Ánh đèn Giáng sinh ở Mỹ soi sáng một góc kinh tế Việt Nam
Câu chuyện mới được tiết lộ từ những chiếc đèn trang trí Giáng sinh
Trong nhiều năm, đèn trang trí Giáng được sản xuất gần như chỉ ở Trung Quốc, tuy nhiên thuế quan thương mại của Washington đối với hàng hóa nước này khiến nhiều khách hàng phải tìm nguồn thay thế ở những nơi khác.
Theo dữ liệu của hải quan Mỹ, một quốc gia hưởng lợi rõ rệt chính là Việt Nam: số lô đèn trang trí Giáng sinh vận chuyện theo đường biển từ Việt Nam sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay cao gấp hơn hai lần so với cùng kì năm ngoái. Trong cùng giai đoạn này, nhập khẩu đèn Giáng sinh từ Trung Quốc của Mỹ giảm 49%.
Theo Bloomberg, nghiên cứu kĩ hơn dữ liệu trên cũng như thảo luận cùng một số chuyên gia thương mại và doanh nghiệp sẽ tiết lộ một câu chuyện phức tạp hơn.
Tương tự các mặt hàng bị đánh thuế khác, nhiều nhà cung ứng Trung Quốc đang tìm cách loại bỏ nhãn "Made in China" trên đèn trang trí Giáng sinh để trốn tránh biện pháp trừng phạt của Washington, trong đó có việc sử dụng các nước láng giềng như Việt Nam để vận chuyển hàng hóa qua biên giới, dán nhãn lại và xuất đến Mỹ.
Việt Nam đang thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoại đến lập cơ sở kinh doanh là điều không có gì đáng nghi ngờ. Việt Nam còn hoạt động tốt từ trước khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu làm rung chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, chiến tranh thương mại đã làm tăng nguy cơ buôn bán hàng hóa bất hợp pháp, khiến Việt Nam bị chú ý.
Bà Deborah Elms, Giám đốc Điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á tại Singapore, cho biết: "Người Trung Quốc rất giỏi trong việc tạo ra hàng hóa giá trị thấp và khối lượng lớn với tay nghề nhất định, không thể dễ dàng bị chuyển dịch đi hay nhân rộng".
Bà Elms cũng cho rằng doanh nghiệp ở đất nước tỉ dân có "động cơ lớn" để chuyển hàng hóa đi theo cách khác nhằm tránh thuế quan trừng phạt có thể gây ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của họ.
Theo Bloomberg, đây là một kết luận được minh họa sống động ở Việt Nam, nơi có một dãy nhà dài ở khu phố cổ Hà Nội đang tràn ngập hàng hóa Giáng sinh vào thời điểm cuối năm.
"Có một số công ty Việt Nam mua vật liệu, linh kiện từ Trung Quốc và lắp ráp thành các loại đèn trang trí Giáng sinh để bán", bà Nguyễn Thị Hà, một chủ cửa hàng 34 tuổi ở phố Hàng Mã, chia sẻ.
"Họ không thể tự sản xuất chúng vì chi phí còn cao hơn so với khi nhập khẩu linh kiện Trung Quốc để lắp ráp thành sản phẩm", bà Hà cho hay.
Áp lực thương chiến đồng nghĩa rằng hàng hóa của nhiều nhà cung ứng Trung Quốc sẽ đổ bộ thị trường Việt Nam trong năm nay, một số chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết.
Hồi tháng 5, chính quyền ông Trump đã tăng thuế đối với đèn trang trí Giáng sinh Trung Quốc từ mức 10% trước đó lên 25%. Mặt hàng này không nằm trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Washington và Bắc Kinh đạt được vào ngày 13/12.
Kiểm soát hàng hóa Trung Quốc lẩn tránh thuế quan là một cuộc vật lộn
Đối với ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát Quản lí về Hải quan, việc kiểm soát dòng hàng hóa bất hợp pháp là một cuộc đấu tranh. Đến tháng 10, cơ quan hải quan Việt Nam đã phát hiện khoảng 14 trường hợp xuất khẩu với nhãn mác giả trong năm nay.
"Chúng tôi đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kiểm tra toàn bộ vốn FDI từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong", ông Âu Anh Tuấn cho hay hồi tháng 11. Theo dữ liệu tính đến tháng 11, vốn FDI mà Trung Quốc rót vào Việt Nam đã hàng trăm phần trăm trong năm nay.
Ông Tuấn cho biết hai cơ quan đang xem xét giá trị đầu tư, và đặc biệt là qui mô của các nhà máy và công nghệ để xác định liệu nhà đầu tư có dự định "chỉ xây dựng một địa điểm để lắp ráp linh kiện họ mua từ Trung Quốc sang" hay không.
Ngoài ra, hai bên còn kiểm tra liệu các sản phẩm theo kế hoạch có chịu thuế quan của Mỹ hay không, khi mà đây là một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang cố gắng né tránh biện pháp trừng phạt của Washington.
Một số công ty tên tuổi như Kyocera, Sharp và Nintendo đã đầu tư vào Việt Nam kể từ khi thương chiến nổ ra, trong khi đó nhiều doanh nghiệp khác cũng đang cân nhắc điều này.
Vốn FDI vào Việt Nam đang trên đà chạm ngưỡng 35 tỉ USD trong năm 2019, tương đương với mức năm 2017 và 2018.
Thành công đó đi kèm với một cái giá. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng lên 46,3 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm 2019, tăng 39% so với cùng kì năm ngoái, khiến Việt Nam rơi vào tầm ngắm của Nhà Trắng.
Chính quyền Tổng thống Trump đã đánh thuế hơn 400% đối với thép không gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ở phía bên kia bán cầu vẫn đang gặp rắc rối do chuỗi cung ứng riêng bị thay đổi, đèn trang trí Giáng sinh là một mặt hàng nằm trong chuỗi này.
"Thương chiến gây ra sự gián đoạn lớn đối với tính lợi thế kinh tế nhờ qui mô, thứ phải mất nhiều năm mới hình thành được", ông Frank Skinner, Giám đốc Marketing của Wintergreen - một công ty nhập khẩu đèn Giáng sinh và các mặt hàng trang trí dịp lễ khác, cho hay.
"Doanh nghiệp sẽ phải mất nhiều năm để vượt qua trở ngại này. Đối với các công ty phụ thuộc vào nhu cầu mang tính mùa vụ như của Wintergreen, khó khăn còn lớn hơn", ông Skinner chia sẻ.