TP HCM mở chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử với 836.000 liều vắc xin COVID-19
TP HCM sẽ tổ chức 1.000 điểm tiêm chủng, với 836.000 liều vắc xin COVID-19, dự kiến hoàn thành tiêm trong 5-7 ngày. Trong đó, 786.000 liều vắc xin tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21 và còn lại khoảng 50.000 liều cho bộ đội, công an trên địa bàn thành phố.
Lô vắc xin này được nhập từ nhà sản xuất Daiichi Sankyo Biotech (Nhật Bản) với 966.320 liều, trong đó Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) tiếp nhận 786.000. Vắc xin được vận chuyển về kho lạnh của trung tâm trong 3 đợt (đợt 1 đã vận chuyển về kho lạnh của HCDC 300.000 liều, dự kiến đợt 2 là 300.000 liều và đợt 3 là 286.000 liều).
Sở Y tế TP HCM chỉ đạo HCDC tiếp nhận, bảo quản và tổ chức triển khai tiêm chủng ngay số vắc xin được phân bổ cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2 của Chính phủ trên địa bàn (bao gồm cả các Cơ quan trung ương, bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty, tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao...) và triển khai tiêm cho các đối tượng nguy cơ là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Y tế đã phân công lực lượng y tế tham gia triển khai tiêm chủng thành 1.032 đội tiêm, huy động từ 547 đơn vị bệnh viện, phòng khám kể cả tư nhân, trung tâm y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, trạm y tế, hệ thống tiêm chủng thuộc Công ty VNVC...
Các đơn vị y tế trực thuộc Bộ Y tế đóng tại TP HCM cũng tham gia chiến dịch, gồm 10 đơn vị, mỗi đơn vị chia thành 6 đội tiêm. Các Trung tâm Y tế lập 29 đơn vị, mỗi đơn vị có 2 đội tiêm. 26 đơn vị thuộc các bệnh viện đa khoa tư nhân, mỗi đơn vị chia 3 đội tiêm...
Thành phố sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng đợt 4 với mục tiêu đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch vừa an toàn trong tiêm chủng cũng như đảm bảo đúng tiến độ cho các nhóm đối tượng ưu tiên và miễn phí theo quy định. Dự kiến thời gian bắt đầu triển khai từ ngày 20/6 và kết thúc trước ngày 27/6. Số người dự kiến được tiêm chủng trong 1 ngày sẽ là 200.000 người.
Đến nay, TP HCM đã tiêm được 70.000 người theo đối tượng ưu tiên của Nghị quyết 21. Với số vắc xin này, dự kiến khoảng gần một triệu người sẽ được tiêm.