|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

7 năm nuôi chí khởi nghiệp của giám đốc công ty SIMAT

18:07 | 13/10/2018
Chia sẻ
Trước khi thành lập công ty sản xuất vật liệu xây dựng SIMAT, kỹ sư Vũ Hải Bắc đã tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, vốn và quan hệ trong 7 năm.
7 nam nuoi chi khoi nghiep cua giam doc cong ty simat Câu chuyện khởi nghiệp thành công của chàng trai mang bánh Pháp đến cho người Việt

Sau khi lấy tấm bằng kỹ sư Điện-Điện tử của Học viện Kỹ thuật quân sự vào năm 2003, Bắc làm thuê cho một công ty xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng.

"Trong quá trình làm thuê, tôi có cơ hội gặp nhiều nhà khoa học hàng đầu về vật liệu xây dựng, tìm hiểu nguyên liệu đầu vào cũng như công nghệ sản xuất" Bắc kể.

7 nam nuoi chi khoi nghiep cua giam doc cong ty simat
Vũ Hải Bắc đứng trong gian hàng của công ty SIMAT trong triển lãm Vietbuild 2018 hồi tháng 9. Ảnh: Nhạc Dương

Sau khi tính giá thành sản xuất, so sánh giá và chất lượng của những vật liệu đang tồn tại trên thị trường Việt Nam và thậm chí khu vực Đông Nam Á, anh Bắc kết luận rằng anh hoàn toàn có thể tạo ra loại vật liệu có giá thấp hơn nhưng chất lượng cao hơn.

Ý tưởng kinh doanh xuất hiện từ năm 2011, nhưng Bắc tiếp tục tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và mối quan hệ tới 7 năm trước khi hành động. Anh thuyết phục hai người bạn là Nguyễn Tuấn Cường và Nguyễn Thị Hạnh khởi nghiệp. Họ thành lập Công ty Cổ phần SIMAT Việt Nam với số vốn điều lệ một tỷ đồng vào tháng 11/2017. Trụ sở công ty nằm ở phố Vân Hồ, Hà Nội, còn nhà máy nằm ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Ban đầu, do công ty chưa có tiếng tăm, anh Bắc cùng các cộng sự phải gửi mẫu sản phẩm tới các công trường xây dựng để họ dùng thử. Khi thấy sản phẩm đáp ứng những chỉ tiêu chuyên biệt, các nhà thầu mới sử dụng chúng.

"Gửi sản phẩm cho khách hàng để họ dùng thử là cách rất hiệu quả với những sản phẩm có thể khẳng định chất lượng và có giá thành thấp như vật liệu của chúng tôi", kỹ sư Bắc nhận định.

7 nam nuoi chi khoi nghiep cua giam doc cong ty simat
Dây chuyền sản xuất của công ty SIMAT. Ảnh: SIMAT

Vì từng tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quá trình làm thuê, lại chuẩn bị khá kỹ lưỡng nên nhóm sáng lập vượt qua những khó khăn ban đầu một cách chóng vánh.

Kỹ sư Bắc cảm thấy tự hào vì công ty tự nghiên cứu các cấp phối, làm chủ công nghệ và dây chuyền sản xuất. Đây là lợi thế rất lớn để tạo nên sự khác biệt của thương hiệu.

"Do SIMAT làm chủ công nghệ và dây chuyền sản phẩm nên công ty có thể đáp ứng một cách chi tiết từng loại vật liệu mà khách hàng muốn. Nhờ khả năng đó, khách hàng sẽ nâng cao tuổi thọ công trình, giảm chi phí duy tu và bảo dưỡng, giảm số lượng nhân công xây dựng, tối ưu hóa mức tổn hao vật liệu cho công trình", anh giải thích.

Thử nghiệm vữa dán của Simat với tấm cách nhiệt Tonmat

Giá và chất lượng là hai vũ khí lợi hại nhất của SIMAT trong hoạt động bảo vệ thương hiệu. Anh Bắc nhấn mạnh rằng chất lượng tốt là yếu tố giúp công ty duy trì sự gắn bó của khách hàng.

Để mở rộng quy mô và thị trường, SIMAT cần thêm vốn. Nhưng do công ty mới ra đời, chưa có nhiều tài sản nên không thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp.

Đội ngũ nhân sự của SIMAT vừa giỏi chuyên môn, vừa có ý thức lao động cao. Dây chuyền sản xuất gần như vận hành tự động. Nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định do nhóm sáng lập đã chuẩn bị rất kỹ trước khi thành lập doanh nghiệp.

"Những yếu tố đó, cộng với việc chúng tôi làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất, giúp công ty giảm thiểu tối đa chi phí", anh Bắc bình luận.

7 nam nuoi chi khoi nghiep cua giam doc cong ty simat
Vữa sửa chữa bê tông chất lượng cao do công ty SIMAT sản xuất. Ảnh: SIMAT

Hiện tại, sản phẩm của công ty rất đa dạng - bao gồm bê tông nhẹ, vữa tự chảy không co, phụ gia chống thấm và kết nối bê tông, vữa dán gạch, sơn chống thấm hai thành phần, vữa sửa chữa bê tông.

Sau một khoảng thời gian khởi nghiệp, anh Bắc nhận thấy rằng, để tồn tại trên thương trường, người khởi nghiệp phải có tâm huyết, niềm tin và khát khao thành công. Anh nhận định may mắn cũng là yếu tố quan trọng.

"Khi thiên thời, địa lợi, nhân hòa hợp nhịp, chúng ta có thể phát triển bền vững", anh lập luận.

Mục tiêu của SIMAT là chiếm lĩnh thị trường trong vòng 5 năm tới trước khi hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Xem thêm

Kim Cương

[LIVE] ĐHĐCĐ DIG: Chủ tịch cho biết đang xin làm hai thành phố y tế, nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa
Tính đến 16h32p, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG có sự tham dự của 2.101 cổ đông (trực tiếp, trực tuyến và ủy quyền), đại diện hơn 306 triệu cổ phần, tương đương 50,24% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.