|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

5 năm theo đuổi, 5 lần thất bại, nữ kĩ sư mất hơn 800 triệu đồng vì giấc mơ đông trùng hạ thảo

11:26 | 18/08/2020
Chia sẻ
Trước khi tìm ra bí quyết sản xuất đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo, một nữ kĩ sư công nghệ sinh học ở Hà Nội đã thất bại tới 5 lần, mất hơn 800 trăm triệu đồng và phải bán đất để trả nợ.

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học của Đại học Khoa học Tự nhiên, chị Nguyễn Thị Hồng – một người ở xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội - khởi sự kinh doanh với các loại nấm thông thường như nấm sò, nấm rơm. So với các đối thủ trên thị trường, Công ty Dược thảo Thiên Phúc của chị không có lợi thế cạnh tranh lớn.

Cơ duyên với đông trùng hạ thảo

Cho rằng bản thân phải phát huy lợi thế của một người có chuyên môn bài bản về công nghệ sinh học, chị Hồng tập trung tìm hiểu các loại nấm dược liệu. Một lần, chị tìm kiến thức bằng tiếng Anh về nấm linh chi, song lại thấy rất nhiều nội dung về đông trùng hạ thảo. 

Nhận thấy đây là một loại dược liệu quí hiếm, chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe con người, trong khi sản phẩm lại chưa phổ biến ở Việt Nam, nữ kĩ sư quyết định nghiên cứu sâu về nó.

5 năm theo đuổi, 5 lần thất bại, nữ kĩ sư mất hơn 800 triệu đồng vì giấc mơ đông trùng hạ thảo - Ảnh 1.

Kĩ sư công nghệ sinh học Nguyễn Thị Hồng, giám đốc Công ty Dược thảo Thiên Phúc. Ảnh: VTC

Vô số nghiên cứu y học khẳng định đông trùng hạ thảo có giá trị dinh dưỡng cao, tăng cường sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh hen phế quản, viêm phế quản mãn tính, ho lao, mỏi đầu gối, di tinh, yếu sinh lí, viêm tiền liệt tuyến, tiểu đường.

Phần lớn đông trùng hạ thảo ở Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc. Giá của chúng rất đắt, song nguồn gốc và chất lượng lại không rõ ràng. Qui trình, điều kiện để sản xuất đông trùng hạ thảo khá phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư kĩ lưỡng về công nghệ.

Khi Nguyễn Thị Hồng đọc tài liệu tiếng Anh về đông trùng hạ thảo, giá thị trường của đông trùng hạ thảo Tây Tạng ở Việt Nam vào khoảng 800 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, người mua không thể biết chắc sản phẩm họ mua là hàng thật hay không, và nguy cơ mua phải hàng mà người ta đã chiết xuất, hoặc hàng nhái, hàng giả rất cao.

Trước thực trạng ấy, Nguyễn Thị Hồng nảy ra ý tưởng sản xuất đông trùng hạ thảo nhân tạo với hàm lượng dược chất bằng 60-70% so với đông trùng hạ thảo Tây Tạng để bán với giá chỉ bằng 1/10 cho người Việt.

Với kiến thức trong trường cùng thông tin trên Internet, sách, chị Hồng quyết định sang Trung Quốc và Thái Lan vào năm 2009 để tiếp tục học kinh nghiệm từ những mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo.

Thất bại nối tiếp thất bại

Ở Trung Quốc, nữ kĩ sư mua một lọ giống với giá 5 triệu đồng để trồng thử. Từ lọ giống ấy, Hồng tự mày mò nghiên cứu các chất giống hệt những chất trên cơ thể nhộng tằm mà đông trùng hạ thảo thường kí sinh ngoài môi trường tự nhiên. Chị chiết xuất những chất ấy từ nước dừa, bột gạo lứt, khoai tây, giá đỗ và một số nông sản khác.

