Bà Mai Kiều Liên: Vinamilk không có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ để cứu giá cổ phiếu VNM, đã chốt giá sữa bột tới tháng 8
Sáng 26/4, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 theo hình thức trực tuyến.
Tính tới 8h30, tổng số cổ phần tham dự ĐHĐCĐ là gần 1,7 tỷ, chiếm 81,34% số cổ phần có quyền biểu quyết và đủ điều kiện tiến hành. Kết thúc đại hội, toàn bộ tờ trình đều được thông qua.
Lên mục tiêu 9.770 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2022
Năm 2022, Vinamilk lên kế hoạch tổng doanh thu năm 2022 là 64.070 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 9.770 tỷ đồng, tăng 5% về doanh thu và giảm 8% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông của công ty mẹ mục tiêu đạt 9.720 tỷ đồng, giảm 7,7% so với năm trước.
Theo thông tin từ báo cáo thường niên 2021, công ty lên mục tiêu thị phần năm nay sẽ tăng 0,5% lên 56%.
Tới năm 2026, doanh nghiệp dự kiến doanh thu sẽ cán mốc 86.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 16.000 tỷ. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu giai đoạn 2022-2026 dự kiến đạt 7,2%.
Hết năm 2021, tại Việt Nam, Vinamilk sở hữu 14 trang trại bò sữa với tổng đàn khai thác hơn 160.000 con.
Trong đó, Công ty Bò sữa Việt Nam quản lý 11 trang trại với tổng đàn là 26.000 con, Công ty Bò sữa Thống nhất Thanh Hoá quản lý hai trang trại với tổng đàn khoảng 8.000 con và các hộ nông dân đối tác với tổng đàn khoảng 100.000 con. Mộc Châu Milk hiện sở hữu đàn bò sữa hơn 2.000 con tại trang trại và 25.000 con.
Ngoài ra, công ty Lao-Jagro đang xây dựng tổ hợp trang trại đầu tiên của giai đoạn I với tổng quy mô 24.000 con dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023.
Dự kiến tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 vào tháng 7
Năm 2022, Vinamilk đặt mục tiêu trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ là 38,5%, tương ứng 3.850 đồng/cp. Tổng giá trị cổ tức chi trả bằng tiền dự kiến là 8.046 tỷ đồng, tương đương 83% lợi nhuận sau thuế.
Trong đó, Vinamilk muốn tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 là tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cp). Ngày chốt danh sách cổ đông là ngày 7/7, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 6/7, và ngày thanh toán dự kiến là 19/8.
Mức chi trả cổ tức năm 2021 trình ĐHĐCĐ là 3.850 đồng/cp, tương ứng với tổng số tiền dự chi là 8.046 tỷ đồng. Trong đó, Vinamilk đã tạm ứng hai đợt cổ tức trong năm 2021 với tổng tỷ lệ 29%. 9,5% cổ tức bằng tiền còn lại (950 đồng/cp) dự kiến sẽ chốt danh sách cùng ngày với cổ tức đợt 1/2022 và ngày chi trả cổ tức đợt ba dự kiến cũng là 19/8.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trúng cử vào HĐQT, bà Lê Thị Băng Tâm rút khỏi Vinamilk
Tại đại hội, doanh nghiệp đã tiến hành bầu lại thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2022 - 2026.
Số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2026 là 11 người, trong đó có ít nhất ba thành viên độc lập và phải đảm bảo tối thiểu là 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên không điều hành.
Vinamilk đã công bố danh sách 10 ứng viên vào HĐQT. Đáng chú ý, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT của Vinamilk sẽ không góp mặt trong danh sách ứng viên này.
Không chỉ không góp mặt trong danh sách ứng viên HĐQT của Vinamilk mà bà Tâm cũng không có tên trong danh sách HĐQT của Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP HCM (HDBank - Mã: HDB) nhiệm kỳ 2022- 2027. Hiện bà Tâm cũng đang làm Chủ tịch HĐQT của HDBank.
