84.000 bằng sáng chế, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp còn tồn đọng, Bộ trưởng nói gì?
Chất vấn vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt, Đại biểu Đinh Ngọc Quý, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Gia Lai nêu vấn đề về việc mấy năm gần đây, người dân và doanh nghiệp rất bức xúc, than phiền về tình trạng xử lý, giải quyết đơn đăng ký bảo hộ quyền sử công nghiệp tồn đọng, rất chậm trễ và kéo dài và đặc biệt đối với đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp.
Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, thậm chí sẽ dẫn đến những tranh chấp về thương mại.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, việc tồn đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ, nhất là đơn về nhãn hiệu, đơn về sáng chế, cho thấy điều đáng mừng là kinh tế - xã hội phát triển, các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu sáng chế cao.
Tuy nhiên, khả năng xử lý đơn của đơn vị trực thuộc Bộ chậm do số lượng đơn tăng và cũng là lĩnh vực mới. Hơn nữa đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế, nhất là thủ tục, quy trình tiếp cận của các quốc gia; có sự chậm trễ trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số .
Thứ ba là nguồn nhân lực chưa đẩy mạnh việc tuyển dụng và đào tạo thường xuyên dẫn đến số lượng đơn tồn đọng về đăng ký bằng sáng chế và nhãn hiệu vẫn còn rất lớn.
Bộ trưởng cho biết, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và kiểu dáng công nghiệp, bằng sáng chế tồn đọng rất lớn lên gần 100.000 đơn và liên tục gia tăng. Điều này cũng gây khó cho Bộ KH&CN, khiến chỉ số cải cách hành chính của Bộ lúc nào cũng đứng thấp.
"Lý do là việc xử lý đơn đăng ký không đạt yêu cầu nên luôn bị trừ điểm", Bộ trưởng cho hay.
Giai đoạn 2017-2019, số đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá xử lý được là khoảng 102.000 đơn, giai đoạn 2020-2025 số đơn xử lý được dự kiến là 150.000 đơn. Tuy nhiên, đến 31/12/2022, còn trên 64.000 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và khoảng hơn 20.000 đơn đăng ký bằng sáng chế chưa được xử lý.
Bộ KHCN sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, kết hợp với điều chỉnh các quy trình nhận đơn và xét chọn, phân cấp cho địa phương để chia sẻ khối lượng công việc. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân sự để giúp xử lý vấn đề. Tuy nhiên, ít nhất phải đến năm 2025 hoặc 2026 mới có thể giải quyết vấn đề này.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chưa được đẩy mạnh tuyển dụng và đào tạo, dẫn đến việc đơn xin cấp nhãn hiệu và sáng chế ngày càng nhiều, cần tập trung giải quyết, Bộ trưởng cho hay.