5 yếu tố sống còn với doanh nghiệp hiện nay
Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ đã nêu trách nhiệm đối với các bộ, ngành, địa phương một cách rõ ràng, cụ thể hơn nhiều so với các năm trước đây. Đồng thời xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm gắn với 41 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, 114 chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh toàn cầu, 85 chỉ tiêu về đổi mới sáng tạo và 10 chỉ tiêu về chính phủ điện tử.
Hội nhập quốc tế sâu rộng đang tạo ra những cơ hội thuận lợi chưa từng có cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hội nhập cũng đặt DN trong nước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt và ở nhiều khía cạnh là chưa cân sức. Chưa cân sức về vốn, quy mô, nguồn nhân lực cao, về công nghệ tiên tiến, về quản trị DN hiện đại… Chưa cân sức giữa những DN khổng lồ quốc tế đã có thâm niên vài chục, thậm chí vài trăm năm và DN Việt Nam đa số còn nhỏ và vừa và đa phần mới thành lập từ 2007 tới nay...
Về những yếu tố làm giảm năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam hiện nay, trước hết phải kể tới việc lãi suất cho DN vay cao so với khu vực và thế giới. Thống kê cho thấy năm 2016, phần lớn DN nhỏ và vừa Việt Nam vay ngân hàng xoay quanh lãi suất 9%/năm. Trong khi đó, DN Đài Loan (Trung Quốc) vay với lãi suất 2%/năm, lãi suất của DN Nhật Bản xoay quanh 1%/năm…
Điều quan trọng nhất hiện nay là cần phải đưa lãi suất cho DN Việt Nam vay trở về mức ngang bằng với khu vực và thế giới. Để làm được điều này, hệ thống ngân hàng sẽ phải xem lại và trả lời hàng loạt câu hỏi, như: Vì sao ngân hàng các nước trong khu vực phát triển tốt với lãi suất cho DN vay thấp? Nhờ nguồn thu từ đâu? Liệu có phải từ dịch vụ, từ đổi mới khoa học công nghệ ngân hàng?…
Để có thể giảm được lãi suất cho vay, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam cần điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao…, giảm bớt tín dụng cho khu vực DN Nhà nước.
Muốn điều chỉnh cơ cấu tín dụng, ngân hàng phải thay đổi căn bản cách thức cho vay. Tiến hành cho vay chủ yếu theo quản lý dòng tiền, hình thức thế chấp chỉ xem là phụ.
Nguyên nhân thứ hai, công nghệ lạc hậu khiến khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam kém. Lạc hậu về công nghệ nên chi phí sản xuất của DN luôn cao hơn chi phí trung bình của thế giới từ 20-30%, trong khi chất lượng chưa tương xứng.
Do đó, các cơ quan Nhà nước có thể hỗ trợ tư vấn về thiết bị, công nghệ mới hiện đại, cung cấp thông tin công nghệ, thị trường cho các DN Việt Nam. Quan trọng hơn, tạo lập và phát triển thị trường công nghệ, có chính sách cho vay ưu đãi để đổi mới máy móc, thiết bị…
Nguyên nhân thứ ba, đội ngũ chủ chốt quản trị DN Việt Nam còn yếu. Trong khi các DN khu vực và quốc tế thực hiện quản trị DN hiện đại, áp dụng chuẩn mực theo thông lệ quốc tế thì các DN Việt Nam còn nặng quản lý theo gia đình. Quản trị công ty chưa công khai minh bạch thông tin, chưa theo chuẩn mực quản trị DN hiện đại. Có thể thấy điều này qua việc số DN Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán còn quá ít, chưa đến 1% DN đang hoạt động.
Trong khi đó, hiện tượng chảy máu chất xám đang có xu hướng tăng khi đội ngũ CEO, nguồn nhân lực chất lượng cao chạy sang làm thuê cho các công ty nước ngoài.
Tình trạng này lại gây ra hệ quả là chi phí nhân công chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay đang rất đắt, làm giảm sức cạnh tranh của DN. Theo đánh giá của WB, Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm - xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng; trong khi Hàn Quốc là 6,91, Ấn Độ là 5,76, Malaysia là 5,59, Thái Lan là 4,94.
Thực tế cho thấy, tỉ lệ sinh viên phải đào tạo lại sau khi ra trường rất lớn. Trong khi đó số lượng DN Việt Nam mỗi năm tăng lên rất nhiều, riêng năm 2016 có thêm 100.000 DN mới đăng ký thành lập, đòi hỏi nhu cầu đội ngũ nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng. Do đó, cần một kế hoạch để xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ quản trị DN, phục vụ cho 1 triệu DN có thể hoạt động kinh doanh hiệu quả đến năm 2020.
Nguyên nhân thứ tư: Yếu tố thị trường. DN muốn bán được hàng thì cần có những sản phẩm và dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thị trường; trong đó yếu tố xanh sạch, vì sức khỏe người tiêu dùng... là hết sức quan trọng.
Nguyên nhân cuối cùng, chính sách kinh tế của Nhà nước trong nhiều trường hợp không được báo trước, nhiều thủ tục hành chính còn gây khó khăn cho DN, dù trong 5 năm trở lại đây, chất lượng của các quy định pháp luật đã có cải thiện đáng kể.
Các DN cần một hệ thống chính sách thuận lợi và ổn định dài hạn. Cùng với đó, các thủ tục hành chính phải gọn, nhẹ, đơn giản nhất cho DN, như quy trình cấp phép cho một dự án đầu tư xây dựng chỉ cần khoảng 6-9 tháng, thay vì khoảng 3 năm như hiện nay. Ở các nước, DN thường chỉ phải chờ tối đa 6 tháng là đã có giấy phép xây dựng hoàn chỉnh.
Giải quyết được những vấn đề trên có thể là điều kiện tiên quyết để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm, DN và cả nền kinh tế.