7 bài học đầu tư từ Phù thủy Phố Wall Julian Robertson
Julian Robertson không chỉ nổi tiếng với sự nghiệp đầu tư lừng lẫy mà ông còn được biết đến như thầy của nhiều nhà quản lý quỹ thế hệ tiếp theo. Một số người trở nên cực kỳ thành công, bao gồm John Griffin của Blue Ridge Capital, Ole Andreas Halvorsen của Viking Global, Chase Coleman của Tiger Global Management, Investopedia cho biết.
Dưới đây là 7 bài học lớn từ Julian Robertson, theo đánh giá của tác giả Tren Griffin, Giám đốc cấp cao của Microsoft, cựu đối tác của quỹ đầu tư tư nhân Eagle River.
"Nghe một câu chuyện, phân tích và mạnh tay mua nếu thấy cảm thấy đúng"
Một đồng nghiệp của Robertson từng nói về ông như sau: "Khi tin tưởng rằng mình đúng, Julian sẽ đặt cược cả gia tài". Các khoản đặt cược lớn bị định giá sai hiếm khi xuất hiện và khi tìm thấy chúng, Robertson sẽ chơi lớn.
Robertson không hấp tấp, ông luôn nghiên cứu cẩn thận trước khi xuống tiền. Nghiên cứu và phân tích rất quan trọng đối với Robertson. Kiên nhẫn, kỷ luật và mạnh bạo là sự kết hợp hiếm có và Robertson đã chứng minh rằng ông có tất cả những phẩm chất này.
"Hãy tham gia cuộc đua tệ nhất bạn tìm được, nơi có ít sự cạnh tranh nhất"
Robertson chỉ ra rằng nhà đầu tư có thể tìm thấy lợi nhuận ở nơi có ít sự cạnh tranh. Cạnh tranh trên các thị trường ít được nghiên cứu kỹ mang lại lợi thế cho nhà đầu tư phân tích một cách cẩn thận.
Warren Buffett từng nói cách để đánh bại kiện tướng cờ vây Bobbie Fissher là chơi với ông ta môn gì đó khác ngoài cờ vua. Warren Buffett nói thêm: "Điều quan trọng là tiếp tục chơi, chơi với những đối thủ yếu và chơi lớn". Và "Nếu bạn đã chơi poker được nửa giờ mà vẫn không biết ai là gã khờ thì gã khờ là bạn".
Do đó nhà đầu tư nên tìm một thị trường hoặc một bộ phận của thị trường nơi anh ta không phải gã khờ nếu muốn đánh bại chỉ số.
"Tôi tin rằng cách tốt nhất để quản lý tiền là kết hợp giữa mua cổ phiếu và bán khống. Lý thuyết của tôi là nếu 50 cổ phiếu tốt nhất bạn có thể nghĩ ra không vượt trội hơn 50 cổ phiếu tồi tệ nhất thì bạn nên chuyển sang nghề khác"
Cách tiếp cận Robertson đề cập là chiến lược 130-30, được thực hiện bằng cách bán khống những cổ phiếu dự kiến sẽ đi xuống và mua những cổ phiếu được kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao.
Khi Julian Robertson bắt đầu sử dụng chiến thuật này, nó phưa phổ biến như hiện nay và các mục tiêu bán khống có nhiều khả năng bị định giá sai lệch hơn bây giờ.
"Tránh các khoản lỗ lớn. Đó là cách để kiếm được nhiều tiền qua các năm"
Robertson tin rằng các quỹ đầu cơ nên nhắm đến mục tiêu "đạt hiệu suất tốt hơn thị trường trong giai đoạn khó khăn". Để làm vậy quỹ đầu cơ cần thực hiện chiến lược đề phòng rủi ro.
Một cách khác để tránh lỗ lớn là mua cổ phiếu có giá thấp hơn đáng kể giá trị thị trường riêng, tức là tổng giá trị thị trường của tất cả bộ phận trong công ty nếu chúng tách ra và trở thành công ty đại chúng riêng biệt. Nếu tìm được điểm đầu vào đúng, nhà đầu tư vẫn sẽ ổn về mặt tài chính dù có thể mắc sai lầm.
"Đối với các vụ bán khống, tôi tìm kiếm công ty có đội ngũ quản lý tồi, định giá cao điên cuồng, hoạt động trong ngành đang xuống dốc hoặc bị hiểu lầm"
Công ty có đội ngũ quản lý tốt sẽ có nhiều khả năng khắc phục được các vấn đề. Ngược lại, công ty có đội ngũ quản lý tồi thì chắc chắn rắc rối kinh doanh là cơ sở cho việc bán khống sẽ tiếp tục tồn tại.
Robertson cũng nói rằng định giá phải cao "điên cuồng" thì ông mới quan tâm tới việc bán khống. Ông cũng thích đặt cược chống lại doanh nghiệp trong ngành công nghiệp đang sa sút để có thêm lợi thế.
"Biến động của giá vàng là tình huống về tâm lý hơn là vấn đề về cung/cầu. Cứ để cho bác sĩ tâm lý đầu tư vào vàng còn tôi thì không".
Robertson cho rằng những ai thích đầu tư vào vàng và kỳ vọng giá kim loại này sẽ gia tăng vĩnh viễn "là những người điên rồ nhất thế giới". Việc coi thường vàng trong vai trò công cụ đầu tư của Robertson cũng giống với Warren Buffett, người từng tuyên bố "Vàng chẳng làm được gì ngoài việc ngồi đó và nhìn chằm chằm vào bạn".
Tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett từng rót tiền vào cổ phiếu công ty khai thác vàng Barrick Gold trong quý II/2020 nhưng đã bán sạch trong quý IV.
"Vận hành quỹ đầu cơ là để thành công đẻ thành công"
Khi một người hoặc một doanh nghiệp giành được lợi thế nhỏ so với những người khác, lợi thế này sẽ tích lũy theo thời gian và ngày càng lớn lên. Ý tưởng này đôi khi được gọi là "hiệu ứng Matthew" hoặc đơn giản hơn là "người giàu càng giàu còn người nghèo mãi nghèo".
Những gì Robertson muốn nói là khi bạn huy động được tiền thì bạn sẽ có thể huy động được thêm nữa và vòng tròn này tiếp tục lặp lại. Khi bạn chiêu mộ được một nhân tài thì bạn có thể tuyển được người thứ hai, thứ ba và cứ như thế.