|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

5 sai lầm về tiền sinh viên mới tốt nghiệp thường mắc phải

12:15 | 12/07/2019
Chia sẻ
Hầu hết các trường đại học không đào tạo sinh viên làm thế nào để tự quản lí tài chính. Nếu không biết cách phân bổ số tiền kiếm được thì kể cả mức lương "nghìn đô" cũng không có mấy tác dụng trong dài hạn.

Sinh viên ra trường sẽ bước vào thế giới "thực" nơi mà họ sẽ trưởng thành và tự hoàn thiện bản thân. Do đó, sẽ tốt hơn nếu các bạn trẻ lường trước được những sai lầm để tránh mắc phải ngay từ lúc đầu.

Chi quá nhiều tiền cho nhà ở

Theo Forbes, có một quy tắc phổ biến có thể đóng vai trò khởi đầu tuyệt vời đó là không nên dành quá 28% tiền lương cho nhà ở.

Vì nhiều công việc hấp dẫn nằm ở các thành phố lớn có chi phí sinh hoạt cao nên hầu hết các sinh viên tốt nghiệp đều chi tiêu hơn 28% thu nhập cho tiền thuê nhà.

Giải pháp đơn giản và phổ biến nhất là tìm bạn chung phòng để giảm thiểu chi phí. Nếu bạn thích sống một mình, bạn có thể tìm một địa điểm ngoại ô ít tốn kém hơn.

Một lựa chọn khác là bạn có thể chờ đợi để di dời đến một căn nhà tốt hơn cho đến khi bạn có chế độ lương thưởng cao. Sinh sống ở địa phương và ở cùng nhà với cha mẹ trong một vài năm đầu cũng là một lựa chọn có thể giúp bạn có một nền tảng tài chính vững chắc nếu được thực hiện đúng cách.

Không tính nợ vào ngân sách

Nếu bạn có bất kì khoản vay nào, bạn có thể phải chi tiêu ít hơn cho nhà ở. Các chuyên gia tài chính khuyên bạn nên giữ mức thanh toán cho nhà ở kết hợp với trả nợ dưới 36% tiền lương của mình.

Hầu hết  khoản vay của sinh viên đều có thời gian ân hạn, vì vậy nhiều sinh viên tốt nghiệp đã mắc sai lầm khi tìm một nơi để sống trước khi lên kế hoạch trả nợ và nhận thức được họ thực sự cần trả bao nhiêu mỗi tháng.

Đây là chi phí cố định và điều quan trọng là bạn phải tính chúng vào ngân sách để chi trả của bạn trước khi kí hợp đồng thuê nhà.

Không sớm tiết kiệm cho nghỉ hưu

Hãy cân nhắc ví dụ sau: 2 người tiết kiệm 100 USD/tháng cho nghỉ hưu, nhưng 1 người bắt đầu ở tuổi 25 còn người kia đợi đến khi họ 35 tuổi mới bắt đầu. 

Với tỉ lệ hoàn vốn trung bình là 7%/năm thì người bắt đầu ở tuổi 25 sẽ có số tiền nhiều hơn gấp đôi số tiền trong tài khoản của họ đến lúc nghỉ hưu ở tuổi 65. 

Ngoài ra, một sai lầm khác của sinh viên thường mắc phải là không tận dụng chế độ phúc lợi nơi họ làm việc. Tiền đóng góp hưu trí của bạn bây giờ sẽ giúp bạn có tiền "miễn phí" khi về già. Do đó, bạn được khuyến khích càng sớm tiết kiệm cho kế hoạch nghỉ hưu càng tốt.

Không tiết kiệm tiền ngay từ đầu

Forbes đã thống kê rằng 80% người lao động Mỹ làm đến đâu tiêu đến đấy, không mấy dư dả vì họ không thể thiết lập được một khoản tiết kiệm cho bản thân. Các bạn trẻ thường tự nhủ: "Từ mai mình sẽ tiết kiệm". Nhưng thực tế lại không mấy thực hiện được.

Tốt hơn là nên bắt đầu tiết kiệm ngay bây giờ, kể cả khi đó là một số tiền nhỏ để hình thành thói quen. Thiết lập chuyển khoản định kì tự động đến tài khoản tiết kiệm vào ngày nhận lương sẽ giúp bạn duy trì được thói quen tiết kiệm đúng hạn như một động thái đầu tiên cần làm.

Không theo dõi các giao dịch chuyển tiền

Bạn cần theo dõi quá trình thực hiện các giao dịch của mình để chắc chắn rằng tiền của bạn đang đến đúng nơi.

Con số tốt nhất cần được kiểm tra là giá trị ròng. Nó được tính bằng cách trừ đi các khoản nợ từ tài sản của bạn. Nếu giá trị ròng của bạn liên tục tăng theo thời gian thì đó là dấu hiệu của một điều kiện tài chính "khỏe mạnh".

Thực tế, hầu hết  sinh viên tốt nghiệp đều chú ý đến con số này, nhưng bạn nên tính toán nó ngay từ ngày đầu làm việc để có một bức tranh rõ ràng về tình hình tài chính của bạn sớm và có thể chắc chắn rằng nó đang tiếp tục được cải thiện theo thời gian.

Ngọc Huyền