|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietjet đạt doanh thu 62.500 tỷ đồng, tăng mạnh so năm trước

15:56 | 31/01/2024
Chia sẻ
Tiên phong mở rộng mạng bay quốc tế, thúc đẩy hồi phục và phát triển du lịch, đầu tư, giao thương trong nước và khu vực, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) công bố kết quả kinh doanh năm 2023 tăng trưởng mạnh.

Tiên phong mở bay quốc tế

Trong năm 2023, Vietjet đã khai thác an toàn 133 nghìn chuyến bay, vận chuyển 25,3 triệu lượt hành khách (chưa bao gồm Vietjet Thái Lan), trong đó hơn 7,6 triệu khách quốc tế, tăng tới 183% so với năm 2022.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách ngày càng tăng và mở rộng thị trường hàng không, năm 2023, Vietjet tiếp tục đặt trọng tâm phát triển mạng bay với 33 đường bay quốc tế và quốc nội được mở mới, nâng tổng số đường bay lên 125 đường bay, trong đó 80 đường bay quốc tế và 45 đường bay quốc nội.

Nổi bật là các đường bay TP HCM - Thượng Hải (Trung Quốc), TP.HCM - Viêng Chăn (Lào), Hà Nội - Siem Reap (Campuchia), Hà Nội – Hong Kong (Trung Quốc), Phú Quốc – Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Phú Quốc – Busan (Hàn Quốc)…

Năm 2023, Vietjet tiên phong mở đường bay quốc tế, thúc đẩy hồi phục và phát triển du lịch. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến lễ công bố đường bay thẳng Hà Nội - Jakarta (Indonesia) (Ảnh: TL).

Vietjet trở thành hãng hàng không đầu tiên có đường bay kết nối Việt Nam với 5 thành phố lớn nhất của Australia, gồm Sydney, Melbourne, Perth, Adelaide, Brisbane. Hãng cũng là hãng bay khai thác nhiều đường bay nhất giữa Việt Nam và Ấn Độ, gồm các đường bay từ Việt Nam tới các thành phố Dehli, Mumbai, Ahmedabad, Kochi và Tiruchirappalli.

Các chuyến bay của hãng đạt hệ số sử dụng ghế bình quân tới 87% và độ tin cậy kỹ thuật 99,72%. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 81,5 nghìn tấn, tăng 73% so với cùng kỳ.

Vietjet trở thành hãng hàng không đầu tiên kết nối Việt Nam với 5 thành phố lớn của Australia (Ảnh: TL).

Hãng cũng triển khai chương trình SkyJoy dành cho khách hàng thân thiết trên toàn cầu, cho phép đổi thưởng với hơn 250 thương hiệu, chạm mốc 10 triệu thành viên ngay trong năm 2023.

Dịch vụ “bay trước trả sau” giúp hành khách được hỗ trợ tài chính cho những chuyến bay.

Cổng thanh toán Galaxy Pay của Vietjet đã đảm bảo thanh toán an toàn tiện lợi nhiều hình thức thanh toán khác nhau. Vietjet cũng là hãng hàng không đi đầu trong thanh toán qua Apple Pay. 

Ngoài ra, hành khách bay Vietjet cũng thuận tiện hơn trong việc thực hiện thủ tục check in online từ 18 sân bay trên toàn quốc. 

Doanh thu tăng mạnh so với năm trước

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 của Vietjet ghi nhận doanh thu 53.600 tỷ đồng (riêng lẻ) và 62.500 tỷ đồng (hợp nhất), tăng lần lượt 62% và 56% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và hợp nhất năm 2023 đạt lần lượt 697 tỷ đồng và 344 tỷ đồng. 

Riêng trong quý 4/2023, doanh thu riêng lẻ và hợp nhất lần lượt đạt 14,9 và 18,8 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 89% và 49% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và hợp nhất đạt lần lượt 70 tỷ đồng và 152 tỷ đồng.

Doanh thu phụ trợ và vận chuyển hàng hóa đạt 18,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 46% so với năm 2022, đóng góp 40% tổng doanh thu vận chuyển hàng không.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Trung tâm kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, hợp tác giữa Vietjet và Lao Airlines tại Viêng Chăn (Lào). (Ảnh: TL).

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 84,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần 25% so với thời điểm đầu năm, do Vietjet đầu tư tàu bay với 3 tàu A321 NEO thế hệ mới. Chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu của công ty chỉ 2 lần so với mức thông thường trên thế giới từ 3-5 lần và chỉ số thanh khoản 1,24 lần nằm ở mức tốt trong ngành hàng không.

