|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

5 lời khuyên tài chính cho du học sinh

11:48 | 19/07/2019
Chia sẻ
Không chỉ với sinh viên du học mà thực tế là bất kì sinh viên nào cũng phải học cách quản lí tiền bạc của bản thân dù sống và học tập ở đâu. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng chắc chắn phải đối mặt.

Sinh viên trong nước có thể về nhà, về quê vào mỗi cuối tuần nhưng một khi đi du học nơi xứ người, bạn phải thay thế những ngày cuối tuần đẹp trời như vậy bằng việc đi mua thêm thực phẩm ở siêu thị, mở rộng các quan hệ xã hội và những sinh hoạt khác. 

Các bạn du học sinh chắc chắn sẽ có thể tự cân bằng và có thêm nhiều trải nghiệm hữu ích nếu tham khảo một vài lời khuyên về tài chính từ trang transferwise.com.

Lựa chọn ngân hàng

Sẽ không có gì đáng nói nếu như bạn ở Châu Âu và sang du học ở một nước Châu Âu vì khi đó bạn không phải lo lắng gì về tiền bạc trong Khu vực dùng đồng Euro. 

Tuy nhiên, sinh viên Việt Nam ra thế giới cần phải liên tục lấy tỷ giá hối đoái phù hợp và kiểm tra xem liệu mình có bị mua đắt bán rẻ hay không. 

Bạn cần chuẩn bị trước một khoản tiền tương đối và mở một tài khoản ngân hàng địa phương để tiện giao dịch. Ngoài ra, hãy cân bằng ngân sách thường xuyên để hạn chế sử dụng thẻ tín dụng Việt Nam vì bạn sẽ phải chịu nhiều khoản phí như phí chuyển đổi tiền tệ, lãi tín dụng khá đáng kể.

Các bạn sinh viên chuẩn bị đi du học được khuyên nên nghiên cứu kĩ điều này vì tránh được phí ngân hàng cho các giao dịch quốc tế sẽ có lợi đáng kể cho số dư tài khoản của bạn.

Tiết kiệm trước khi đi là bắt buộc

Có rất nhiều khoản chi lớn khi bắt đầu một chương trình du học, bao gồm các khoản đóng góp ghi danh vào trường, làm thẻ, lệ phí hồ sơ cho học kì đầu, các chi phí về chỗ ở. 

Tất cả con số này nên được dự trù thành một số tiền trong tài khoản ngân hàng trước khi vào năm học để có thể chủ động trong mọi việc.

Ngân sách chi tiêu bổ sung thời gian đầu

Một loại chi phí thường bị bỏ qua khi bắt đầu học kì mới là cần tiêu bao nhiêu tiền khi xây dựng các mối quan hệ xã hội. Kết bạn và được mời một vài món tại nhà bạn bè có thể giúp bạn tiết kiệm tiền nhưng đôi khi chính bạn cần phải làm điều đó trước. 

Ngân sách cho vài quán nhậu, cafe gặp gỡ, đi ăn trưa sẽ nhanh chóng "ăn sâu" vào tài khoản ngân hàng của bạn, khiến bạn đi lệch với kế hoạch ban đầu của mình. Do đó, cần có thêm một ngân sách chi tiêu bổ sung trong giai đoạn đầu tiếp cận môi trường sống mới, bạn bè mới.

Tiết kiệm trong các mối quan hệ xã hội

Ở nước ngoài, các dịch vụ giải trí được xem là khá đắt đỏ đối với đa số du học sinh. Do đó,  khoảng thời gian trước chuỗi ngày nghỉ giáng sinh và năm mới là rất đáng để cân nhắc việc tiết kiệm.

Hoặc bạn có thể ra ngoài và mời bạn bè uống trà còn mọi người tự mang theo đồ ăn nhẹ. Như thế bạn sẽ không phải bỏ quá nhiều tiền vào các quán rượu và câu lạc bộ tốn kém đặc biệt cao điểm và đắt đỏ vào buổi tối.

Tận dụng tối đa cơ hội du lịch

Khi ở nước ngoài, ai cũng kì vọng mình sẽ có một mạng lưới những mối quan hệ xã hội rộng rãi, những hội bạn thân để cùng nhau có những khám phá hay những chuyến du lịch tuyệt vời. 

Đi du lịch trong thời gian ở nước ngoài sẽ là một trong những điều phải làm với rất nhiều bạn, ngay cả khi điều đó có nghĩa là bạn phải trang trải nhiều hơn.

Để tận dụng tối đa các cơ hội trải nghiệm khi đi học, hãy tham khảo kinh nghiệm từ những người đi trước mà bạn quen trong trường, kí túc xá hoặc hội sinh viên. Mạnh dạn hỏi càng nhiều càng tốt vì bạn có thể sẽ được bán hoặc tặng lại vé tàu xe hay voucher tham quan dư từ họ.

Chi phí cho một chuyến đi lớn có thể được tiết kiệm từ những việc nhỏ như tận dụng phương tiện công cộng để di chuyển hoặc sử dụng thực phẩm trong siêu thị thay vì ăn ngoài từng bữa.

Sinh viên nào cũng thường chán nản và sợ hãi mỗi khi kiểm tra tài khoản ngân hàng của mình. Lời khuyên sẽ là hãy cố gắng tiết kiệm bằng mọi cách có thể, tuân thủ sinh hoạt và chi tiêu có ngân sách, đặc biệt là đối với du học sinh.

Ngọc Huyền