5 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới mất hơn 400 tỉ USD vốn hóa trong một ngày do nỗi sợ COVID-19
Giá cổ phiếu Apple giảm 9,88%, còn giá cổ phiếu Facebook, Alphabet, Amazon và Microsoft lần lượt giảm 9,3%, 8,2%, 7,98% và 9,48% do giới đầu tư lo ngại về sự lan rộng của SARS-CoV-2 và tác động tiềm tàng của nó đối với nền kinh tế.
Mức giảm hôm 12/3 còn lớn hơn mức giảm hôm trước đó, khi 5 "đại gia" công nghệ lớn nhất thế giới mất tổng cộng 320 tỉ USD vốn hóa trước khi phục hồi một phần vào cuối phiên giao dịch.
Mỗi lo ngại lớn nhất của giới đầu tư dường như là nguy cơ người tiêu dùng và giới doanh nghiệp sẽ giảm chi tiêu nếu nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái. Họ cũng lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng đối với hoạt động sản xuất. Chẳng hạn, hồi tháng 2, Apple cảnh báo doanh thu quí 2 của họ có thể không đạt mục tiêu.
So với hồi đầu năm, giá cổ phiếu của "ngũ đại gia" đều giảm mạnh - với mức giảm của Facebook, Google, Apple, Microsoft, Amazon lần lượt là 24,7%, 17%, 15,5%, 11,8% và 9,3%.
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã trở thành một trong các mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu.
Lần đầu xuất hiện tại thành phố Vũ Hán (thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) hồi tháng 12 năm ngoái, dịch COVID-19 hiện nay đã lan ra ít nhất 110 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu, khiến hơn 125.000 người nhiễm bệnh và hơn 4.600 người tử vong.
Trung Quốc đại lục là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 80.000 ca dương tính và hơn 3.000 trường hợp tử vong. Để ngăn chặn sự bùng phát của dịch, giới chức Trung Quốc đã phong tỏa nhiều thành phố, hạn chế hàng triệu người dân di chuyển và đình chỉ hoạt động của nhiều doanh nghiệp.
CNBC nhận định các động thái cứng rắn của Bắc Kinh sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc và kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống.
Đáng buồn hơn, dịch COVID-19 đang lan rộng ra khắp thế giới, với các ổ dịch mới như Italy, Iran và Hàn Quốc đều báo cáo hơn 7.000 ca nhiễm. Một số quốc gia châu Âu khác như Pháp, Đức và Tây Ban Nha cũng chứng kiến số ca bệnh tăng vượt ngưỡng 1.000 ca.
"Dưới góc độ kinh tế, vấn đề chính không chỉ là số ca nhiễm COVID-19 mà còn liên quan đến mức độ gián đoạn do các biện pháp ngăn ngừa dịch gây ra cho các nền kinh tế", ông Ben May - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại Oxford Economics, bình luận.
Ông bình luận thêm rằng biện pháp phong tỏa diện rộng như từng được áp dụng tại Trung Quốc cũng đang được dùng ở một số điểm nóng về dịch COVID-19 khác. Vị chuyên gia còn nhận định rằng nếu áp dụng sai cách, các biện pháp ấy có thể gây ra hoảng loạn và làm nền kinh tế toàn cầu suy yếu hơn.
Lo ngại về tác động của dịch đối với nền kinh tế thế giới đã làm rung chuyển thị trường tài chính, khiến giá cổ phiếu và lợi suất trái phiếu chính phủ lao dốc.