Bà Lê Thị Băng Tâm sinh năm 1947 tức năm nay bà đã 75 tuổi. Bà là thành viên HĐQT của Vinamilk từ tháng 4/2013 và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT từ tháng 7/2015.
Từ năm 2006 đến nay, bà đã tham gia vào HĐQT của nhiều công ty khác nhau, tiêu biểu là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC); thành viên, Chủ tịch HĐQT của HDBank.
Chia sẻ về sự rút lui của bà Tâm, bà Mai Kiều Liên bày tỏ sự tiếc nuôi về chặng đường 10 năm gắn bó của bà Tâm với sự đóng góp lớn giúp Vinamilk có ngày hôm nay, đặc biệt trong hai năm dịch bệnh vừa qua.
Bà Tâm rút lui khỏi HĐQT thì ông Nguyễn Hạnh Phúc (1959) được HĐQT Vinamilk nhiệm kỳ 2017 - 2021 giới thiệu cho vị trí thành viên HĐQT độc lập và đã trúng cử. Hiện HĐQT của Vinamilk đang gồm 10 người.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc từng nhiều năm công tác ở Sở Xây dựng Thái Bình sau đó kinh qua nhiều vị trí chủ chốt ở tỉnh uỷ tỉnh Thái Bình như Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Thái Bình.
Từ tháng 8/2011 tới tháng 11/2021, ông Phúc là Uỷ viên TW Đảng, Uỷ viên Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia. Ngoài ra, từ tháng 1/2016 tới tháng 11/2021, ông còn là Chủ tịch nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam – Australia.
Từ tháng 11/2021 tới nay, ông Phúc nghỉ hưu theo chế độ.
Thảo luận:
Lý giải mức tiêu thụ sữa tại Việt Nam còn thấp khi lượng sữa trên đầu người ở mức thấp so với khu vực?
Bà Mai Kiều Liên, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc: Việt Nam là một đất nước không có thói quen dùng sữa, trước đó đa phần các sản phẩm sữa đều nhập khẩu, không có ngành công nghiệp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa cho tới khi sau Giải phóng.
Hiện Việt Nam thuộc diện mức thu nhập còn thấp và GDP tăng trưởng chưa cao như các nước trong khu vực nên lượng sữa tiêu thụ trên đầu người còn thấp
Tuy nhiên, trong 12 năm gần đây, với nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành sữa, lượng sữa tiêu thụ trung bình trên đầu người đã tăng 2,5 lần từ 2010 lên 2021.
Chiến lược kích thích tiêu thụ sữa tại Việt Nam những năm tới?
Bà Mai Kiều Liên: Hiện Vinamilk đang cung cấp các giải pháp dinh dưỡng chuẩn quốc tế và phù hợp với thể trạng người Việt Nam.
Đồng thời, Vinamilk đang đẩy mạnh chương trình sữa học đường, hướng tới mục tiêu mọi trẻ em đều được uống sữa. Các nỗ lực trên sẽ giúp gia tăng lượng tiêu thụ sữa tại Việt Nam.
Trong dự báo của Vinamilk, tới 2025, tổng doanh thu ngành sữa của Việt Nam là 136.000 tỷ, trong đó riêng Vinamilk là 86.000 tỷ.
Tổng sản lượng sữa organic tới 2022 của Vinamilk là bao nhiêu? Mục tiêu tới 2025 là bao nhiêu? Biên lợi nhuận sản phẩm sữa organic có cao hơn các sản phẩm khác?
Bà Mai Kiều Liên: Một số vấn đề là chiến lược kinh doanh nên Vinamilk không thể chia sẻ được thông tin với cổ đông.
Khi đưa vào tiêu thụ từ 2019, tới nay sản phẩm organic đã có một bộ phận đáng kể người tiêu dùng. Đây là dòng sản phẩm kén người mua, giá thành cao, cần phải có thời gian để chuyển biến nhận thức và hành vi người tiêu dùng. Khi kinh tế phát triển, điều kiện thị trường chín muồi thì tiêu thụ các sản phẩm organic là một xu thế tất yếu như các nước đang phát triển hiện nay.
