6 tháng tăng giá 4 lần, người Hàn quay lưng với Chanel
Ngày càng nhiều người Hàn Quốc đang quay lưng lại với Chanel khi thương hiệu này để mất niềm tin của người tiêu dùng sau hàng loạt đợt tăng giá trong hai năm trở lại đây, trang Korea Times nói.
Sau khi thương hiệu xa xỉ của Pháp bị phát hiện bán nhiều mẫu túi xách và sản phẩm tại Hàn Quốc với giá cao hơn so với các quốc gia Châu Á khác, nhiều khách hàng đã dừng ghé thăm các cửa hàng của hãng này.
Hôm 3/3, Chanel tăng giá trung bình 5% tại Hàn Quốc. Đây là lần thứ hai Chanel tăng giá tại Hàn Quốc trong năm 2022 sau đợt thăng giá hồi tháng 1. Trong năm 2021, Chanel cũng tăng giá hai lần vào tháng 9 và tháng 11.
"Điều này thật nực cười. Chanel vừa tăng giá một tháng trước – làm sao họ có thể lại làm một điều đó lần nữa nhanh đến thế? Chanel không giải thích rõ ràng với chúng tôi và chỉ các công ty đồ xa xỉ mới tăng giá thường xuyên đến thế", một nhân viên văn phòng 34 tuổi có tên Yoo chia sẻ.
Chanel Hàn Quốc nói rằng công ty này cần tăng giá do vấn đề liên quan đến chi phí vật liệu và chi phí sản xuất tăng, bên cạnh đó là vấn đề tỷ giá biến động.
Dịch vụ khách hàng tồi tệ của Chanel cũng là một vấn đề khiến khách hàng không còn muốn mua sắm tại các cửa hàng của Chanel. Có cáo buộc thậm chí nói rằng Chanel đã tích hàng với một số mẫu sản phẩm ăn khách đợi đến khi tăng giá.
"Tôi đã đến các cửa hàng của Chanel ở Seoul vài lần để mua túi xách nhưng không có hàng. Tôi tình cờ đến một cửa hàng vào hôm 3/3 và thấy có hàng với mức giá tăng thêm 350.000 won (288,90 USD)", một khách hàng có tên Kim chia sẻ thêm. "Tôi sẽ tìm mua chiếc túi tương tự ở thị trường bán lại vì giá ở đó điều chỉnh theo đúng nhu cầu và nguồn cung", người này nói.
Ở thị trường thứ cấp, mua bán lại, túi Chanel có xu hướng giảm giá trong thời gian trở lại đây vì nguồn cung dồi dào. Các đơn vị bán lại thường đổ xô đến các cửa hàng Chanel khi có tin đồn về việc tăng giá.
Họ có thể đợi từ 3 đến 4 giờ và cố gắng mua các sản phẩm đắt khách. Điều này khiến nguồn cung đồ Chanel ở thị trường bán lại tăng mạnh. Năm ngoái, Chanel thậm chí phải áp dụng quy tắc giới hạn một người chỉ được mua một món hàng cho mỗi lần tới cửa hàng.
Một chuyên gia làm việc tại một công ty đồ xa xỉ địa phương nhận định việc Chanel tăng giá đột ngột vì muốn sản phẩm của mình khan hiếm hơn trên thị trường bán lại. "Sau khi công ty Pháp này nhận ra giá của các sản phẩm đang giảm ở thị trường bán lại địa phương, Chanel quyết định tăng giá và hạn chế nguồn cung", người này nói.
Hồi trung tuần tháng 2, trang Korea Times nói rằng Chanel Hàn Quốc đang bán giá cao nhất Châu Á. Theo trang thông tin địa phương này, không có tiêu chuẩn nào cho cách mà Chanel áp dụng giá cho mỗi sản phẩm tại mỗi thị trường. Trong khi đó, Chanel Hàn Quốc nói rằng các hành động của nó là làm theo chính sách giá của trụ sở chính.
Khách hàng Hàn Quốc cũng bực bội với cách các cửa hàng Chanel đối xử với họ. Khi một mặt hàng hết hàng, các nhân viên từ chối chia sẻ thông tin khi nào có hàng trở lại. Chanel cũng có chính sách không chia sẻ các thông tin liên quan qua điện thoại, vì thế, khách hàng phải tới cửa hàng khi cần.
Đó là chưa kể đến việc Chanel Hàn Quốc còn yêu cầu khách hàng đợi trong nhiều giờ trước khi có thể vào cửa hàng vì nó hạn chế số lượng người mua sắm cùng lúc bên trong cửa hàng, Korea Times nói thêm.