Apple mắc sai lầm lớn khi không kèm tai nghe và củ sạc cho iPhone 12?
Với lí do "bảo vệ môi trường", giảm lượng khí thải carbon, tránh khai thác và sử dụng các nguyên tố đất hiếm, Apple đã loại bỏ các phụ kiện như tai nghe EarPods và cục sạc khiến cho người tiêu dùng trên khắp thế giới bày tỏ nhiều quan điểm trái chiều.
Theo Apple tuyên bố, các mẫu iPhone 12 được vận chuyển với hộp mỏng hơn và sẽ có nhiều chiếc iPhone được vận chuyển hơn.
Chia sẻ trên các trang mạng xã hội, người tiêu dùng trên thế giới kịch liệt phản đối quyết định bán iPhone 12 mà không kèm củ sạc, tai nghe trong hộp.
"Tôi không có vấn đề với việc không có tai nghe vì dù sao tôi cũng đang sử dụng tai nghe Bluetooth, nhưng loại bỏ bộ sạc thì hơi quá đà... Việc này giống như thách thức tôi ăn mà không dùng đũa", một người dùng Weibo cho biết.
Hãng tin SCMP dẫn lời một tài khoản, viết: "Một chiếc điện thoại thông minh mà không có bộ sạc là chiếc điện thoại không hoàn thiện".
Một tài khoản khác trên Weibo bình luận: "Nhìn vào thông số kĩ thuật của iPhone 12, ngay lập tức tôi không muốn mua hàng nữa. Hiện, giao diện mẫu Mate 40 của Huawei đã được tiết lộ, vì thế tôi sẽ chờ Huawei Mate 40 hoặc iPhone 13 năm tới".
"Tôi đồng ý rằng Apple làm điều này để góp phần bảo vệ môi trường. Nhưng liệu có an toàn hay không khi chúng ta vẫn dùng cục sạc cũ?", tài khoản Echie tại Mỹ bình luận trên Twitter.
Tại Việt Nam, nhiều người sau khi thông tin về chiếc iPhone 12 mới cũng bày tỏ sự thất vọng. Bình luận trên Facebook, tài khoản Nguyen Hoang Lam viết: "Viện lí do bảo vệ môi trường để cắt giảm phụ kiện, trong khi phụ kiện tương thích cho iPhone 12 thì gần như phải mua mới. Mua iPhone mới vừa là tình yêu vừa là nỗi đau ấm ức".
"Tai nghe thì thôi bỏ qua, chứ củ sạc đảm bảo an toàn thì cắt đi là không được", tài khoản Trần Long viết.
Trước sự kiện ra mắt 4 phiên bản iPhone 12, giá cổ phiếu của Apple giảm tới 3,5% ngay khi phiên giao dịch ngày 13/10 bắt đầu. Mức giá thấp nhất trong ngày là 119,65 USD/cổ phiếu, tương ứng với việc giá trị vốn hóa của tập đoàn giảm 81 tỉ USD.
Đến phiên giao dịch ngày 14/10, giá cổ phiếu Apple tăng vọt lên mức 122,5 USD/cổ phiếu ngay từ đầu phiên, bù đắp một phần vốn hóa đã mất.
Phản ứng trước những ý kiến trái chiều về sản phẩm iPhone 12 mới, Apple đã "nhượng bộ" bằng cách giảm giá sản phẩm tai nghe EarPods từ 29 USD xuống còn 19 USD.
Bộ sạc điện thoại 20W mới của Apple dành cho iPhone cũng được bán lẻ với giá 19 USD (khoảng hơn 400 nghìn đồng). Trước đó, Apple bán bộ sạc 18W dùng cho máy iPhone 11 với mức giá 29 USD (khoảng hơn 600.000 đồng).
Trong khi các hộp iPhone 12 bán ra trên thế giới không bao gồm các phụ kiện tai nghe và cục sạc thì tại Pháp điều này hoàn toàn ngược lại.
Theo nguồn tin từ Mac Rumors, một chuyên trang uy tín về công nghệ của Apple, thu thập được, một cửa hàng online bán các sản phẩm của Apple ở Pháp cho biết mọi chiếc iPhone, kể cả mẫu iPhone 12 mới, đều có kèm cả cáp sạc và tai nghe EarPods.
Nguyên nhân có thể là vì luật pháp nước Pháp qui định tất cả điện thoại thông minh phải có "bộ rảnh tay" để bảo vệ trẻ em dưới 14 tuổi khỏi nguy cơ tiềm ẩn của sóng vô tuyến điện từ.
Qui định này được ban hành dựa trên nguyên tắc phòng ngừa rủi ro, tránh để bộ não đang phát triển tiếp xúc với sóng điện từ theo luật của Pháp: "Theo yêu cầu của người mua điện thoại di động, bên kinh doanh sản phẩm phải cung cấp một phụ kiện như bộ rảnh tay hoặc tai nghe phù hợp cho trẻ em dưới 14 tuổi".
Việc quảng cáo sử dụng điện thoại di động mà không kèm phụ kiện rảnh tay ở Pháp có thể bị xử phạt với số tiền là 75.000 euro (tương đương hơn 2 tỉ đồng).
Tuy phần còn lại của thế giới không được may mắn như Pháp nhưng rõ ràng việc không đi kèm các phụ kiện với điện thoại đã khiến cho người tiêu dùng chẳng thể hài lòng.
Mặc dù vậy, một số người dùng khác thì cho rằng đây sẽ là xu hướng sử dụng điện thoại mới của các hãng điện thoại thông minh.
"Tôi nghĩ việc loại bỏ phụ kiện sẽ trở thành xu hướng trong tương lai, các hãng như Samsung cũng sẽ học theo. Chắc chắn vài tháng nữa phần lớn các điện thoại mới ra sẽ bỏ hết phụ kiện", một tài khoản bình luận trên Facebook.