|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ACV trích dự phòng phải thu khó đòi hơn 3.600 tỷ của các hãng hàng không

16:14 | 01/02/2024
Chia sẻ
Cuối năm 2023, ACV phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.642 tỷ từ các hãng hàng không, chiếm 40% các khoản phải thu khách hàng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, doanh thu thuần của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) tăng 24% so với cùng kỳ lên 5.047 tỷ đồng. Trong đó mảng cung cấp dịch vụ hàng không đem về gần 4.068 tỷ đồng, chiếm 80% doanh thu thuần và tăng 20%. Mảng dịch vụ phi hàng không và bán hàng lần lượt chiếm 14% và 6%.

Lợi nhuận gộp đạt 2.696 tỷ, tăng 43%. Biên lãi gộp cải thiện lên 53,4% trong quý IV/2023.

Trong các chi phí, chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.323 tỷ đồng, tăng 54%, chủ yếu do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 1.075 tỷ. Tại cuối năm 2023, ACV phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.642 tỷ từ các hãng hàng không (chủ yếu ở Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines), chiếm 40% các khoản phải thu khách hàng.

Trừ các chi phí khác, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) của ACV đạt 1.561 tỷ, tăng thêm 25% so với cùng kỳ nhưng là mức thấp nhất kể từ đầu năm tính theo quý.

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Cả năm, ACV đem về 20.032 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 8.562 tỷ, tăng lần lượt 45% và 18% so với năm 2022. So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 8.488 tỷ đồng, ACV đã vượt 25% chỉ tiêu.

Kết quả của ACV đặt trong bối cảnh ngành hành không đã hồi phục sau đại dịch. Năm qua, tổng hành khách đạt 113,5 triệu khách, tăng 15% so với năm 2022. Trong đó khách quốc tế đạt 32,6 triệu khách, tăng 173%.Tổng hàng hóa bưu kiện thông qua đạt hơn 1,2 triệu tấn. Tổng hạ cất cánh đạt 710.000 lượt chuyến.

Trong hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không, ACV được chọn làm chủ đầu tư của nhiều dự án, công trình trọng điểm, phát triển kết cấu hạ tầng hàng không. Tổng mức đầu tư các dự án đang triển khai 133.264 tỷ đồng. 

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý IV/2023. 

Cuối năm 2023, tổng tài sản của ACV trên 67.129 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Mức tăng chính đến từ các khoản phải thu ngắn hạn và chi phí xây dựng cơ bản dở dang.

Cuối năm, các khoản phải thu ngắn hạn gần gấp đôi đầu năm, ở mức 12.771 tỷ đồng, trong đó phải thu từ hãng Vietjet là 2.981 tỷ, Bamboo Airways là 2.132 tỷ và Vietnam Airlines là 1.831 tỷ. 

Việc thực hiện các dự án trọng điểm của ngành hàng không cũng khiến chi phí xây dựng cơ bản dở dang của ACV tăng 65% so với đầu năm lên 7.852 tỷ, tập trung chủ yếu vào hai dự án sân bay Long Thành và nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất. So với cuối quý III, khoản mục này tăng thêm 1.000 tỷ đồng.

 Nguồn: Thuyết minh từ báo cáo tài chính quý IV/2023. 

Tại ngày 31/12/2023, lượng tiền, tiền gửi ngân hàng của ACV là 28.738 tỷ, chiếm 43% tổng tài sản. Năm qua, ACV nhận về hơn 1.636 tỷ đồng từ lãi tiền gửi.

Trong khi đó, dư nợ đi vay tại cuối quý IV là 10.456 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn từ nguồn vốn ODA bằng đồng yen Nhật. Trong năm công ty đã trả nợ gốc vay 366 tỷ. Tổng chi phí lãi vay cả năm là 67 tỷ.  ACV khẳng định, công ty có khả năng thanh toán tất cả các khoản nợ vay.

Minh Hằng

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.