|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhóm các nước BRICS tăng cường đoàn kết đối mặt thách thức

20:01 | 04/09/2016
Chia sẻ
Trước tình hình mới, các nhà lãnh đạo BRICS cho rằng BRICS cần nắm rõ xu thế quốc tế, tăng cường đoàn kết, hợp tác và phối hợp giải quyết thách thức, làm sâu sắc lòng tin lẫn nhau.

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ngày 4/9, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã họp hội nghị không chính thức tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Nam Trung Quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, phát biểu tại hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS cho rằng hiện nay kinh tế thế giới đang ở thời kỳ chuyển đổi nội lực từ cũ sang mới, sự phục hồi chậm, môi trường quốc tế thay đổi không xác định.

Trước tình hình mới, Nhóm BRICS cần nắm rõ xu thế quốc tế, tăng cường đoàn kết, hợp tác và phối hợp giải quyết thách thức, làm sâu sắc lòng tin lẫn nhau.

Về phần mình, Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình đưa ra kiến nghị với 4 nội dung nhằm tăng cường hợp tác BRICS, đó là sáng tạo phương thức tăng trưởng, trong đó thực hiện hiệu quả “Chiến lược đối tác kinh tế BRICS” đã thông qua tại Hội nghị Ufa năm 2015, tạo cục diện mới cho hợp tác thương mại và đầu tư, lưu thông tiền tệ và tài chính, kết nối hạ tầng cơ sở; chung sức quản trị nền kinh tế toàn cầu; duy trì trật tự quốc tế công bằng, hợp lý, tạo dựng môi trường phát triển hòa bình ổn định, tăng cường hợp tác chống khủng bố, an ninh năng lượng, an ninh mạng..; và thúc đẩy phát triển hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo BRICS còn đi sâu trao đổi các vấn đề kinh tế, an ninh và quản trị kinh tế thế giới mà các bên cùng quan tâm.

Được tổ chức trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20, cuộc gặp không chính thức giữa các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS là cơ hội để các nước thành viên đưa ra các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khối nói riêng và thế giới nói chung.

Mặc dù đóng góp của BRICS vào nền kinh tế thế giới đã tăng lên 50% trong 10 năm qua, song các vấn đề mà thành viên khối này phải đối diện ngày càng rõ nét và phức tạp. Cuộc gặp lần này còn là bước đệm cho Hội nghị Thượng đỉnh BRICS sẽ diễn ra ở Goa, Ấn Độ, vào tháng 10 tới.

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).