Áp lực từ Mỹ có thể giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc thăng hoa
Theo CNBC, quốc hội Mỹ đang thảo luận về một dự luật mới có thể buộc doanh nghiệp Trung Quốc hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Động thái này khiến căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng. Hồi tháng 5, chính quyền Tổng thống Trump đã yêu cầu một quĩ hưu trí liên bang ngừng đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc.
Bê bối khai khống doanh thu của Luckin Coffee – hãng cà phê tự nhận mình là Starbucks của Trung Quốc – càng khiến chính phủ Mỹ thêm lo lắng về sự thiếu minh bạch của doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong khi đó, các nhà quản lí quĩ lớn đã bắt đầu mua vào tài sản tài chính của Trung Quốc sau nhiều năm trời quan sát. Các nhà quản lí quĩ tìm kiếm cơ hội tăng trưởng dài hạn đang ngày càng chuyển hướng sang Trung Quốc, kể cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Ông Brendan Ahern, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lí quĩ KraneShares cho biết: "Loại bỏ nhà đầu tư khỏi các doanh nghiệp tăng trưởng lớn là một sai lầm, và nó sẽ tạo ra tác động quan trọng tới thị trường tài chính Mỹ. Sẽ có thêm nhiều ngân hàng đầu tư, luật sư, nhà đầu tư chuyển sang Hong Kong".
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát hiện rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp niêm yết tại Mỹ giảm 1.700 tỉ USD. Nhiều khả năng các tổn thất trong năm nay sẽ còn lớn hơn.
Dòng tiền chảy vào Trung Quốc
Theo dữ liệu từ EPFR, trong tháng 3 và tháng 4, lượng vốn 500 tỉ USD của hơn 800 quĩ đầu tư phân bổ cho cổ phiếu Trung Quốc đã được duy trì ổn định. 500 tỉ USD tương đương gần 25% tài sản các quĩ này đang quản lí.
Các hạn chế của chính phủ Trung Quốc tới các dòng vốn xuyên biên giới khiến cho các quĩ đầu tư nước ngoài khó tiếp cận thị trường nội địa nước này. Do vậy, Hong Kong là một lựa chọn hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Hệ thống qui định kém phát triển tại Trung Quốc đại lục cũng dẫn đến việc các nhà quản lí khá cứng nhắc và mạnh tay trong việc kiểm soát thị trường chứng khoán nội địa. Thị trường nước này bị thống bị bởi những nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người thích đầu cơ hơn là đầu tư dài hạn.
Trong nhiều năm, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục bị gắn với cái mác "sòng bài".
Mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tới cổ phiếu Trung Quốc cũng đã tăng lên. Vào cuối tháng 5, Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến cảnh báo rằng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ba cổ phiếu đã gần đạt giới hạn 30%. Lần đầu tiên một thông báo như vậy được phát đi cho ba doanh nghiệp, theo China Business National Daily.
Thêm các cuộc IPO ở Hong Kong, Trung Quốc đại lục
Theo CNBC, trước sức ép chính trị từ Mỹ ngày càng leo thang, doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đang nhanh chóng chuyển sang Hong Kong.
Các chuyên gia tại ngân hàng UBS dự kiến rằng Hạ viện Mỹ sẽ thông qua dự luật mới hạn chế các buổi phát hành công khai lần đầu (IPO) của doanh nghiệp Trung Quốc vào cuối tháng 8.
Trước nguy cơ này, nhà phát triển game nổi tiếng của Trung Quốc là NetEase đã tổ chức một cuộc phát hành cổ phiếu mới tại Hong Kong hôm 10/6. Hãng thương mại điện tử khổng lồ JD.com cũng lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu trong vài tuần tới.
Ông James Early, CEO của hãng nghiên cứu đầu tư Stansberry China cho biết: "Sự không chắc chắn của tình hình hiện nay là rủi ro lớn đối với một công ty đại chúng. Ý tưởng niêm yết thêm tại một thị trường khác sẽ dễ chịu hơn nhiều so với việc rút khỏi Mỹ hoàn toàn".
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn có cơ hội niêm yết tại Mỹ để đánh bóng thương hiệu và đồng thời huy động vốn tại một thị trường nằm ngoài sự kiểm soát của Trung Quốc.
Bất chấp căng thẳng sục sôi giữa Washington và Bắc Kinh, nền tảng giao hàng tạp hóa Dada của Trung Quốc vừa lên sàn Nasdaq vào tuần trước.
Về phần mình, chính phủ Trung Quốc muốn các doanh nghiệp tốt nhất niêm yết trong nước. Năm ngoái, sàn chứng khoán công nghệ STAR Market đã ra mắt tại Thượng Hải chỉ vài tháng sau khi có chỉ thị từ Chủ tịch Tập Cận Bình.
Phiên bản "Nasdaq của Trung Quốc" này thu hút được 70 trong số 203 công ty tiến hành IPO năm ngoái, theo dữ liệu của Wind.
Số lượng các cuộc phát hành công khai tại Hong Kong cũng đã gia tăng trong vài năm qua. Sàn giao dịch Hong Kong cũng là lựa chọn của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Tencent và Meituan-Dianping.
Nhóm chuyên gia của UBS nhận định rằng các cuộc phát hành thêm cổ phiếu tại Hong Kong có thể thu hút được vốn từ những nhà đầu tư tổ chức tại Mỹ.
Các hãng tài chính chen chân vào Trung Quốc
Các hãng tài chính nước ngoài đã để mắt đến Trung Quốc từ trước. Chính phủ nước này cũng tăng cường nỗ lực mở cửa thị trường tài chính nội địa để chào đón những người chơi nước ngoài.
Các nhà phân tích nói Bắc Kinh đảm bảo chắc chắn rằng ngành dịch vụ tài chính tại Trung Quốc đã phát triển tốt trước khi mở cửa thị trường cho người nước ngoài.
Nhưng một số người chỉ ra rằng một số lĩnh vực của ngành dịch vụ vẫn đang trong những giai đoạn phát triển ban đầu, ví dụ như bảo hiểm và quản lí tài sản.
Ông Chantal Grinderslev, đối tác của hãng tư vấn Z-Ben viết trong email: "Chúng tôi nhận thấy rất nhiều sự quan tâm tới thị trường Trung Quốc. Đối với những khách hàng đang quan sát Trung Quốc, họ đều nhận ra rằng: Trong thị trường toàn cầu hiện nay, không lựa chọn nào có thể thay thế Trung Quốc".
Bà Scully Cui, người đứng đầu Bain Greater China, chỉ ra rằng ngày càng nhiều hãng tài chính nước ngoài đang đổ vào Trung Quốc, bất chấp thị trường nước này đã có nhiều tay chơi nhanh nhẹn.
Bà nói: "Các tổ chức tài chính nên hành động đủ nhanh để tận dụng tối đa chính sách mở cửa này".