|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

60% người lao động Trung Quốc tụt lại phía sau đà phục hồi kinh tế

13:11 | 29/09/2020
Chia sẻ
Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm đến chiến lược phục hồi nền kinh tế nhưng dường như họ đã bỏ quên 60% người lao động nghèo trên khắp cả nước.

Nền kinh tế Trung Quốc dường như đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng COVID-19. Xuất khẩu tăng trưởng ở mức hai con số và doanh số bán lẻ - từng sụt giảm trong nhiều tháng liền, đã tăng trở lại mức trước đại dịch.

Khi cuộc sống thường nhật của người dân ổn định trở lại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại tiếp tục sôi động như xưa.

Tuy nhiên, các hộ gia đình nghèo vẫn phải chật vật kiếm sống, cho thấy nền kinh tế của đất nước tỉ dân đang phục hồi theo mô hình chữ K. Mô hình này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập, vốn đã là một vấn đề từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

60% người lao động Trung Quốc tụt lại phía sau đà phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Theo tổ chức phi lợi nhuận China Household Finance Survey (CHFS), hầu hết các hộ gia đình thuộc nhóm 60% nghèo nhất đất nước (tức các hộ có thu nhập dưới 100.000 nhân dân tệ, tương đương 14.650 USD/năm) cho biết tài sản của họ giảm trong nửa đầu năm 2020.

Trong khi đó, các hộ gia đình kiếm được hơn 300.000 nhân dân tệ/năm báo cáo khối tài sản của họ đã tăng lên. Niềm tin của người tiêu dùng thuộc nhóm có thu nhập tốt thể hiện qua doanh số của các mặt hàng xa xỉ. Ví dụ, doanh số xe hơi cao cấp tăng trưởng tốt, và các sản phẩm đắt tiền như Chanel, Louis Vuitton,...đều tăng giá trong năm nay.

Thu nhập của người dân Trung Quốc chia rẽ như thế một phần là vì kích thích tài khóa của Bắc Kinh khác với Washington.

Bloomberg lí giải, chính phủ Trung Quốc cảm thấy họ có quyền kiểm soát các doanh nghiệp hơn là người tiêu dùng, do đó Bắc Kinh kích thích nền kinh tế bằng cách xây thêm các công trình cơ sở hạ tầng như tàu cao tốc và các trạm viễn thông 5G mới.

Người dân Trung Quốc không được nhận 1.200 USD tiền mặt từ chính phủ như người dân Mỹ trong đại dịch COVID-19 và cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp bổ sung 600 USD/tuần từ Bộ Tài chính. Hay nói cách khác, Trung Quốc đi theo chính sách lợi ích kinh tế nhỏ giọt (trickle-down economics).

60% người lao động Trung Quốc tụt lại phía sau đà phục hồi kinh tế - Ảnh 2.

Ngoài những tòa nhà cao tầng sang trọng, các thành phố lớn tại Trung Quốc còn có các khu nhà xập xệ dành cho người lao động nhập cư từ nông thôn hoặc tỉnh lẻ đổ về. (Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg)

Người lao động nhập cư vắng bóng trong chiến lược của Bắc Kinh

Quyết định hỗ trợ chủ doanh nghiệp thay vì người lao động của chính phủ Trung Quốc có thể gây ra hậu quả lâu dài. Trong tổng số 442 triệu công nhân thành thị thì hơn 1/3 (hay 174 triệu người) là dân di cư từ nông thôn hoặc tỉnh lẻ đến.

174 triệu người lao động này thường làm các công việc thu nhập thấp trong lĩnh vực xây dựng, giao hàng, chế tạo và nhà hàng.

Khi các ngành này đóng cửa vì đại dịch, người lao động từ nơi khác đến không chỉ mất việc mà còn không nhận được trợ cấp thất nghiệp. Do những lao động nhập cư này có hộ khẩu thường trú ở nông thôn nên theo sổ sách của nhà nước Trung Quốc, họ chưa bao giờ làm việc ở các thành phố lớn. Do đó, họ chỉ có thể về nhà làm nông.

Theo ước tính của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, thiệt hại kinh tế mà nhóm 60% người lao động nghèo nhất Trung Quốc phải gánh có thể lên tới 1.350 tỉ nhân dân tệ (tương đương 198 tỉ USD).

Một số người còn đang thiếu việc làm. Trong tháng 8, doanh thu từ ngành dịch vụ ăn uống vẫn giảm 7% so với cùng kì năm trước. Ngành này được cho là đang sử dụng khoảng 12 triệu lao động nhập cư.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc từng tự hào tuyên bố, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đã giảm từ mức cao là 6,2% của tháng 2 xuống 5,6% trong tháng 8. Tuy nhiên, tỉ lệ này có thể chưa phản ánh đúng thực tế vì người lao động nhập cư hầu như không có mặt trong khảo sát của chính phủ.

Câu chuyện của Trung Quốc đang trở thành một bài học cho Mỹ. Nếu gói kích thích tài khóa mới tiếp tục bế tắc tại Quốc hội, Mỹ sẽ rơi vào tình cảnh tương tự, khi người giàu tự hỏi họ có nên bán chiếc cà vạt Hermès đắt tiền vì đang làm việc ở nhà hay không, còn người nghèo thì phải chật vật mưu sinh.

Tóm lại, mô hình phục hồi kinh tế theo chữ K luôn tồn tại nhiều hệ quả tiêu cực hơn so với mô hình chữ U hay chữ W, Bloomberg kết luận.

Yên Khê