Những nỗ lực hiện tại của Vinamilk đối với dòng sản phẩm organic là bước chuẩn bị cho tương lai và Vinamilk dự báo sẽ không xa.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường sữa Việt Nam đã bão hoà dẫn tới tiềm năng tăng trưởng của Vinamilk không còn mạnh, ban lãnh đạo nhìn nhận như thế nào về vấn đề này? Động lực tăng trưởng của Vinamilk các năm tới?
Bà Mai Kiều Liên nhận định ngành sữa hiện nay chưa bão hoà. Mức tiêu thụ sữa bình quân đâu người của Vinamilk còn rất thấp so với khu vực.
Lợi thế và khả năng tăng trưởng trong tương lai của Vinamilk và ngành sữa Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào các vấn đề cốt lõi như GDP tăng trưởng, mức thu nhập tăng thì mức sử dụng sữa sẽ tăng lên. Thứ hai là bình quân mỗi năm, Việt Nam có hơn 1 triệu trẻ em ra đời, đây là đối tượng bắt buộc phải sử dụng sản phẩm sữa.
Thứ ba, dân số của Việt Nam đang chuyển đổi nhưng vẫn tăng trưởng thêm. Với những lợi thế đó, bà Liên đánh giá thị trường sữa chưa bão hoà.
Doanh số của thị trường sữa lên tới 136.000 tỷ tới 2025. Riêng Vinamilk trong năm 2022 là 61.000 tỷ, dự kiến tới 2025, tăng trưởng theo GDP là 6-7% lên 86.000 tỷ.
Giá cổ phiếu hiện không tương xứng với sự phát triển của công ty, công ty có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ không?
Bà Mai Kiều Liên khẳng định công ty không có ý định mua cổ phiếu quỹ để cứu giá. Giá cổ phiếu trên thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bản thân Vinamilk sẽ cố gắng phát triển bền vững kèm tăng trưởng.
Tăng trưởng xuất khẩu năm 2022?
Bà Mai Kiều Liên: Trong 2021, tăng trưởng xuất khẩu là 10%. Dự kiến 2022, doanh thu xuất khẩu khoảng 5-10% tuỳ thuộc vào thị trường trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng rất cao từ 37-40%. Kể cả đường trong nước sản xuất được cũng tăng giá tới 40%. Do đó, vấn đề này ảnh hưởng rất lớn tới giá và mức tiêu thụ.
Chia sẻ chiến lược về kênh phân phối, sản phẩm?
Bà Mai Kiều Liên: Hiện kênh phân phối của Vinamilk đang có kênh truyền thống (các nhà phân phối, 250.000 điểm lẻ), kênh hiện đại (siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, cửa hàng tiện lợi) và kênh thương mại điện tử.
Trong mùa dịch, kênh thương mại điện tử và kênh hiện đại vẫn phát triển tốt hơn kênh truyền thống do giãn cách xã hội.
Bà Liên đánh giá kênh thương mại điện tử là một cơ hội với Vinamilk. Trong năm 2021, kênh thương mại điện tử tuy số lượng, doanh thu chưa cao nhưng đã tăng trưởng gấp 3 lần so với lúc chưa có dịch.
Trong thời gian tới Vinamilk sẽ tập trung rất mạnh vào kênh thương mại điện tử. Vinamilk sẽ có kế hoạch, chiến lược dài hạn để phát triển kênh thương mại điện tử giống các công ty trên thế giới đang làm như Amazon, Alibaba và sẽ học tập kinh nghiệm từ đây.
Khi có cơ hội ở kênh nào, Vinamilk sẽ tập trung cho kênh đó, tuy nhiên bà Liên nhận thấy sự chuyển đổi giữa kênh truyền thống sang hiện đại sẽ là xu hướng tất yếu.
