|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

550 tỷ USD vốn hóa cổ phiếu Trung Quốc bị thổi bay giữa lo ngại về tăng trưởng

16:15 | 27/04/2023
Chia sẻ
Giới chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo mạnh trong khoảng chục ngày qua là do các nhà đầu tư nghi ngờ về sức mạnh của cuộc phục hồi kinh tế tại đây.

 

Nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc. (Ảnh: EPA-EFE). 

Hy vọng bị dập tắt

Chứng khoán Trung Quốc đã bị bán tháo dữ dội từ sau khi Cục Thống kê Quốc gia công bố số liệu tăng trưởng kinh tế quý I mạnh mẽ. Theo tờ Financial Times, đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư lo sợ nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ không duy trì được đà phục hồi.

Tổng cộng, các cổ phiếu trên hai sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã mất gần 3.600 tỷ nhân dân tệ (khoảng 519 tỷ USD) vốn hóa thị trường kể từ ngày 18/4, khi Trung Quốc báo cáo GDP quý I tăng 4,5% so với một năm trước.

Giá trị thị trường của cổ phiếu thuộc chỉ số Nasdaq Golden Dragon - bao gồm các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc niêm yết tại New York - cũng giảm hơn 31 tỷ USD.

Cuộc bán tháo phản ánh triển vọng kinh tế khó đoán của Trung Quốc và nỗi sợ rằng cuộc phục hồi tăng trưởng hậu COVID-19 có thể sa sút trong những tháng tới, bất chấp tăng trưởng quý I cao hơn hầu hết các dự báo. 

Các nhà phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ có lẽ đã góp phần thúc đẩy cuộc bán tháo, bởi nó ngụ ý rằng chính phủ sẽ không cần tung ra nhiều biện pháp kích thích như kỳ vọng của các nhà đầu tư nội địa.

Ông Tommy Xie, nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng OCBC, cho biết tâm lý trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tiếp tục xấu đi sau khi ngân hàng trung ương nước này vào tuần trước không phát đi tín hiệu nào về việc tung ra các biện pháp kích thích.

Ông Zou Lan, trưởng bộ phận chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoc), phát biểu trong buổi họp hôm 21/4 rằng cơ quan này sẽ duy trì nguồn cung tín dụng “ổn định ở ngưỡng hợp lý”.

Những bình luận tương đối thận trọng đó đã gây thất vọng cho nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ - lực lượng thường chi phối xu hướng thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ông Xie giải thích: “Thị trường đã phản ánh vào giá một đợt cắt giảm lãi suất, nhưng hy vọng đó đã bị dập tắt sau cuộc họp của PBoC tuần trước”.

 

Niềm tin yếu kém

Theo ông Thomas Gatley, nhà phân tích tại công ty tư vấn Gavekal Dragonomics, các dữ liệu gần đây như tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ cho thấy cổ phiếu Trung Quốc đang có cơ hội tăng giá. Do đó, việc thị trường vẫn giảm mạnh có thể phản ánh rằng nhà đầu tư không tin tưởng vào sự hỗ trợ chính sách của Bắc Kinh trong thời gian tới.

Trong nhiều cuộc thảo luận trên mạng xã hội Trung Quốc hiện nay có ý kiến rằng các nhà hoạch định chính sách “đã mạnh tay thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua, do đó từ nay hỗ trợ sẽ chậm lại”.

Ông Gatley nói thêm: “Những người tham gia thị trường có lẽ đang cảm thấy rằng các nhà hoạch định chính sách không chú trọng tới tăng trưởng nhiều như họ từng nghĩ”. Ông lấy dẫn chứng từ việc Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt chiến dịch thắt chặt kiểm soát lên ngành công nghệ và bất động sản.

Khối ngoại cũng đang bán mạnh chứng khoán Trung Quốc. Tính toán dựa trên dữ liệu các sàn giao dịch cho thấy nhà đầu tư quốc tế đã bán hơn 12,6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2 tỷ USD) cổ phiếu niêm yết trên sàn Thâm Quyết và Thượng Hải kể từ khi dữ liệu GDP được công bố.

Ông Kinger Lau, trưởng bộ phận cổ phiếu Trung Quốc tại Goldman Sachs, thừa nhận việc các nhà đầu tư toàn cầu bán tháo cổ phiếu Trung Quốc sau số liệu tăng trưởng kinh tế mạnh hơn dự kiến “là điều bất bình thường”. 

Theo ông Lau, một phần nguyên nhân có lẽ là các nhà đầu tư đang chốt lời. Tin đồn Nhà Trắng có thể sẽ thông báo tăng cường hạn chế các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào tháng sau cũng tác động đến tâm lý đầu tư.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng “vấn đề lớn nhất là niềm tin của các doanh nhân và doanh nghiệp khu vực tư nhân vẫn còn khá thấp”.

Giang