|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Asanzo tuyên bố: Xem xét kiện Công ty Sa Huỳnh vì 'xâm phạm thương hiệu'!

20:50 | 24/07/2019
Chia sẻ
Theo thông tin từ hải quan, Công ty Sa Huỳnh-đơn vị nhập khẩu lô hàng lò nướng thủy tinh, đã bị khởi tố về hành vi buôn lậu. Điều đáng nói là bên trong các lò nướng thủy tinh còn có dòng chữ “Asanzo – Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản.
Asanzo tuyên bố: Xem xét kiện Công ty Sa Huỳnh vì "xâm phạm thương hiệu"! - Ảnh 1.

Công ty Sa Huỳnh bị khởi tố về hành vi buôn lậu khi nhập lô hàng lò nướng thủy tinh về Việt Nam. Điều đáng nói là trong các lò nướng thủy tinh đều có dòng chữ "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản.

Trao đổi với Dân Trí ngày 23/7, ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) xác nhận, Công ty Sa Huỳnh đơn vị nhập khẩu lô hàng lò nướng thủy tinh có sử dụng thương hiệu Asanzo trước đây đã bị khởi tố về hành vi buôn lậu.

Tuy nhiên, ông này cũng cho biết, sự việc này xảy ra từ năm 2018. "Việc xảy ra đã lâu", ông này khẳng định.

Riêng vấn đề về 14 công ty cung cấp linh kiện cho Asanzo thì do Cục Kiểm tra sau thông quan chủ trì nên ông Hùng không thể cung cấp thông tin gì thêm.

Báo Dân trí cũng đã liên lạc với lãnh đạo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên, Cục này chưa có câu trả lời cụ thể.

Đáng chú ý, ngay trong ngày 24/7, sau khi có thông tin Công ty Sa Huỳnh đã bị khởi tố,  Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo đã có thông báo liên quan đến việc khởi tố Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh mà báo chí đưa tin.

Công ty Asanzo cho rằng, doanh nghiệp này không có bất kỳ quan hệ thương mại hay sở hữu phần vốn góp nào trong Công ty Sa Huỳnh. Việc Công ty Sa Huỳnh sử dụng thương hiệu Asanzo trên các sản phẩm nhập khẩu là hành vi xâm phạm thương hiệu Asanzo.

Đồng thời, chủ sở hữu thương hiệu Asanzo cũng đang làm việc với luật sư xem xét khởi kiện Công ty Sa Huỳnh về hành vi sử dụng thương hiệu Asanzo.

“Về các công ty nhập khẩu hàng hóa và linh kiện đầu vào: liên quan đến 14 công ty khác được đề cập tại Báo Tuổi Trẻ, chúng tôi sẽ tìm hiểu lại thông tin và kiểm tra lại xem các công ty này có mối quan hệ thương mại, đối tác nào với chúng tôi hay không. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, các công ty này là những pháp nhân riêng biệt, không có quan hệ sở hữu với Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo”, thông báo nêu rõ.

Cũng theo Công ty Asanzo, trong thời gian qua, công ty này đã hoàn thành hợp tác với các cơ quan chức năng khi đến làm việc và sẽ tiếp tục hợp tác làm rõ cho đến khi có kết luận cuối cùng.

Asanzo tuyên bố: Xem xét kiện Công ty Sa Huỳnh vì "xâm phạm thương hiệu"! - Ảnh 2.

Thông báo của Công ty Asanzo ngày 24/7.

Trước đó, trong buổi họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ vừa diễn ra tại tại Hà Nội mới đây, bà Nguyễn Thu Nhiễu, Phó cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết, đơn vị này vẫn đang tiến hành rà soát, thu thập thông tin của các doanh nghiệp cung cấp, bán hàng cho Asanzo.

Tính đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả cuối cùng, dù một số công ty đã có kết quả sơ bộ.

Ngoài ra, trong 56 doanh nghiệp đầu ra, tiêu thụ hàng cho Asanzo thì chỉ còn 16 doanh nghiệp đang kinh doanh, 40 doanh nghiệp còn lại đã ngừng hoạt động.

Dư luận đang rất chờ đợi kết luận về vụ việc tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo vào ngày 30/7 tới đây.

Bởi trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc của Công ty Asanzo.

Asanzo tuyên bố: Xem xét kiện Công ty Sa Huỳnh vì "xâm phạm thương hiệu"! - Ảnh 3.

Nhiều siêu thị tại TPHCM đã tạm ngưng phân phối sản phẩm của Asanzo. Ảnh: Đại Việt

Trong lúc chờ đợi kết luận của cơ quan chức năng thì đại diện Công ty Asanzo cho rằng, đơn vị này đang “kiệt quệ” sau 1 tháng xảy ra khủng hoảng.

Cụ thể, thương hiệu Asanzo đã trở về con số 0. Toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Điện Máy Xanh, Chợ Lớn, Thiên Hòa, Lotte, Big C... cũng đã ra thông báo ngừng trưng bày và cho phép đổi trả hàng. Điều này đã hưởng trầm trọng đến doanh số của Asanzo. Ước tính thiệt hại lên tới vài trăm tỷ đồng.

Cũng theo đại diện của Asanzo, nhiều đại lý, cửa hàng ở các tỉnh cũng đã liên tục trả hàng về công ty này. Đối tác ngân hàng cũng đóng băng tài khoản và dừng hợp tác với Asanzo vì áp lực dư luận. Truyền thông và mạng xã hội cũng chửi bới, đả kích, châm biếm doanh nghiệp nặng nề.

Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo cho biết, mặc dù việc sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ nhưng công ty vẫn chi gần 20 tỷ đồng để duy trì hoạt động và ổn định đời sống cho hàng ngàn nhân viên, lao động.

Theo ông Tam, tổng số thiệt hại trong một tháng qua là khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Đại Việt