|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

AAFA: Ngành dệt may và giày da vẫn có lợi thế cạnh tranh tốt bất chấp không TPP

07:54 | 20/10/2017
Chia sẻ
Dù cho ngành dệt may và giày da của Hoa Kỳ đang tăng trưởng âm thì hàng của Việt Nam vào Hoa Kỳ vẫn tăng cao. Các nhà bán lẻ của Hoa Kỳ nhìn nhận hàng dệt may hay giày da của Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng tốt trên thị trường Hoa Kỳ dù có TPP hay không.
aafa nganh det may va giay da van co loi the canh tranh tot bat chap khong tpp
AAFA: Ngành dệt may và giày da vẫn có lợi thế cạnh tranh tốt bất chấp không TPP

Ông Jon Fee - Cố vấn cấp cao của Alston & Bird LLP đánh giá, Hoa Kỳ sẽ không quay trở lại đàm phán Hiệp định TPP

Đây là chia sẻ và đánh giá của ông Nate Herman, Phó Giám đốc cấp cao Chuỗi cung ứng, Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA) tại Hội nghị An toàn và việc tuân thủ an toàn sản phẩm AAFA 2017 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 19/10/2017.

Bất chấp có TPP hay không ngành dệt may và giày da vẫn tăng trưởng cao

Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 12 ở Hoa Kỳ nhưng đóng góp thuế nhập khẩu lớn thứ 2 so với các đối tác thương mại khác của Hoa Kỳ. Hàng dệt may – dòng sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ của Việt Nam đang bị đánh thuế trung bình 17%.

Bị đánh thuế cao, hàng hóa của Việt Nam đang có nguy cơ bị mất lợi thế cạnh tranh so với nhiều quốc gia và lãnh thổ khác, đặc biệt khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP. Tuy nhiên, đối với ngành hàng dệt may và giày da của Việt Nam, các nhà bán lẻ của Hoa Kỳ nhìn nhận các sản phẩm của Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh (chất lượng, giá cả, cam kết giao hàng) và tăng trưởng tốt trên thị trường Hoa Kỳ dù có TPP hay không.

Bởi, dù cho ngành dệt may và giày da đang tăng trưởng âm, nhưng nhập khẩu hàng dệt may và giày da từ Việt Nam vào Hoa Kỳ đang tăng trưởng cao. Cụ thể, 8 tháng đầu 2017, giá trị xuất khẩu hàng Việt Nam vào Hoa Kỳ với hàng dệt may tăng 9,2%; hàng giày dép tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Từ chỗ chỉ nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam khoảng 4,2% năm 2006, 10 năm sau con số này chiếm tỷ trọng 12,5% tổng giá trị nhập khẩu hàng dệt may của Hoa Kỳ.

aafa nganh det may va giay da van co loi the canh tranh tot bat chap khong tpp

Nguồn: Slide trình bày của ông Nate Herman tại Hội nghị AAFA 2017

Ông Nate Herman cho rằng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may và giày da của Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục vượt các đối thủ cạnh tranh ngay cả khi không được hưởng lợi bất kỳ chương trình ưu đãi thương mại hay hiệp định thương mại tự do.

Tuy nhiên, đối với ngành hàng xuất khẩu đồ du lịch (ví, túi xách, ô dù…), Việt Nam có thể gặp bất lợi so với các đối thủ đang lên của mình như Myanmar, Phillipines, Campuchia….do ảnh hưởng của các chương trình ưu đãi thương mại giữa Hoa Kỳ với các quốc gia nói trên.

Thách thức trong tương lai?

Ông Jon Fee, Cố vấn cấp cao của Alston & Bird LLP đánh giá, Hoa Kỳ sẽ không quay trở lại đàm phán Hiệp định TPP và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới sẽ gặp khó khăn do Hoa Kỳ đang thắt chặt hơn các quy định, quy chuẩn về an toàn các sản phẩm nhằm giảm thâm hụt thương mại.

“Chính sách thương mại của chính phủ Tổng tống Donald Trump là theo đuổi 3 trụ cột gồm: giảm thâm hụt thương mại, tăng cường quản lý thương mại, thúc đẩy xuất khẩu của Hoa Kỳ. Vì vậy, với chính sách thương mại nói trên sẽ ảnh hưởng lớn đến việc nhập khẩu hàng hóa từ các nước vào Hoa Kỳ” – ông Nate Herman nhận định.

Mặc dù Hoa Kỳ đang có các chương trình GSP (hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập) đang áp dụng cho ngành đồ dùng du lịch của Việt Nam. Tuy nhiên, chương trình này sẽ bị xem xét lại vào cuối năm 2017 (ngày 31/12/2017). Vì vậy, nếu Việt Nam không được hưởng ưu đãi từ chương trình GPS, Việt Nam có thể gặp bất lợi, hàng hóa sẽ bị cạnh tranh bởi hàng hóa của các quốc gia như Campuchia, Myanmar, Philippines, đặc biệt với hàng túi xách, ví, ô dù.

Trong khi đó, đối với Dự luật MTB (Dự luật tạm thời dừng hoặc giảm thu thuế nhập khẩu các loại), Việt Nam có thể là quốc gia sẽ được hưởng lợi từ dự luật này trong 2-3 năm tới. Diễn giả của AAFA 2017 nhận định dự luật MTB áp cho hàng hóa Việt Nam có thể sẽ có hiệu lực trong tháng 1-2/2018 hoặc chậm nhất vào mùa hè năm 2018.

Tuy nhiên, cả GSP hay MTB đều có thể bị dừng bất kỳ khi nào. Trong trường hợp Việt Nam không được hưởng lợi từ MTB, các nước Tây Phi có thể sẽ là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam ở Hoa Kỳ.

Các diễn giả cho rằng, để vượt qua các thách thức từ chính sách thương mại Hoa Kỳ và tránh bị áp thêm thuế, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động theo dõi và tăng cường dự báo diện biến chiến lược thương mại Hoa Kỳ. Tuân thủ an toàn sản phẩm cũng là cách để các doanh nghiệp Việt Nam không bị áp thêm thuế và có nhiều cơ hội hơn ở thị trường Hoa Kỳ.

Cuối cùng, dù không có TPP hay các ưu đãi thuế quan khác, để thúc đẩy xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Việt Nam nên quan tâm hơn đến Hiêp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), hay sáng kiến “vành đai và con đường” BRI…

Hồng Quân