Vì sao ngành sữa lại ảnh hưởng nặng do COVID-19 dù là sản phẩm thiết yếu trong dịch COVID-19:
Bà Mai Kiều Liên: Có thể thấy khi dịch bệnh, mì ăn liền là phát triển nhanh nhất vì giá thành rẻ trong khi sữa là sản phẩm dinh dưỡng, giá cao. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều người lao động mất việc làm thì họ sẽ ưu tiên cái no trước cái dinh dưỡng.
Trong năm 2021, Vinamilk hầu như không tăng giá dù giá nguyên vật liệu tăng rất cao.
Phát triển kênh hiện đại có tác động tới biên lợi nhuận của công ty không?
Bà Mai Kiều Liên: Biên lợi nhuận là do việc phân bổ chi phí. Đối với các kênh hiện đại lớn thì cũng không thay đổi biên lợi nhuận so với kênh truyền thống. Ví dụ chuỗi Giấc Mơ Sữa Việt có hơn 600 cửa hàng, mới ra đời 3,4 năm, biên lợi nhuận có giảm so với kênh truyền thống và kênh hiện đại nhưng cũng không giảm nhiều và dự báo sẽ cải thiện những năm tới.
Kế hoạch M&A trong 5 năm tới?
Bà Mai Kiều Liên: Vinamilk sẽ tập trung M&A vào ngành tiêu dùng nhanh liên quan tới sức khoẻ, dinh dưỡng.
Vinamilk có kê hoạch niêm yết niêm yết ở nước ngoài không?
Bà Lê Thị Băng Tâm: Cách đây vài năm, Vinamilk đã nghiên cứu và mong muốn nhưng đến thời điểm hiện nay để niêm yết ra thị trường quốc tế không đơn giản, nên công ty chưa có kế hoạch cụ thể gì. Bà Tâm chia sẻ trong tương lai khi điều kiện thuận lợi thì niêm yết sẽ là hướng đi tốt cho Vinamilk.
Công ty đã tăng giá bán ra sao để bảo vệ lợi nhuận? Hiện công ty đã chốt giá bột sữa tới khi nào?
Bà Mai Kiều Liên: Công ty đã hoàn thành tăng giá bán trong năm 2022. Hiện Vinamilk đã chốt giá sữa bột tới tháng 8.
Vinamilk là công ty có hệ thống quản lý ổn định, hệ thống phân phối và đối tác khách hàng lớn nhưng lại mang trên mình một lượng nhân sự lớn. Đó có phải là gánh nặng của công ty?
Bà Mai Kiều Liên: Với Vinamilk đây không phải là áp lực với nhân sự khổng lồ. Hiện Vinamilk có khoảng 5.000-6.000 nhân sự. Với doanh số khoảng 3 tỷ USD, chi phí tiền lương trên doanh thu rất là thấp do các nhà máy đã tự động hoá nên năng suất lao động rất cao.
Vấn đề với Vinamilk không phải là lượng nhân sự lớn mà là đáp ứng của nhân sự trong tình hình mới, đây mới là điều Vinamilk đang quan tâm. Như đã trình bày trong chiến lược phát triển, trong 5 năm tới, Vinamilk sẽ phấn đấu trở thành nơi thu hút nhân tài, có kế hoạch đào tạo lại cán bộ nhân viên với công nghệ mới đáp ứng sự phát triển của công ty trong 5 năm tới.
Về chiến lược quảng cáo, marketing của Vinamilk?
Bà Mai Kiều Liên: Vinamilk có kết hợp nhiều hình thức để quảng cáo, làm sao tiếp cận trực tiếp và ấn tượng với người tiêu dùng.
Mục tiêu 5 năm là lấy khách hàng làm trọng tâm để ra sản phẩm, truyền thông thuyết phục được người tiêu dùng.
Quảng cáo kiểu cũ là qua TV, tuy nhiên hiện nay lượng người xem giảm bớt. Do đó, hiện Vinamilk đang tập trung vào digital marketing theo quy trình chuẩn của thế giới để hỗ trợ hoạt động bán hàng của công ty và dự báo digital marketing sẽ phát triển mạnh trong 5 năm tới.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/