Từ năm 2009 tới tận tháng 10/2011, Hồng và các cộng sự mới trồng thành công quả thể đông trùng hạ thảo. Khi trồng đại trà ở qui mô nhỏ (200 lọ trên một nồi khử trùng), họ gặt hái thành công. Song khi nhân rộng qui mô lên 3.000 lọ, phần lớn phôi nấm mà họ tiêm vào nhộng tằm đã chết.

"Cứ mỗi lần thất bại, chúng tôi sang Trung Quốc, Thái Lan để hỏi, song họ không thể trả lời vì họ vẫn gặp thất bại như vậy", Hồng kể.

Không nản, Hồng lại sang Trung Quốc, mua 10 lọ giống đông trùng hạ thảo rồi tạo ra hàng nghìn lọ phôi nấm. Song thất bại vẫn tái diễn và phôi nấm chết hàng loạt, khiến chị thiệt hại 300 triệu đồng.

Một lần nữa, Hồng lại sang Trung Quốc để mua giống. Lần ấy, chị thử nghiệm với 1 vạn lọ phôi nấm để rồi tiếp tục hứng chịu thất bại, tổn thất tới 500 triệu đồng.

5 năm theo đuổi, 5 lần thất bại, nữ kĩ sư mất hơn 800 triệu đồng vì giấc mơ đông trùng hạ thảo - Ảnh 2.

Đông trùng hạ thảo nuôi trồng trên nhộng tằm. Ảnh: VTV

Hai lần thất bại lớn khiến Hồng phải bán mảnh đất mà chị và chồng mua gần mặt đường để trả bớt nợ. Sau đó, chị may mắn hơn vì nhiều nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã hỗ trợ chị hoàn thiện qui trình sản xuất quả thể đông trùng hạ thảo qui mô công nghiệp.

Đầu năm 2012, Hồng sản xuất đại trà nấm đông trùng hạ thảo. Bất ngờ thay, khoảng 5.000 lọ mẫu nuôi cấy đều chỉ nhú lên một chút rồi chết. Lúc ấy, mọi người đều cảm thấy nản.

"Mọi người khuyên tôi dừng lại, bảo rằng quay đầu là bờ. Họ nói chẳng người nào ở Việt Nam sản xuất đông trùng hạ thảo nên chúng tôi cũng không nên tiếp tục", chị kể.

Vẫn không đầu hàng, Hồng tìm hiểu nguyên nhân khiến nấm chết. Sau nhiều lần thử nghiệm lại, chị phát hiện nguyên nhân là giống đã thoái hóa nên chỉ cần thời gian chênh lệch 1-2 ngày, phôi nấm sẽ chết.

Phát hiện nguyên nhân, Hồng tìm ra ngay cách khắc phục. Sau khi thử nghiệm vài mẻ nữa, phôi nấm đã sống. Chị đem chúng vào phòng sấy đông khô,. Tại đây, chị và các cộng sự lại gặp một sự cố khác. Sản phẩm hỏng hàng loạt vì qui trình sấy đông khô chưa phù hợp. Cả nhóm lại phải tiếp tục dành thời gian và công sức để tìm ra cách bảo quản hàng vạn quả thể đông trùng hạ thảo khi sấy đông khô qui mô công nghiệp.

Kĩ sư Nguyễn Thị Hồng hướng dẫn kỹ thuật nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo. Video: VTC16

"Những thất bại ấy dạy cho chúng tôi bí quyết trong qui trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo", chị Hồng thổ lộ.

Năm 2014, Hồng vào Đà Lạt để xây dựng trung tâm sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, đánh dấu một bước chuyển biến mới trong hành trình chinh phục công nghệ sản xuất đông trùng hạ thảo của nữ kĩ sư công nghệ sinh học.

Hiện nay, Công ty Dược thảo Thiên Phúc có hai trung tâm sản xuất đông trùng hạ thảo - ở Đà Lạt và Hà Nội. Ngoài cung cấp đông trùng hạ thảo cho thị trường nội địa, công ty còn xuất khẩu sản phẩm sang nhiều quốc gia.

Nhạc Phong