nhất của thời đại hiện nay, bao gồm cải thiện sức khỏe, cắt giảm lượng khí thải carbon, về cơ bản là bất kỳ thứ gì liên quan đến các sản phẩm hữu hình thay vì sản phẩm kỹ thuật số thuần túy.

Hầu hết Big Tech trở nên giàu có nhờ phần mềm. Phần mềm có thể cập nhật dễ dàng và về cơ bản là miễn phí để phân phối trên quy mô lớn. Sự đổi mới trực tuyến như vậy đã đặt ra một vấn đề mang tên “thất bại nhanh chóng”: Big Tech tung ra phần mềm nhanh nhất có thể thay vì nghiên cứu và phát triển một phần mềm hoàn chỉnh, xây dựng lượng người dùng lớn và sau đó sẽ sửa lỗi nếu có. Đây có thể là sai lầm thứ hai của Big Tech.

Quy trình như vậy đơn giản là không đúng với các sản phẩm hữu hình như ô tô, thuốc,... Chúng phải hoạt động chính xác và đáp ứng các tiêu chuẩn quy định ngay từ ban đầu. Các cơ sở sản xuất và mạng lưới phân phối không thể dễ dàng sửa đổi các chi tiết sau khi đưa sản phẩm ra công chúng. Đối với các sản phẩm hữu hình, một nhà đổi mới có thể thấy vị trí dẫn đầu của mình bốc hơi trước sự cạnh tranh từ các đối thủ khác.

Tesla có thể là một ví dụ. Thị phần của Tesla trên thị trường xe điện Mỹ đã giảm từ mức 79% cách đây 5 năm xuống dưới 65% ở hiện tại. S&P Global Mobility dự đoán thị phần của Tesla sẽ giảm xuống dưới 20% vào năm 2025 khi các nhà sản xuất khác tung ra xe tải điện và các mẫu xe rẻ hơn.

“Thế giới thực rất hỗn loạn. Ngay cả khi bạn có một chiếc ô tô tuyệt vời, bạn phải chế tạo nó tại một nhà máy. Bạn phải tìm đất, phải tìm người để sản xuất”, David Millstone, đồng giám đốc điều hành của Standard Industries, một tập đoàn công nghiệp tư nhân, chia sẻ.

Ông nói thêm rằng các sản phẩm hữu hình không giống như phần mềm, một khi đưa ra thị trường phải đạt đội chính xác tuyệt đối, không thể cứ tung ra rồi sửa lỗi giống như cách nhiều Big Tech đã làm với phần mềm của họ.

Sai lầm lớn thứ ba mà các Big Tech đã mắc phải là cho rằng những khách hàng lần đầu sẽ gắn bó với sản phẩm của họ. Quá nhiều công ty dịch vụ kỹ thuật số và thương mại điện tử tin rằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của họ trong thời gian đại dịch COVID-19 sẽ trở thành xu hướng dài hạn.

Không nhiều doanh nghiệp tin rằng đó chỉ là xu hướng nhất thời và sẽ lắng xuống khi đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát. Một số doanh nghiệp “bay cao” trong thời kỳ bùng phát dịch COVID-19 đã nhanh chóng bị kéo xuống “mặt đất” khi đại dịch dần được kiểm soát có thể kể tới như Zoom Video Communications, Delivery Hero và Peloton.

“Trong thế giới công nghệ nói chung và phần mềm nói riêng, hiệu ứng mạng là một nguồn lợi thế tiềm năng, nhưng mô hình chạy đua để chia sẻ không hoạt động đối với nhiều lĩnh vực khác”, David Garfield, trưởng bộ phận các ngành công nghiệp toàn cầu của AlixPartners chia sẻ.

Việc dành thời gian nghiên cứu để có thể tạo ra được sản phẩm phù hợp có vẻ kém thú vị hơn nhiều so với việc “tăng tốc mở rộng quy mô, làm ra sản phẩm nhanh chóng và phá vỡ mọi quy tắc”. Tuy nhiên, đối với hầu hết công ty, trong đa số các lĩnh vực, việc tăng trưởng bền vững gần như là chìa khóa dẫn tới thành công lâu dài.

Anh Nguyễn