|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022

11:20 | 05/01/2022
Chia sẻ
Theo khảo sát của NHNN cho năm 2022, 95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% lo ngại lợi nhuận giảm.
Chỉ 2% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận giảm trong năm 2022 - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: TTXVN).

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh được Vụ Dự báo, thống kê Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây, có 49,5% tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý I/2022 sẽ tăng trưởng so với quý IV/2021. 

Trong đó, chủ yếu là “tăng nhẹ” (46,5% TCTD lựa chọn), 42,6% TCTD kỳ vọng “không đổi” và 7,9% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ. 

Tuy nhiên, dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% TCTD lo ngại lợi nhuận giảm.

Khảo sát các TCTD về kết quả hoạt động kinh doanh trong năm 2022 so với năm trước. (Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Trong quý IV/2021, các TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng có sự phục hồi và cải thiện rõ rệt so với quý trước, vì vậy đã nâng kỳ vọng về xu hướng cải thiện tích cực tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2021 so với năm 2020. 

Dự báo cho thời gian tới, 72,2 - 84,2% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với năm 2021.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức dự báo 14,3% tại kỳ điều tra trước.

Trong khi đó, huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý I/2022 và tăng 12,1% trong năm 2022. 95% TCTD dự báo tổng huy động vốn tăng trưởng dương trong năm 2022, 3% dự báo duy trì ổn định và 2% TCTD dự báo huy động vốn tăng trưởng âm trong năm 2022.

Mặc dù khoảng đầu tháng 12/2021, một số ngân hàng có điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động vốn, nhưng mặt bằng lãi suất huy độn g- cho vay tính đến cuối năm 2021 vẫn được các TCTD kỳ vọng xu hướng “giảm” so với cuối năm 2020.

Tuy nhiên kỳ vọng về mức độ giảm bình quân toàn hệ thống so với cuối năm 2020 có điều chỉnh thu hẹp. Dự báo mặt bằng lãi suất được giữ ổn định trong quý I/2022 và có thể tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2022.

Về chất lượng tài sản, các TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu tăng nhẹ trong quý IV/2021 nhưng kỳ vọng sẽ giảm nhẹ trở lại trong quý I/2022.

Đâu sẽ là yếu tố chính ảnh hưởng tới ngành ngân hàng trong thời gian tới?

Trong quý IV/2021, hầu hết các TCTD đánh giá cả nhân tố nội tại và khách quan có tác động tích cực giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng hơn so với quý III/2021. 

Đánh giá tổng thể cả năm 2021 so với năm 2020, các TCTD nhận định “Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN” vẫn là nhân tố quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của TCTD (60,4% lựa chọn). 

Trong khi, “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” cùng với “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” là hai nhân tố dẫn đầu về tỷ lệ TCTD đánh giá có tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị (23 - 30% TCTD đánh giá), nhưng vẫn thấp hơn mức 54 - 56% TCTD đánh giá hai nhân tố này có tác động tích cực trong năm 2021.

Tuy nhiên, các TCTD kỳ vọng hai nhân tố trên là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của TCTD kể từ quý IV/2021 cho tới các quý của năm 2022. Bên cạnh đó, ”Sự cạnh tranh từ các TCTD khác” được nhận định có thể là nhân tố có tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh của TCTD trong năm 2022. 

Lê Huy

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.