|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Arab Saudi và UAE thỏa hiệp, giá dầu thô có thể hạ nhiệt

08:24 | 15/07/2021
Chia sẻ
Nguồn thạo tin của Reuters cho biết hôm 14/7, Arab Saudi và UAE đã đạt được thỏa hiệp về chính sách của OPEC+. Động thái này có thể tháo gỡ thế bế tắc tại liên minh dầu mỏ và hạ nhiệt giá dầu.

Theo đưa tin từ Reuters, vào ngày 14/7, hai đồng minh lâu năm Arab Saudi và UAE đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ sau gần hai tuần bế tắc. Diễn biến mới có thể mở đường cho OPEC+ bơm thêm dầu thô ra thị trường giữa lúc nguồn cung bị siết chặt, nhờ đó giá dầu đang tăng cao có thể hạ nhiệt phần nào.

Giá dầu Brent đã giảm khoảng 1 USD xuống còn 75 USD/thùng sau khi Reuters đưa tin về động thái mới của hai nhà sản xuất dầu thô lớn của liên minh dầu mỏ OPEC+. Wall Street Journal cũng là một trong các hãng truyền thông đưa tin đầu tiên.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố cùng ngày 14/7, Bộ Năng lượng UAE cảnh báo rằng OPEC+ vẫn chưa đạt được thỏa thuận chung về mức sản lượng cơ sở của từng nước. Trong vài ngày tới, các bên sẽ tiếp tục thảo luận và tham vấn để tìm hướng giải quyết cho liên minh.

Arab Saudi và UAE thỏa hiệp, giá dầu thô có thể hạ nhiệt - Ảnh 1.

Thái tử Mohammed bin Zayed của UAE (trái) và Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi. (Ảnh: Getty Images).

Năm ngoái, để đối phó với sự sụt giảm nhu cầu nghiêm trọng mà đại dịch COVID-19 gây ra, OPEC+ đã đồng ý giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày. Các giới hạn đã được nới lỏng vào đầu năm nay và mức giảm sản lượng hiện đang là 5,8 triệu thùng/ngày.

Đầu tháng 7, tại cuộc họp chính sách mới nhất, hội đồng các bộ trưởng của OPEC+ đã đề xuất tăng nguồn cung thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay.

Ngoài ra, các bộ trưởng còn mong muốn OPEC+ gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng đến tháng 12/2022. Thỏa thuận hiện tại của OPEC+ dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 4 năm tới.

Arab Saudi hòa hoãn với người đồng minh lâu năm

Tranh chấp giữa Riyadh và Abu Dhabi nổ ra tại cuộc họp trên. Mặc dù hai đồng minh thân cận tán thành đề xuất tăng sản lượng ngay lập tức, UAE lại phản đối việc gia hạn thỏa thuận đến tháng 12/2022 trừ khi OPEC+ tăng mức sản lượng cơ sở của nước này từ gần 3,2 triệu thùng/ngày lên 3,8 triệu thùng/ngày.

Nguồn tin của Reuters cho biết, Arab Saudi đã đồng ý với yêu cầu của UAE, tăng hạn ngạch cơ sở từ 3,168 triệu thùng/ngày lên khoảng 3,65 triệu thùng/ngày. Cho phép Abu Dhabi tăng mức sản lượng cơ sở có thể mở đường cho OPEC+ kéo dài thỏa thuận kiểm soát nguồn cung đến cuối năm 2022, nguồn tin nhấn mạnh.

Nga đang muốn nhanh chóng bơm thêm dầu thô ra thị trường và là một trong các nước làm trung gian hòa giải giữa Arab Saudi và UAE. OPEC+ hiện chưa đưa ra quyết định cuối cùng về thỏa thuận nguồn cung. Reuters không rõ liệu các nước khác có được điều chỉnh mức cơ sở hay không.

Các nhà sản xuất cho biết họ sẽ ấn định ngày nhóm họp mới trong thời gian thích hợp, nguồn tin của Reuters thông tin thêm.

Nếu liên minh dầu mỏ cuối cùng vẫn không thể chốt được thỏa thuận, hệ quả ngay lập tức của cuộc tranh chấp là OPEC+ không thể tăng sản lượng vào tháng 8 năm ngay. Điều này sẽ khiến thị trường thiếu hàng triệu thùng dầu ngay khi nền kinh tế toàn cầu khởi sắc sau dịch bệnh.

Lần cuối cùng Arab Saudi và UAE xung đột về chính sách dầu mỏ là vào tháng 12 năm ngoái, khi Abu Dhabi để ngỏ ý tưởng rời khỏi OPEC+. Cuộc tranh chấp trước kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến.

Khả Nhân