|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ấn Độ - Đài Loan bắt tay giải quyết nỗi lo thiếu chip, có thể khiến Trung Quốc nổi giận

15:40 | 28/09/2021
Chia sẻ
Ấn Độ và Đài Loan đang đàm phán một thỏa thuận mới để đưa hoạt động sản xuất chip sang Nam Á cũng như giảm thuế quan đối với các linh kiện lắp ráp chất bán dẫn. Động thái này có thể gây ra căng thẳng mới với Trung Quốc.

Theo nguồn tin của Bloomberg, trong vài tuần gần đây, các quan chức Ấn Độ và Đài Loan đã gặp nhau để thảo luận về khả năng đưa một nhà máy sản xuất chip trị giá khoảng 7,5 tỷ USD đến đất nước Nam Á.

Ấn Độ hiện đang nghiên cứu các địa điểm có đủ diện tích, nguồn nước và nhân lực cho nhà máy mới. Đồng thời, chính quyền New Delhi nói thêm rằng từ năm 2023, họ có thể hỗ trợ khoảng 50% chi phí vốn cho nhà máy cũng như giảm thuế và ban hành một số ưu đãi khác.

Trong khi đó, các quan chức ở Đài Bắc muốn đẩy nhanh tiến độ của một thỏa thuận đầu tư song phương khác, trong đó các hạng mục như cắt giảm thuế quan đối với hàng chục sản phẩm được dùng để chế tạo chất bán dẫn. Đây có thể là tiền đề cho một thỏa thuận thương mại lớn hơn giữa hai bên.

Ấn Độ - Đài Loan bắt tay giải quyết nỗi lo thiếu chip, có thể khiến Trung Quốc nổi giận - Ảnh 1.

Ấn Độ và Đài Loan đang thảo luận về kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chip tại đất nước Nam Á. (Ảnh minh họa: Getty Images).

Tình trạng thiếu nguồn cung chip đã làm trì hoãn kế hoạch ra mắt một dòng điện thoại thông minh mới của Reliance Industries, tập đoàn trực thuộc sở hữu của tỷ phú Mukesh Ambani. Theo Bloomberg, Google cũng tham gia thiết kế sản phẩm điện thoại mới này.

Hiện tại, phần lớn chất bán dẫn tiêu thụ tại Ấn Độ là hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Ước tính đến khoảng năm 2025, nhu cầu chip của đất nước Nam Á sẽ tăng từ 24 tỷ USD lên 100 tỷ USD.

Đài Loan hoan nghênh sự hợp tác song phương về vấn đề chất bán dẫn, song họ vẫn đang đánh giá lại đề xuất do thiếu hệ sinh thái để xây dựng một nhà máy gia công chip ở Ấn Độ, nguồn thạo tin của Bloomberg cho hay.

Theo một nguồn tin, phía Đài Loan đã bày tỏ lo ngại về nguồn cung nước và điện ở Ấn Độ, đồng thời gợi ý rằng kế hoạch sẽ khả thi hơn nếu New Delhi bắt đầu từ lĩnh vực thiết kế chip trước khi thiết lập các nhà máy sản xuất chip.

Năm 2018, Ấn Độ và Đài Loan đã ký một thỏa thuận đầu tư song phương nhằm thúc đẩy dòng vốn đầu tư và mở rộng quan hệ kinh tế. Trong năm tài khóa 2020, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên đạt khoảng 5,6 tỷ USD, theo Bộ Thương mại Ấn Độ.

Các cuộc đàm phán thương mại giữa Ấn Độ và Đài Loan diễn ra vào thời điểm các nền dân chủ trên thế giới đang thúc đẩy hợp tác kinh tế và quân sự để chống lại Trung Quốc. Mặc dù Đài Loan từ lâu đã tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ, các quan chức ở New Delhi lại do dự vì sợ chọc giận Bắc Kinh.

Ngoài ra, quá trình đàm phán giữa New Delhi và Đài Bắc còn tăng tốc trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn củng cố nguồn cung chất bán dẫn, tăng cường chuỗi cung ứng và cải thiện năng lực quân sự tại khu vực châu Á.

Tuần trước, ông Biden đã tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng người đồng cấp Nhật Bản và Australia trong khuôn khổ cuộc họp của "Bộ tứ kim cương" nhằm chống lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Chính quyền Thủ tướng Modi cũng đang giữ lập trường cứng rắn với Bắc Kinh kể từ khi hai nước xung đột quân sự ở biên giới chung hồi năm ngoái, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.

Khả Nhân