|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ai vừa sang tay hơn 1.000 tỉ đồng trái phiếu Masan Resources?

12:05 | 28/05/2019
Chia sẻ
Cuối tuần vừa qua, hơn 1.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp do Masan Resources đã được giao dịch thỏa thuận. Đây là một phần trong khối 1.500 tỉ đồng trái phiếu được phát hành tháng 11 năm ngoái để phục vụ cho dự án Núi Pháo.

Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thứ Sáu vừa qua (ngày 24/5) xuất hiện giao dịch thỏa thuận 10 triệu trái phiếu mã MRS11808 do CTCP Tài nguyên Masan Resources (Mã: MSR) phát hành vơi mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. 

Tổng giá trị giao dịch là gần 1.002 tỉ đồng, tức là giá giao dịch cao hơn mệnh giá. Ngày trước đó (23/5) còn có giao dịch thỏa thuận 1 trái phiếu với giá trị 101.100 đồng.

Ai vừa sang tay hơn 1.000 tỉ đồng trái phiếu Masan Resources? - Ảnh 1.

Khai thác quặng tại mỏ Núi Pháo. Ảnh: Masan Resources.

TCBS là đại diện trái chủ

Đây là trái phiếu được Masan Resources phát hành riêng lẻ ngày 20/11/2018 với kì hạn 5 năm, dự kiến đáo hạn vào ngày 20/11/2023.

Lãi được thanh toán định kì 6 tháng một lần, lãi suất của hai kì đầu tiên là 10%/năm.

Lãi suất của mỗi kì tính lãi sau hai kì đầu tiên bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3,25%/năm. Lãi suất tham chiếu được tính bằng trung bình cộng của lãi suất tiền gửi cá nhân VND kì hạn 12 tháng trả lãi sau do 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) công bố vào ngày xác định lãi suất.

Ngày 20/5 vừa qua – tức 4 ngày diễn ra giao dịch hơn 1.000 tỉ đồng trái phiếu nói trên, Masan Resources đã trả lãi kì đầu tiên, theo đó một trái phiếu được nhận gần 5.000 đồng.

Tổng khối lượng phát hành là 15 triệu trái phiếu, tương đương tổng giá trị 1.500 tỉ đồng. Toàn bộ số trái phiếu này sau đó được niêm yết và giao dịch tập trung trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Đây là đợt phát hành riêng lẻ cho không quá 100 nhà đầu tư và danh tính cụ thể của người mua trái phiếu không được công bố, chỉ biết rằng đại diện của các trái chủ là Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ thương (TCBS).

TCBS cũng chính là tổ chức bảo lãnh phát hành, tư vấn niêm yết và đại lí lưu kí cho đợt phát hành này.

Trong một diễn biến khác, hôm qua 27/5, Hội đồng quản trị của TCBS đã thông qua việc giao dịch mua/bán 500  tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp do Masan Resources và 1.000 tỉ đồng do Công ty TNHH Khai thác Chế biến Núi Pháo dự kiến phát hành trong quí II/2019 với bên liên quan là CTCP Chứng khoán Kỹ Thương.

Công ty mẹ dùng cổ phần để bảo đảm cho công ty con

Tài sản bảo đảm của khoản vay trái phiếu này là 140,77 triệu cổ phần MSR do Công ty TNHH Tầm Nhìn Masan (Masan Horizon) sở hữu. Masan Horizon là công ty mẹ của Masan Resources với tỉ lệ sở hữu gần 96%, tương ứng hơn 863 triệu cổ phiếu.

Giá trị của tài sản bảo đảm theo biên bản định giá là hơn 3.000 tỉ đồng (tương đương với mức giá 21.311 tỉ đồng), cao gấp đôi giá trị khoản vay trái phiếu. Kết phiên 24/5, giá cổ phiếu MSR dừng ở 17.800 đồng/cp tương ứng với tổng giá trị tài sản bảo đảm khoảng hơn 2.500 tỉ đồng. 

Ngoài ra, Công ty Núi Pháo cam kết bảo lãnh thanh toán vô điều kiện và không hủy ngang cho các nghĩa vụ thanh toán của Masan Resources.

Dồn tiền cho Núi Pháo

Công ty Núi Pháo là công ty con của Công ty TNHH MTV Tài nguyên Masan Thái Nguyên (MRTN), và MRTN lại là công ty con của Masan Resources.

Khoản tiền 1.500 tỉ đồng thu về từ đợt phát hành trái phiếu được chia làm hai phần: 1.000 tỉ đồng được sử dụng cho Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Vonfram Masan (công ty con của công ty Núi Pháo) để kinh doanh, phát triển dự án chế biến và tinh luyện vonfram tại mỏ vonfram đa kim Núi Pháo và 500 tỉ đồng còn lại được dùng để hợp tác kinh doanh với công ty Núi Pháo. 

