|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Apple gặp khó tại thị trường Trung Quốc: Đâu là 5 thách thức lớn nhất?

22:00 | 03/02/2024
Chia sẻ
Apple đang phải đối mặt với những thách thức mới ở Trung Quốc, một trong những thị trường quan trọng nhất của hãng.

Bên ngoài một Apple Store ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từng được coi là động lực tăng trưởng chính của Apple. Song vào năm ngoái, tâm lý thận trọng của người tiêu dùng và sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, đặc biệt là Huawei, đã đặt ra thách thức cho "táo khuyết".

Vào quý IV/2023 (tức quý I trong năm tài chính mới của Apple), doanh số bán hàng của nhà sản xuất iPhone tại Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau giảm gần 13% xuống còn 20,8 tỷ USD. Sang năm 2024, triển vọng của gã khổng lồ công nghệ Mỹ tại thị trường tỷ dân chưa chắc sẽ trở nên sáng sủa hơn.

Chia sẻ với CNBC, ông Will Wong, nhà nghiên cứu cấp cao tại IDC, cho hay: “Chúng tôi không nghĩ doanh số bán iPhone tại Trung Quốc sẽ tăng trưởng dương trở lại trong năm 2024...”

Theo vị chuyên gia, Huawei sẽ tiếp tục là đối thủ hàng đầu của “táo khuyết” và các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) hay màn hình gập sẽ thu hút nhiều sự chú ý của người tiêu dùng hơn.

Bên dưới là những thách thức lớn nhất của Apple tại nền kinh tế số hai thế giới năm nay, theo tổng hợp của CNBC:

Huawei trở lại đường đua

Năm ngoái, Huawei ra mắt sản phẩm điện thoại thông minh 5G có tên Mate 60.

Đây là một bất ngờ lớn với thế giới. Lý do là vào năm 2019 và 2020, chính phủ Mỹ đã áp nhiều biện pháp trừng phạt lên Huawei, khiến tập đoàn này khó tiếp cận chip và các công nghệ cần thiết để phát triển 5G.

Các lệnh trừng phạt của Washington còn khiến Huawei khó tiếp cận phần mềm của Google. Mảng kinh doanh thiết bị cầm tay của ông lớn công nghệ Trung Quốc gần như bị tê liệt.

Thời điểm đó, Huawei - vốn từng là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới - là mối đe doạ duy nhất với Apple trong phân khúc cao cấp tại Trung Quốc.

Khi điện thoại của Huawei mất đi lợi thế cạnh tranh do thiếu công nghệ 5G và không có chất bán dẫn tiên tiến, khách hàng đổ xô sang mua iPhone.

Giờ đây, với Mate 60, Huawei đang cho thấy dấu hiệu hồi sinh. Vào quý IV/2023, Huawei đã trở lại danh sách 5 nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc.

Theo ông Neil Shah của Counterpoint Research, sau ba năm mất khách vào tay Apple vì không thể ra mắt điện thoại 5G, Huawei đang quay trở.

Cạnh tranh ở phân khúc cao cấp

Hiện tại, không chỉ Huawei thách thức Apple mà các thương hiệu nội địa khác từ Xiaomi đến Oppo cũng đang dần lấn sân sang thị trường cao cấp nhưng với mức giá rẻ hơn.

Ông Shah cho biết: “Những thiết bị này không chỉ có mức giá hấp dẫn (chủ yếu từ 3.999 nhân dân tệ, tương đương khoảng 563 USD), mà còn có các tính năng tương tự như trên điện thoại thông minh cao cấp”.

Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt không chỉ gây áp lực lên các mẫu điện thoại cũ hơn của Apple mà còn cả những mẫu chủ lực của dòng sản phẩm mới, ông Shah thông tin thêm với CNBC.

 

Người tiêu dùng thận trọng

Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nhiều khó khăn, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản và tình trạng giảm phát. Những thách thức này có thể kéo dài sang năm 2024 và ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng.

Nếu sức mua tại Trung Quốc vẫn còn yếu, những mẫu điện thoại cao cấp với mức giá rẻ hơn có thể sẽ hấp dẫn hơn.

Ông Josh Koren, nhà sáng lập của hãng đầu tư Musketeer Capital Partners, cho biết người tiêu dùng Trung Quốc đang trở nên thận trọng hơn vì sự giảm tốc của nền kinh tế.

“...người Trung Quốc đang nghĩ ‘Tôi không cần phải trả tiền cho chiếc điện thoại này khi mà tôi có thể mua phiên bản rẻ hơn của nó”, ông Koren bày tỏ.

Đánh mất sức hấp dẫn

Từ lâu, Apple vẫn được coi là một thương hiệu xa xỉ tại Trung Quốc. Nhà sản xuất iPhone có sức hấp dẫn lớn trong nhóm khách hàng trẻ tuổi. Tuy nhiên, mọi thứ có thể đang thay đổi.

Ông Koren nói: “Tôi nghĩ rằng thương hiệu Apple không còn ánh hào quang, nó không còn sức hút đối với thế hệ Gen Z nữa”.

Trong khi nhiều đối thủ từ Samsung cho đến Honor đã tung ra điện thoại thông minh màn hình gập thì Apple vẫn từ chối ý tưởng này.

Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất smartphone cũng đã đề cập đến những tính năng AI trên điện thoại của họ, trong khi Apple chưa có động tĩnh gì.

Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về năng lực đổi mới sáng tạo của Apple trong lĩnh vực điện thoại thông minh. Ông Koren nói đây có thể là một yếu tố đang làm tổn hại thương hiệu Apple.

Địa chính trị

Tương tự như nhiều công ty công nghệ nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc, Apple cũng khó thoát khỏi rủi ro địa chính trị.

Hồi cuối năm ngoái, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết Trung Quốc đã gia hạn lệnh cấm nhân viên tại các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước mang iPhone cùng những thiết bị nước ngoài khác đến chỗ làm.

Yên Khê

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.