Số dư tiền và tương đương tiền tại thời điểm 31/12/2023 đạt 5.021 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo năng lực tài chính cho hãng hàng không. Vietjet cũng đi đầu trong xếp hạng tín nhiệm theo định hướng của Bộ Tài chính. Công ty đạt xếp hạng tín nhiệm VnBBB-, mức cao nhất trong các doanh nghiệp hàng không Việt Nam.

Trong năm 2023, Vietjet đã đóng góp các khoản thuế, phí trực tiếp và gián tiếp cho ngân sách khoảng 5.200 tỷ đồng.

Phát triển đội tàu bay an toàn, hiện đại, thân thiện với môi trường

Trung tâm kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay tại Lào giúp Vietjet chủ động trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay (Ảnh: TL).

Nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, Vietjet liên tục đầu tư vào đội tàu bay những tàu bay thế hệ mới hiện đại, an toàn, thân thiện với môi trường. Tính đến ngày 31/12/2023, đội tàu bay của Vietjet gồm 105 tàu bay, bao gồm tàu bay thân rộng A330s.

Bắt đầu hành trình giảm thải CO2 từ hơn 10 năm trước, khi chỉ có 3 tàu bay, đến năm 2023, đội tàu bay của Vietjet đã lớn mạnh, góp phần quan trọng vào thành công của hãng khi tối ưu nguồn lực, tiết kiệm từ 15 – 20% nhiên liệu và đặc biệt là bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, triển khai các hoạt động nghiên cứu phát triển các công nghệ xanh…

Góp phần tăng kim ngạch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong năm 2023, Vietjet đạt thỏa thuận với Boeing về tiếp tục kế hoạch giao nhận 200 tàu bay 737 MAX trong 5 năm tới và các thỏa thuận tài trợ tàu bay với các định chế tài chính nước ngoài lên tới hàng tỷ đô la Mỹ. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Séc Petr Fiala chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Hàng không Vietjet và Trường bay F Air (Cộng hòa Séc) về xây dựng các chương trình đào tạo phi công cơ bản (Ảnh: TL).

Chú trọng công tác an toàn, trong năm 2023, Vietjet đã tổ chức nhiều hội nghị, khóa đào tạo, diễn tập về an toàn, an ninh như Hội nghị An toàn chất lượng; khoá đào tạo an toàn khai thác mặt đất theo tiêu chuẩn quốc tế ISAGO; diễn tập ứng phó khẩn nguy nhằm chủ động ứng phó, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho hoạt động khai thác bay. Hãng cũng đã tham dự các diễn đàn An toàn và khai thác hàng không thế giới do các tổ chức uy tín như Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) tổ chức để tham gia các chủ đề chuyên sâu về an toàn hàng không. 

Vietjet tiếp tục được AirlineRatings, đơn vị uy tín chuyên đánh giá dịch vụ và an toàn hàng không thế giới, vinh danh trong nhóm hàng không chi phí thấp an toàn nhất thế giới. 

Năm 2023, Vietjet đã đưa vào hoạt động Trung tâm kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay đạt tiêu chuẩn quốc tế, hợp tác giữa Vietjet và Lao Airlines tại Viêng Chăn (Lào). Như vậy, bên cạnh việc chủ động trong công tác phục vụ mặt đất, Vietjet đã bắt đầu chủ động trong công tác sủa chữa bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay.

Với chiến lược, tầm nhìn xây dựng và phát triển nguồn nhân lực hàng không tiêu chuẩn quốc tế, Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) đã trở thành đối tác đào tạo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA).

Trong năm 2023, VJAA đã đào tạo hơn 97 nghìn lượt học viên với 6300 khoá học; chủ động đào tạo phi công, nhân viên kỹ thuật chuyên ngành (CRS) đáp ứng nhu cầu của kỹ thuật. Học viện cũng đã đưa vào khai thác buồng lái mô phỏng số 3, trở thành Trung tâm đào tạo phi công quốc tế hàng đầu trong khu vực.

Công ty khai thác dịch vụ mặt đất của Vietjet hoạt động hiệu quả nâng cao chất lượng khai thác dịch vụ mặt đất, giảm chi phí khai thác tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Góp phần mạnh mẽ cho phát triển du lịch, đầu tư, giao thương, giao lưu văn hóa, năm 2023, Vietjet đã đạt được kết quả cao nhất từ trước tới nay về phát triển mạng bay quốc tế và doanh thu vận chuyển hàng không  cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Bích Thu

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.