|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Giá năng lượng thế giới tăng cao vẫn là rủi ro lớn nhất, lạm phát sẽ nghiêm trọng hơn từ quý IV/2022'

11:32 | 11/07/2022
Chia sẻ
HSBC Việt Nam chỉ ra loạt rủi ro với tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2022, trong đó lưu ý lạm phát sẽ nghiêm trọng hơn từ quý IV.

 Giá năng lượng thế giới tăng cao vẫn là rủi ro lớn nhất 

Trong báo cáo mới đây, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam nhận định dù tình hình nhìn chung có vẻ lạc quan, các yếu tố cản trở tăng trưởng vẫn còn đó.

Theo đại diện của tổ chức này, Việt Nam đang gặp một loạt thách thức trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Điều đó sẽ khiến chi phí nhiên liệu tăng, ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại của Việt Nam.

"Giá năng lượng thế giới tăng cao vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam. Tác động rõ rệt nhất chính là chi phí năng lượng tăng lên.

Mặc dù xuất khẩu vững mạnh, cán cân thương mại đã thu hẹp lại dẫn đến mức thặng dư khiêm tốn chỉ 0,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, bào mòn lợi thế của tài khoản vãng lai, tạo áp lực lên đồng VND.

Việt Nam dự báo sẽ thâm hụt tài khoản vãng lai năm thứ hai liên tiếp mặc dù mức độ thâm hụt sẽ ít hơn so với năm 2021", ông Ngô Đăng Khoa nêu trong báo cáo. 

Lạm phát sẽ nghiêm trọng hơn từ quý IV năm nay  

Bên cạnh đó, giá dầu tăng cao làm tăng chi phí sinh hoạt của người dân, làm chậm quá trình phục hồi tiêu dùng cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.

Giá năng lượng thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt đẩy giá dầu trong nước liên tục lên những mức cao kỷ lục mới.

HSBC đánh giá xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, tạo áp lực ngược lại lên lạm phát. Mặc dù chi phí năng lượng cao, lạm phát thực phẩm ở mức độ vừa phải, sản xuất trong nước tương đối ổn định giúp kìm hãm lạm phát toàn phần.

Rủi ro lạm phát gia tăng (dù phần lớn là lạm phát “nhập khẩu” từ nước khác) sẽ thúc giục Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải thắt chặt tiền tệ. 

Từ đó, HSBC dự báo lạm phát nhiều khả năng sẽ nghiêm trọng hơn từ quý IV, thậm chí có lúc vượt trần 4% của NHNN. 

Ngân hàng này cũng tin rằng thời điểm áp dụng biện pháp bình thường hóa tiền tệ sẽ đến sớm hơn trong bối cảnh áp lực giá gia tăng.

"Chúng tôi vẫn giữ quan điểm về việc NHNN nhiều khả năng sẽ điều chỉnh lãi suất tăng 50 điểm cơ sở trong quý III (hiệu lực từ quý IV) và dự báo sẽ tăng 50 điểm cơ sở mỗi quý kể từ quý IV/2022 cho đến quý III/2023. Lãi suất điều hành sẽ tăng lên 6,50% vào cuối quý III/2023", báo cáo nêu.

Gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến doanh nghiệp sản xuất Việt Nam gặp khó khăn

Bên cạnh hai rủi ro nói trên, HSBC nhấn mạnh Việt Nam cần hết sức lưu ý những cơn gió ngược chiều cản trở tăng trưởng thương mại đang mạnh dần lên.

Một mặt, tiêu dùng thế giới đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Mặt khác, gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai.

Đây chính là những yếu tố quyết định tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có khả năng duy trì đà tăng trưởng vững mạnh như hiện nay đến bao giờ.

"Những gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng tác động không ít đến Việt Nam bởi nền tảng sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu rất nhiều.

Trong 6 tháng đầu năm nay, 94% kim ngạch nhập khẩu đến từ nhóm hàng tư liệu sản xuất, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Khoảng 30% nhập khẩu của Việt Nam đến từ nước này, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực điện tử (30%) và thiết bị máy móc (22%).

 Việt Nam nhập siêu gần 35 tỷ USD từ Trung Quốc nửa đầu năm 2022.

Vì vậy, tình trạng tắc nghẽn trong khâu vận chuyển ở Trung Quốc sẽ là cơn gió ngược chiều cản trở tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam", đại diện HSBC Việt Nam nhận định.

Ngoài ra, mặc dù Chính phủ đã triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 giúp đảm bảo an sinh xã hội, lạm phát gia tăng sẽ khiến việc phục hồi cuộc sống diễn ra không đồng đều. Các hộ gia đình thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn khiến tình hình bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng hơn trong ngắn hạn.

 

Hồng Hà