|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Nga: Nếu chỉ bán tiêu, điều, chân giò muối... thì Hapro khó thành công

17:36 | 24/06/2018
Chia sẻ
Nhiều cổ đông mong chờ một làn gió mới khi bà Nguyễn Thị Nga (Chủ tịch Tập đoàn BRG) ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT Hapro, câu chuyện trong năm đầu tiên sau cổ phần hóa sẽ là tái cơ cấu ra sao để có thể gia tăng hiệu quả hoạt động, trong vòng 3 - 5 năm tới Hapro mới có thể tính những bước đi cụ thể và dài hơi hơn. 

Sáng ngày 24/6, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro – Mã: HTM) tiến hành tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu tiên sau cổ phần hóa. Trong bối cảnh Nhà nước đã thoái vốn toàn bộ, nhà đầu tư đang chờ đợi cổ đông chiến lược tiếp quản tới 65% vốn sẽ làm gì tại một trong những doanh nghiệp giàu truyền thống bậc nhất Thủ đô này.

Ngay từ đầu đại hội, đoàn cổ đông chiến lược dẫn đầu là bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG rời thang máy tiến vào phía hội trường, cán bộ nhân viên Hapro xếp hai hàng trong những bộ đồng phục vỗ tay chào đón rất nồng nhiệt. Nhiều cổ đông cho biết, chưa bao giờ thấy nhóm cổ đông chiến lược nào được hưởng ứng đến như vậy.

ba nguyen thi nga neu chi ban tieu dieu chan gio muoi thi hapro kho thanh cong
Bà Nguyễn Thị Nga và cán bộ công nhân viên Hapro

Theo cập nhật của ban kiểm tra tư cách cổ đông, đại hội Hapro thu hút trên 500 người đến dự.

Một trong những nội dung quan trọng nhất tại đại hội năm nay chính là bầu cử thành viên vào HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới. Trong danh sách 5 thành viên ứng cử tham gia HĐQT, duy chỉ còn có ông Vũ Thanh Sơn là người của Hapro, bốn thành viên còn lại đáng chú ý có bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á; ông Trần Anh Tuấn – Thành viên HĐQT CTCP Intimex Việt Nam; bà Trần Thị Tuyết Nhung – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CN Ô tô Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó TGĐ Tập đoàn BRG.

ba nguyen thi nga neu chi ban tieu dieu chan gio muoi thi hapro kho thanh cong
Tất cả các thành viên ứng cử vào HĐQT, BKS đều trúng cử. Tại buổi họp HĐQT đầu tiên, bà Nguyễn Thị Nga được bầu làm Chủ tịch, ông Vũ Thanh Sơn tiếp tục giữ chức Tổng giám đốc.

Với những điều kiện như vậy, cổ đông chiến lược liệu có thể đem luồng gió mới vào hoạt động kinh doanh của Hapro?

Nắm 65% vốn tại Hapro, cổ đông chiến lược có vai trò gì?

Trong bài phát biểu của mình, bà Nguyễn Thị Nga có nhắc về hoạt động kinh doanh chính của Tập đoàn BRG, là một công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất dịch vụ với 20.000 lao động. Hoạt động kinh doanh bất động sản rất ít, nếu có cũng chỉ là bất động sản dịch vụ bao gồm khách sạn và sân golf…

Tập đoàn BRG hoạt động các ngành nghề như nuôi tôm, tinh bột sắn, sản xuất lắp ráp ô tô và sẽ còn đa dạng hơn nữa khi có thêm Hapro…

Bà Nga bày tỏ cảm phục khi chứng kiến 24 công ty thành viên lớn của Hapro điều hành đều nằm trên tấm backdrop. Là công ty Nhà nước nhưng Hapro hoạt động với mô hình không khác gì các công ty tư nhân.

Hapro xuất khẩu hàng chục nước trên thế giới, bản thân Tập đoàn BRG từ lâu đã nhìn thấy tiềm năng hợp tác với Hapro.

Trong vòng 5 năm tới, Hapro tiếp tục phát triển dựa trên hoạt động kinh doanh cốt lõ là sản xuất và xuất khẩu. Đầu tư xây dựng thêm nhà máy sản xuất hạt điều tại Bình Phước, thêm các nhà máy sản xuất gạo… Vai trò cổ đông chiến lược sẽ hỗ trợ đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Đặc biệt phía bà Nga mong muốn công ty có thể phát triển vùng nguyên liệu, đó là những động lực nền tảng của Hapro.