Công ty TNHH Vonfram Masan lại là công ty con của công ty Núi Pháo.

Cả hai hợp đồng hợp tác kinh doanh này đều có thời hạn 60 tháng bằng kì hạn của trái phiếu.

Núi Pháo quan trọng đến đâu đối với Masan Resources?

Hiện nay, các sản phẩm nằm trong danh mục của nhóm công ty Masan Resources bao gồm vonfram, florit, đồng và bismut đều từ Dự án Núi Pháo và được trực tiếp khai thác và chế biến bởi Công ty Núi Pháo. Các sản phẩm này được giao dịch trên toàn cầu và được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp.

Với vonfram, mỏ Núi Pháo là mỏ đa kim có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới đang hoạt động bên ngoài Trung Quốc, và nhóm công ty Masan Resources cũng là nhà sản xuất florit và bismut hàng đầu thế giới. Quặng vonfram từ mỏ Núi Pháo được trực tiếp khai thác và chế biến thành oxit vonfram có hàm lượng vonfram trên 50% bởi Công ty Núi Pháo. 

Oxit vonfram tiếp tục được tinh luyện thành các sản phẩm vonfram giá trị cao như APT/YTO/BTO tại nhà máy tinh luyện của MTC, công ty con sở hữu 99,99% của Công ty Núi Pháo. MTC trực tiếp phân phối thành phẩm hoặc phân phối thông qua Công ty Núi Pháo. Hiện nay, nhóm công ty Masan Resources đang xuất khẩu vonfram sang các thị trường Đức, Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Ấn Độ…

9 tháng đầu năm 2018, Vonfram của mỏ Núi Pháo đóng góp tới trên 70% doanh thu thuần của Masan Resources, Florit đóng góp gần 20% nữa.

Ai vừa sang tay hơn 1.000 tỉ đồng trái phiếu Masan Resources? - Ảnh 2.

Cơ cấu doanh thu theo sản phẩm của Masan Resources. Nguồn: Masan Resources.

Với florit, tổng sản lượng florit của thế giới năm 2017 được ước tính vào khoảng 6 triệu tấn, trong đó Trung Quốc sản xuất hơn 60%. Công ty Núi Pháo năm 2017 sản xuất 230.107 tấn florit tinh chất và xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Hà Lan, UAE, Nhật Bản, Canada…

Florit được sử dụng chủ yếu trong sản xuất thép để nâng cao chất lượng thép hoặc để sản xuất axit flohydric (HF), được sử dụng trong sản xuất nhôm và chất bán dẫn. HF cũng được sử dụng trong sản xuất chất làm lạnh.

Bismut là một kim loại cơ bản trên trái đất với trữ lượng trên thế giới tương tự như với trữ lượng của bạc, và hầu như không bao giờ xuất hiện ở dạng tinh khiết. 

Bismut gần như hoàn toàn được sản xuất như một sản phẩm phụ trong quy trình chế biến chì, kẽm, đồng và vonfram. Bismut được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp nhuộm, dược phẩm và mỹ phẩm. Kim loại này được sử dụng như sản phẩm thay thế cho chì trong các ứng dụng hàn, chống thấm và bơm. 

Gần đây, bismut đang dần thay thế chì trong nhiều ứng dụng sản phẩm. Trung Quốc chiếm 50% sản lượng bismut trên toàn cầu. Trong trường hợp không có thêm nhà cung cấp bismut nào đi vào hoạt động trên toàn cầu, thì sự thâm hụt cung cầu dự kiến sẽ ngày càng gia tăng, điều này sẽ là tác nhân tích cực cho biến động tăng giá. Hiện nay, công ty Núi Pháo xuất khẩu bismuth sang các thị trường Bỉ và Lào.

Đồng là kim loại quan trọng với rất nhiều ứng dụng, được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp và trong sản xuất hàng hoá tiêu dùng. Trung Quốc là nước tiêu thụ đồng lớn nhất. Hoạt động xây dựng chiếm 40% nhu cầu đồng trên thế giới. Nhu cầu đối với đồng được ước tính sẽ tiếp tục tăng. Trung Quốc là nước đã có ảnh hưởng lớn nhất đến việc tăng nhu cầu này. Các lĩnh vực chính liên quan đến việc tăng nhu cầu này là hạ tầng, các phương tiện dùng điện và ngành năng lượng tái tạo. Hiện nay, công ty Núi Pháo bán sản phẩm đồng cho thị trường trong nước.

Song Ngọc