|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dấu ấn của ông Trịnh Văn Quyết trong ngành hàng không

06:49 | 29/03/2022
Chia sẻ
Trong hơn ba năm hoạt động, hãng hàng không Bamboo Airways do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể như thường xuyên duy trì tỷ lệ đúng giờ cao nhất ngành, vận hành đội tàu bay với đa dạng chủng loại, …

 Ông Trịnh Văn Quyết đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn FLC và Chủ tịch Bamboo Airways. (Ảnh: FLC).

Bamboo Airways được thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, do Tập đoàn FLC góp 100%. Sau nhiều vòng tăng vốn và biến động cơ cấu cổ đông, Bamboo Airways hiện nay có vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng, FLC sở hữu ước tính hơn 20%.

Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cũng đồng thời là Chủ tịch của Bamboo Airways. Cá nhân ông Quyết là cổ đông lớn nhất nắm giữ quá nửa vốn của hãng hàng không mang thương hiệu cây tre này.

 

So với các hãng bay khác tại Việt Nam, Bamboo Airways có vốn điều lệ lớn thứ 2 toàn ngành, chỉ đứng sau hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.

Bamboo Airways liên tục đúng giờ nhất toàn ngành

Từ khi bắt đầu bay thương mại vào ngày 16/1/2019 đến hết tháng 2/2022, Bamboo Airways đã thực hiện gần 81.500 chuyến bay, khoảng cách giữa Bamboo và các hãng hàng không “anh chị” như Vietnam Airlines và Vietjet Air đã được rút ngắn dần.

Tháng 2 vừa qua, số chuyến bay mà Bamboo Airways khai thác đã lớn hơn cả Vietnam Airlines Group (gồm ba hãng là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco).

Bamboo Airways rút ngắn khoảng cách về số chuyến bay với các hãng khác.

Bamboo Airways còn tạo ấn tượng tốt với nhiều hành khách nhờ việc thường xuyên cất cánh đúng giờ nhất ngành hàng không. Những sự cố trong quá trình vận hành là không thể tránh khỏi, nhưng nhìn chung, Bamboo Airways là hãng bay ít delay nhất Việt Nam.

Trong năm 2021, Bamboo Airways cất cánh đúng giờ 96,9%, trong khi con số của Vietnam Airlines và Vietjet Air lần lượt là 95% và 93,5%. Pacific Airlines và Vasco đều dưới 93%. 

Bamboo Airways có nhiều tháng liên tục đúng giờ nhất ngành hàng không, thể hiện bằng đường màu xanh lá cây thường xuyên ở vị trí cao nhất.

Đội tàu bay đủ loại từ nhỏ đến lớn

Ngày 22/12/2019, Bamboo Airways nhận tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên. Trước đó, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã có tàu bay Boeing 787-9, 787-10 cũng như Airbus A350. Tuy nhiên, nếu chỉ xét các hãng hàng không tư nhân thì Bamboo Airways là hãng bay đầu tiên khai thác tàu thân rộng ở Việt Nam.

Tháng 12/2021 mới đây, Vietjet mới nhận tàu thân rộng đầu tiên về đội của mình là một chiếc Airbus A330 .

Hiện nay, Bamboo Airways đang vận hành 29 tàu bay, bao gồm ba chiếc thân rộng Boeing 787-9, 21 chiếc thân hẹp trong họ A320, và 5 chiếc phản lực khu vực Embraer E190.

Với các chặng có nhu cầu cao và cần bay đường dài như Hà Nội – TP HCM hay từ Việt Nam đến Đức, Anh, Mỹ, …, hãng hàng không của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết sẽ dùng các tàu Boeing thân rộng.

Với các thị trường ngách có nhu cầu thấp và hạ tầng hạn chế như Côn Đảo, Điện Biên, Kiên Giang, … Bamboo sẽ khai thác bằng E190. Đây là loại tàu bay có sức chứa lớn hơn, tốc độ cao hơn và tiện nghi hơn so với những chiếc ATR-72 thế hệ cũ mà Vasco sử dụng.

Với các chặng phổ thông còn lại, hãng sử dụng các dòng tàu bay quen thuộc như A319, A320 hay A321.

Tháng 2 vừa qua, Bamboo Airways đã làm việc sơ bộ với Boeing để tìm hiểu thêm về Boeing 777X - dòng máy bay phản lực mới nhất có thể chở từ 392 đến 422 hành khách.

Những năm vừa qua, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã đại diện FLC và Bamboo Airways để ký kết các thỏa thuận với Airbus và Boeing về việc mua 50 tàu bay thân hẹp A321NEO và 30 chiếc thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Trong những năm tới, các tàu bay này sẽ được bàn giao dần cho Bamboo Airways.

 Ngày 22/3 vừa qua, Bamboo Airways đã lần đầu tiên khai thác đường bay thẳng Hà Nội – London bằng chiếc Boeing 787-9. 

 

Tháng 2 mới đây, Bamboo Airways đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải duyệt, trình phương án tăng quy mô đội tàu bay từ 29 chiếc hiện nay lên 100 chiếc vào năm 2028. Hãng cũng đề nghị được điều chỉnh mức đầu tư từ 5.700 tỷ đồng như hiện nay lên 14.800 tỷ đồng.

Hãng bay mang thương hiệu cây tre này cho biết ngoài khoản vốn góp 5.374 tỷ là vốn chủ sở hữu (đã góp đủ), Bamboo Airways sẽ vay 3.476 tỷ đồng từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng và nguồn vốn còn thiếu 5.950 tỷ sẽ được huy động từ nguồn lợi nhuận giữ lại từ các hoạt động sản xuất kinh doanh.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quyền - Song Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.