Hiện hệ thống của Tập đoàn BRG trải dài từ Bắc chí Nam, đặc biệt tại vùng Đồng Bằng Nam Bộ, do đó những mặt hàng mà Hapro xuất khẩu, phía Tập đoàn tự tin có khả năng cung ứng vững chắc.

ba nguyen thi nga neu chi ban tieu dieu chan gio muoi thi hapro kho thanh cong
Đại hội đồng cổ đông Hapro lần đầu tiên thu hút trên 500 cổ đông tham dự

Nếu chỉ bán tiêu, điều, chân giò muối... thì khó thành công

Trong quá trình tiếp quản Hapro từ phía Nhà nước, bà Nga cũng cho biết gặp phải không ít khó khăn.

Thứ nhất, cổ phần hóa, chỉ có duy nhất phía Tập đoàn đồng ý với vai trò cổ đông chiến lược, nhận lời mời từ TGĐ Hapro là ông Vũ Thanh Sơn.

Thứ hai, trong quá trình cổ phần hóa, thành phố Hà Nội đã thu lại 63 điểm kinh doanh của Hapro, trong đó nhiều vị trí đẹp khiến chính cổ đông chiến lược cảm thấy “choáng”.

Trong đó đáng chú ý có những khu đất Hàng Khay, Hàng Bồ, tại khu vực Đông Anh, Hapro cũng bị thu lại 23 ha.

Thứ ba, từ khi lên UPCoM, giá cổ phiếu Hapro bị ảnh hưởng mạnh theo xu thế thị trường, thậm chí có thời điểm xuống mức giá 9.600 đồng/cp. Mặt khác, khi quyết định bán cho cổ đông chiến lược, phía Tập đoàn cũng phải mua bằng giá bình quân đấu giá thành công là 12.908 đồng/cp. Tức là cao hơn 14 tỷ đồng, theo bà Nga, giá như khoản tiền đó có thể tiết kiệm được thì đã có thể đầu tư thêm vào Hapro.

Nói thêm về khoản đầu tư vào Hapro, bà Nga cho biết, doanh nghiệp vốn mấy nghìn tỷ mà lãi chỉ có 17 tỷ đồng thì quá ít. Nếu số tiền đó mà gửi ngân hàng sẽ lãi hơn nhiều. Nhưng khi đã là cổ đông chiến được, trách nhiệm của Tập đoàn là vô cùng to lớn.

Một cổ đông bày tỏ nguyện vọng, với sự xuất hiện của bà Nga, công ty sẽ tận dụng lợi thế thuê đất sẵn có, tiến hành mua lại để chuyển hướng phát triển bất động sản. Hứa với cổ đông, bà Nga cho biết sẽ thực hiện điều này, Hapro đang muốn xin lại thành phố miếng đất 23 ha tại Gia Lâm: “Nếu chúng ta chỉ bán hạt tiêu, điều, chân giò hun khói thì khó mà thành công”.

Hậu cổ phần hóa, không sa thải bất cứ nhân viên nào

Theo lời của bà Nga, Tập đoàn BRG đã tham gia mua lại một số công ty, điểm cốt lõi luôn là mong muốn giữ vững ổn định phát triển toàn bộ nhân viên, không sa thải vô nguyên tắc bất kỳ cán bộ nào.

“Chủ trương của chúng tôi là không làm người lao động bị tổn thương, không để cho ai bị kỳ thị. Tập đoàn không phải tư nhân vào bóc lột, lấy đất đai để đi bán”.

Về chiến lược nhân sự, bà Nga cho biết sẽ bổ nhiệm lại nguyên trạng cán bộ, từ TGĐ đến Phó tổng phòng ban, tuy nhiên trong vòng 6 tháng sẽ phải phỏng vấn lại chọn người đúng năng lực vào công việc phù hợp.

Trong năm 2018, Hapro đặt kế hoạch tổng doanh thu 6.400 tỷ đồng, tăng trưởng trong vòng 3 năm tới mỗi năm từ 15-25%.

Trong đó tỷ trọng xuất khẩu mỗi năm khoảng 80%. Theo ông Vũ Thanh Sơn, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 80% là cải thiện nhiều so với 65% thời điểm hiện tại. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm gạo, tiêu, điều, tinh bột sắn và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Việc nâng tỷ trọng hàng xuất khẩu theo ông Sơn là có căn cứ, bởi giai đoạn còn là doanh nghiệp Nhà nước, lượng tiền không thể quá dồi dào để thực hiện đầu tư các nhà máy, nhưng theo cam kết của cổ đông chiến lược, vấn đề này sẽ được giải quyết.

Sau đai hội, ông Sơn cho rằng vấn đề quan trọng là làm gì để cơ cấu lại. Ông Sơn thừa nhận nhiều tồn tại dưới thời Hapro là doanh nghiệp Nhà nước như bộ máy cồng kềnh, cán bộ trì trệ không rõ về động lực.

Trong năm đầu sau cổ phần hóa, Hapro sẽ thực hiện cơ cấu lại toàn bộ, luân chuyển nhân sự đúng người đúng việc, thậm chí là tuyển thêm nhân tài về.

Xem thêm

Bạch Mộc