Trung Quốc có thực sự là nguyên nhân khiến nước Mỹ suy yếu?
Hiện nay, chính quyền Mỹ xem Trung Quốc như một đối thủ toàn cầu chính và chiến tranh thương mại thậm chí nhận được nhiều sự ủng hộ từ người dân 2 nước. Lí do chính được cho là Trung Quốc đang ăn cắp việc làm và cả tài sản trí tuệ của Mỹ.
Tuy nhiên, dữ liệu do Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung thu thập cho thấy Trung Quốc không chịu trách nhiệm về những yếu tố này ở mức độ nghiêm trọng như giới hoạch định chính sách hay truyền thông tuyên truyền.
Biểu đồ trên thể hiện mức thu nhập trung bình ở cả hai quốc gia đã tăng trưởng sức mua liên tục kể từ năm 1985. Giai đoạn suy thoái 2008 - 2009 cho thấy nước Mỹ đã đi xuống một khoảng thời gian ngắn ngủi để hồi phục sau đó.
Ảnh: HBR
Trong giai đoạn thể hiện trên biểu đồ, 2 thỏa thuận thương mại lớn đã diễn ra bao gồm Mỹ tuyên bố bình thường hóa vĩnh viễn quan hệ thương mại ( thỏa thuận PNTR) với Trung Quốc vào năm 2000 và Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Không có sự kiện nào trong 2 dấu mốc trên đây cản trở sức mua trung bình của người Mỹ với GNP bình quân đầu người tăng từ 37,900 USD lên 62,600 USD.
Chưa có nhiều nghiên cứu chính xác về tỉ lệ việc làm nhưng thật khó để khẳng định rằng thương mại Trung Quốc đã tác động xấu đến biên chế lao động tại Mỹ. Biểu đồ tiếp theo cho thấy tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức 30% trong năm 2000, ngay trước khi Trung Quốc gia nhập PNTR và WTO.
Con số này tiếp tục tăng lên 6% vào năm 2002, có thể do tình hình thương mại với Trung Quốc nhưng vụ tấn công khủng bố 11/9 và bong bóng dotcom khiến đây là một kết luận không chắc chắn.
Tỉ lệ thất nghiệp bùng nổ vào năm 2009 đã được kết luận là do cuộc suy thoái giai đoạn 2008-09 và kể từ đó, tỉ lệ này đã giảm dần xuống mức thấp hơn (3,9%) so với năm 2000. Rất ít chuyên gia kinh tế kết luận rằng thương mại với Trung Quốc lại là yếu tố tác động tới thu nhập hay việc làm của Mỹ.
Ảnh: HBR
Vậy tài sản trí tuệ và tham nhũng thì sao? Chắc chắn rằng Trung Quốc đã có những ảnh hưởng nhất định ở 2 lĩnh vực này bởi nhiều trường hợp đã được chứng minh. Tuy nhiên, dữ liệu hiện tại cho thấy Trung Quốc đang dần cải thiện các vấn đề này.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã tiến hành xếp hạng hơn 180 quốc gia theo tỉ lệ tham nhũng của quan chức chính phủ. Như biểu đồ cho thấy, Trung Quốc đại lục kể từ năm 2000 đã có những thay đổi đáng kinh ngạc và con số ở Hong Kong thực sự vượt trội so với Mỹ. Do đó, trong lĩnh vực này, chắc chắn không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc ngày càng tham nhũng.
Ảnh: HBR
Về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sự khác biệt cũng thể hiện rất rõ. Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm báo cáo mức độ thiệt hại của các nhà sản xuất phần mềm Mỹ tại 116 quốc gia trong biểu đồ dưới đây và xu hướng mất mát đang giảm dần ở cả Mỹ, Trung Quốc và Hong Kong.
Ảnh: HBR
Dù tỉ lệ phần trăm sử dụng sáng chế không có giấy phép ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với ở Mỹ, vị trí này bị đảo ngược khi tính toán tới giá trị tài sản trí tuệ bị đánh cắp.
Trên thực tế, vi phạm bản quyền phần mềm ở Mỹ gây ra thiệt hại tài chính khủng khiếp hơn bất kì quốc gia nào khác. Khoản lỗ năm 2016 tại Mỹ là 8,6 tỉ USD, so với Trung Quốc 6,8 tỉ USD và Hong Kong, 277 triệu USD.
Để đánh giá chính xác ảnh hưởng của nạn vi phạm sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc, chúng ta nên có một cái nhìn toàn diện trong suốt lịch sử cận đại. Ở thế kỉ 19, người Mỹ hoàn toàn thoải mái sao chép tài sản trí tuệ của châu Âu và Anh từ 2 cuộc cách mạng công nghiệp nhưng khi quốc gia này dần phát triển về kinh tế, xã hội và công nghệ, nạn vi phạm bản quyền khác đã giảm đi.
Kể từ đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều nước khác đều có cùng xu hướng. Nạn vi phạm sở hữu trí tuệ giảm dần khi một quốc gia đạt tới mức độ phát triển nhất định.
Điều này cũng đang lặp lại ở Trung Quốc. Khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên, ngày càng nhiều người đủ khả năng trả mức giá hợp lí cho sách, nhạc, phim, v.v. có bản quyền và khi các công ty Trung Quốc đủ sức tự phát triển công nghệ mới, họ buộc phải bảo vệ sáng chế của mình nếu muốn duy trì lợi nhuận và tăng trưởng.
Các biểu đồ tiếp theo hỗ trợ lập luận này. Tăng trưởng bằng sáng chế của Mỹ được cấp cho các nhà phát minh Trung Quốc và các nhóm các nhà phát minh Trung Quốc và Mỹ đều tăng ngay cả khi vi phạm bản quyền đã giảm, ít nhất là trong lĩnh vực phần mềm.
Ảnh: HBR
Tất nhiên, có nhiều lo ngại rằng một số công ty Trung Quốc đang chống lại hệ thống cấp bằng sáng chế của Mỹ nhằm cản trở cuộc cách mạng công nghệ tại đây. Đặc biệt, Huawei hiện đang sở hữu 56.492 bằng sáng chế - một con số ấn tượng. Tuy nhiên, khi so sánh số bằng sáng chế do Mỹ cấp cho các cá nhân và doanh nghiệp đến từ những quốc gia khác, thực tế có thể không đáng lo ngại đến vậy.
Ảnh: HBR
1.628 bằng sáng chế Mỹ cấp cho Huawei vào năm 2018 chỉ là con số rất khiêm tốn so với Samsung: 9.245 bằng, IBM: 9.100 bằng và hơn 2.000 bằng cho Intel, Microsoft, Qualcomm, Apple, Ford, Google và Amazon. Trong khi Huawei đang tập trung vào ngành viễn thông và phát triển thần tốc, đếm số bằng sáng chế của họ và coi đó là mối đe dọa thật sự thừa thãi.
Chắc chắn, Trung Quốc và Mỹ cũng có những rắc rối riêng cần giải quyết và cả hai quốc gia đang rơi vào cuộc chạy đua vũ trang và khí thải carbon, hai trong nhiều xu hướng đáng lo ngại với toàn cầu. Tuy nhiên, dữ liệu 25 năm qua về mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung chỉ phản ánh những kết quả tích cực, hòa bình cùng thịnh vượng chung.