5 nền kinh tế mới nổi BRICS có thể hưởng lợi từ căng thẳng thương mại toàn cầu
Triển vọng nhu cầu dầu 'u ám' vì khủng hoảng tiền tệ tại các nền kinh tế mới nổi | |
Sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi |
Nhóm 5 nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới - BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, bắt đầu cuộc họp thường niên từ ngày 25/7 tại thành phố Johannesburg, Nam Phi. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại dự kiến sẽ là vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất đánh thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU).
5 nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới này đều có chung lợi ích trong việc xây dựng một thế giới đa phương, trong đó nhiều nước giữ vai trò lãnh đạo, vì thế họ sẽ tìm cách “tận dụng” các căng thẳng để “nâng cao vị thế của BRICS”, ông Duncan Innes-Ker – Giám đốc khu vực châu Á tại hãng nghiên cứu The Economist Intelligence Unit (Anh), cho biết.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS đang diễn ra tại Nam Phi. Nguồn: Siphiwe Sibeko/Reuters. |
Từ lâu BRICS đã muốn “lật đổ” sự thống trị của phương Tây trong các thể chế quốc tế, nhưng sự thiếu đồng thuận khiến 5 thành viên không thể đi đến một giải pháp thay thế. Hiện tại, khi thuế quan mà Mỹ áp lên nhôm, thép nhập khẩu dự kiến sẽ gây thiệt hại cho các thành viên BRICS - Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đã đáp trả bằng thuế quan trả đũa – BRICS lại có động lực mới để đoàn kết với nhau.
Đây là tín hiệu tích cực đối với Trung Quốc, quốc gia hiện đang nỗ lực xây dựng hình ảnh là một nhà vô địch về thương mại tự do và từng tuyên bố nước này bị “buộc” phải chống trả các biện pháp của chính quyền Tổng thống Donald Trump bằng thuế quan trả đũa.
“Khi hội nghị bộ trưởng tài chính các quốc gia G20 đầu tuần qua không thể ‘tháo ngòi’ mối đe dọa từ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đối với nền thương mại thế giới, hội nghị thượng đỉnh của BRICS có khả năng trở thành một diễn đàn quan trọng để kêu gọi sự ủng hộ của toàn thế giới đối với tự do thương mại đa phương”, ông Rajiv Biswas – chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của HIS Markit, cho biết.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump từng cho biết Mỹ không chủ trương đi theo chủ nghĩa bảo hộ, nhưng sẽ tìm cách lấy lại công bằng cho sân chơi thương mại vốn đã bị xói mòn bởi những cách thực hành thương mại không công bằng. Tuy nhiên, những quốc gia bị thuế quan của Tổng thống Trump trừng phạt lại tìm cách “vẽ” ra một nước Mỹ không còn quan tâm đến thương mại tự do, gạt bỏ vai trò lãnh đạo truyền thống của Mỹ trên trường quốc tế.
Các nước BRICS có thể lấp đầy khoảng trống đó bằng cách đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do quy mô lớn với nhiều nước, ông Biswas nói thêm.
Bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều biến động cũng có thể làm lợi cho các thị trường mới nổi theo những cách rất rõ ràng.
“Trung Quốc có thể tìm đến Ấn Độ, Brazil, Nga… để mua những sản phẩm mà nước này trước nay nhập khẩu từ Mỹ, như đậu nành, lúa mì và thịt. Điều này tạo ra các cơ hội mới cho BRICS, ít nhất là tạm thời”, giáo sư Alex Capri của Đại học Quốc gia Singapore cho biết.
Ông lưu ý, doanh nghiệp Mỹ cũng có thể tìm cách chuyển hoạt động đến các thị trường mới nổi hiện nằm trong các khối thương mại hiện hữu để tránh thuế quan.
Dù nhiều người kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh trong ba ngày của BRICS có thể thúc đẩy thương mại tự do, các chia rẽ về mặt chính sách giữa 5 quốc gia thành viên có thể là vật cản đường.
“Thách thức đối với BRICS từ trước đến nay luôn là, thực chất điều gì gắn kết họ với nhau hơn là cái tên viết tắt hay ho của khối”, bà Deborah Elms – Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Châu Á, cho biết.
Xem thêm |