Làn sóng sa thải nhân sự của Big Tech gây tổn thương lực lượng lao động toàn cầu
Trên khắp Thung lũng Silicon, các công ty công nghệ đang cắt giảm lực lượng lao động của họ trong một nỗ lực lớn hơn nhằm cắt giảm chi phí trước rủi ro xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, theo tạp chí Time.
Đầu tháng này, gã khổng lồ truyền thông xã hội Meta đã thông báo rằng họ sẽ sa thải 11.000 người, tương đương 13% lực lượng lao động. Kể từ khi Elon Musk tiếp quản vào tháng 10, Twitter cũng sa thải khoảng 3.000 nhân viên, tức khoảng một nửa lực lượng lao động của mình. Trong khi đó, Amazon đang chuẩn bị cắt giảm 10.000 lao động. Những Microsoft, Lyft và Stripe gần đây cũng đã công bố các đợt cắt giảm lao động với quy mô nhỏ hơn.
Nhân viên ở khắp nơi trên thế giới cũng chịu ảnh hưởng từ làn sóng sa thải của Big Tech
Những đợt sa thải gần đây không chỉ đơn thuần ảnh hưởng tới các lập trình viên hay những bữa ăn miễn phí. Ở quy mô rộng hơn, nhân viên của các công ty công nghệ tại những quốc gia khác có mối liên hệ với các công ty ở Thung lũng Silicon cũng đang bị ảnh hưởng.
Đa số những nhân viên này có thu nhập chỉ bằng một phần nhỏ so với những người đồng nghiệp đang làm việc tại những công ty lớn ở Mỹ. Một số người lo ngại sự lao dốc của ngành công nghệ có thể khiến họ rơi vào cảnh nghèo khó.
Cuối tuần qua, bản tin tập trung vào công nghệ Platformer báo cáo rằng Twitter đã cắt giảm 4.400 trong số 5.500 lực lượng lao động theo hợp đồng, bao gồm cả những người kiểm duyệt nội dung, nhiều người trong số họ được các bên thứ ba ở Philippines tuyển dụng.
Trong số những người lao động khác bị ảnh hưởng bởi xu hướng cắt giảm nhân sự gần đây có hàng trăm nhân viên tại CloudFactory, một công ty gia công phần mềm có văn phòng ở Kenya và Nepal, theo trang web của họ vào ngày 14/11, đã tính Microsoft là một trong 600 khách hàng của mình. Công ty nói với nhân viên rằng họ sẽ cắt giảm khoảng 12% lực lượng lao động vào ngày 9/11, theo thông tin được tạp chí Time thu thập được.
“Nền kinh tế đang thay đổi ảnh hưởng đến nhiều công ty công nghệ, bao gồm cả khách hàng của chúng tôi. Doanh thu công ty đạt được thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Chúng tôi đang thua lỗ và cần giảm chi phí để đảm bảo không bị thiếu hụt tiền mặt và cải thiện hiệu quả hoạt động của mình. Tôi đã quá lạc quan về việc khách hàng sẵn sàng tiếp tục chi tiêu cho các dịch vụ của chúng tôi ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu lao dốc”, Giám đốc điều hành của CloudFactory, Mark Sears, chia sẻ.
Ngày 15/11, trang web của CloudFactory cho biết họ sử dụng hơn 7.000 công nhân ở Kenya và Nepal. CloudFactory đã từ chối yêu cầu bình luận về câu chuyện này, nhưng nói rằng Microsoft không phải là một trong những khách hàng của họ. Ngày hôm sau, logo của Microsoft không còn được hiển thị trên phần danh sách khách hàng trên trang web của CloudFactory. Microsoft cũng không đưa ra bình luận về vấn đề này.
Một nhân viên ở Kenya của CloudFactory chia sẻ với tờ Time rằng công việc của họ, vốn chỉ được trả công chưa tới 50 USD/ngày, đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải công nghệ đang diễn ra.
“Hiện tại ở Kenya, rất khó để kiếm được việc làm. Tôi có thể thấy rất nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm, bởi vì tình hình vào lúc này thực sự tồi tệ. Tôi là một trong những người đó”, người nhân viên chia sẻ.
Ở Nepal, nơi luật lao động cung cấp ít sự bảo vệ hơn cho người lao động, các nhân viên CloudFactory bị ảnh hưởng đã bị sa thải gần như ngay lập tức, theo các nguồn tin thân cận với vấn đề. Ở Kenya, nơi có các biện pháp bảo vệ tốt hơn cho người lao động, các nhân viên bị ảnh hưởng đã được yêu cầu gửi “biểu hiện quan tâm” nếu họ muốn tiếp tục làm việc tại công ty và chờ đợi quyết định chính thức dự kiến được đưa ra vào ngày 17/11.
“Tôi vẫn phải trả các hóa đơn, tôi còn tiền thuê nhà, tôi cần thức ăn. Mọi thứ sẽ thực sự khó khăn nếu như tôi mất việc. Một số đồng nghiệp của tôi có các khoản vay từ ngân hàng. Làm thế nào để họ có thể trả nợ nếu không có việc”, một nhân viên làm việc tại Kenya chia sẻ.
Người lao động bị tổn thương
Việc sa thải nhân viên tại CloudFactory phản ánh tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp gia công phần mềm trực tuyến (công nghệ đám mây), trong đó các công ty công nghệ phân bổ các nhiệm vụ quan trọng nhưng không đáng kể cho người lao động ở các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao, mức lương thấp và các quy định bảo hộ lao động thường lỏng lẻo.
Jonas Valente, chuyên gia nghiên cứu của Viện Internet Oxford cho biết: “Thế giới công nghệ rất rộng lớn chứ không chỉ nằm ở Thung lũng Silicon. Có một lực lượng lao động trên toàn cầu đang làm tất cả công việc cho các công ty công nghệ. Người lao động làm việc tại các công ty gia công phần mềm ở những nơi khác thường có điều kiện làm việc và thu nhập kém hơn các đồng nghiệp tại Big Tech”.
Sứ mệnh của CloudFactory, theo các tài khoản công ty gần đây nhất, là “kết nối 1 triệu nhân tài với công việc trực tuyến, có ý nghĩa”. Nhân viên người Kenya bị ảnh hưởng đã bị thu hút vào làm việc tại CloudFactory, một phần là do công ty tập trung vào đạo đức và các giá trị xã hội, nhưng tin rằng công ty đã đi ngược lại những điều đó khi thực hiện sa thải trong tuần này. “Chúng tôi từng cảm thấy như một gia đình. Tất cả những điều này không phù hợp với văn hóa và nguyên tắc mà CloudFactory muốn xây dựng”, người nhân viên này chia sẻ.