|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

5 bài học tài chính quan trọng nhất cho độ tuổi 30

08:22 | 07/12/2021
Chia sẻ
Ở độ tuổi 30, bạn không còn quá trẻ nhưng cũng chưa thực sự chín chắn và có năng lực đưa ra những quyết định tài chính đúng đắn để sẵn sàng hơn cho tương lai sau này.

Theo Business Insider, cần rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn cũng như nghiêm khắc với bản thân để thực sự hiểu và có khả năng áp dụng các phương pháp quản lý tiền bạc một cách khôn ngoan nhằm độc lập tài chính. Đó là một quá trình không thể xảy ra trong một sớm một chiều và thực tế thì có nhiều người dành cả đời để học nhưng chưa bao giờ quản lý tài chính hiệu quả.

Có thể bạn cảm thấy mình vẫn rất trẻ trung và chưa có gì phải lo khi chạm ngưỡng 30 nhưng bạn chẳng còn bao nhiêu thời gian chuẩn bị cho tới khi nghỉ hưu. Khi bạn càng học cách lập và quản lý ngân sách từ sớm thì tài chính của bạn sẽ càng tốt về lâu dài, đồng thời bạn cũng sẽ chắc chắn hơn về tương lai của chính mình.

Những bài học tài chính quan trọng nhất bạn sẽ cần ở độ tuổi 30

1. Bám sát ngân sách

Hầu hết những người trong độ tuổi 20 tuổi đều không nghiêm túc với ý tưởng lập ngân sách, thậm chí nhiều bạn thừa nhận rằng bản thân chưa bao giờ dùng tới một ứng dụng theo dõi tài chính cá nhân. 

Một số người đã bắt đầu theo dõi ngân sách nhưng dễ dàng từ bỏ vì rất khó để bám vào ngân sách đó. Một khi bạn đã bước sang tuổi 30, chắc chắn đã đến lúc để bạn bắt đầu phân bổ số tiền bạn kiếm được và kiểm soát xem chúng được chi cho những khoản nào.

5 bài học tài chính quan trọng nhất cho độ tuổi 30 - Ảnh 1.

Quản lý ngân sách là bài học tài chính đầu tiên và quan trọng nhất. (Nguồn: Freepik).

Mục tiêu chung của việc lập ngân sách là biết tiền của bạn được dùng như thế nào để từ đó bạn có cơ sở để đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn. Hãy nhớ rằng khi kiếm được nhiều hơn, bạn dễ chi tiêu nhiều hơn và bạn luôn có quyền để mua sắm hay đi chơi nhưng hãy đảm bảo rằng số tiền bạn chi ra được quản lý theo kế hoạch ngân sách của bạn và không ảnh hưởng tới mục tiêu tiết kiệm.

2. Để lại 10% đến 20% số tiền bạn kiếm được cho tiết kiệm

Một lời khuyên khác mà bạn cần ghi nhớ khi ở độ tuổi 30 là hãy luôn dành ra 20% thu nhập vào tài khoản tiết kiệm của mình mỗi tháng, hoặc nếu có thu nhập thấp thì ít nhất hãy để dành khoảng 10%. 

Lời khuyên này được đại đa số các chuyên gia tư vấn tài chính ủng hộ vì nó giúp bạn yên tâm hơn do luôn có một khoản dự phòng để sẵn sàng cho những tình huống phát sinh. Ngay sau khi nhận lương hàng tháng, bạn hãy phân bổ theo chi phí cố định, chi phí biến đổi và tiết kiệm.

3. Hãy thực tế về các mục tiêu tài chính của bạn

Hãy ngồi xuống thật bình tĩnh và thực sự suy nghĩ về các mục tiêu tài chính của bạn. Hãy hình dung độ tuổi mà bạn muốn đạt được mục tiêu đó rồi viết chúng ra. Bạn cũng đừng quên tìm cách biến chúng thành hiện thực bằng cách lập một kế hoạch để quyết tâm, kiên định. 

Ví dụ, nếu bạn muốn đi nghỉ ở Ý, hãy ngừng mơ mộng và lên kế hoạch thực sự như là kỳ nghỉ sẽ tốn bao nhiêu và với số tiền đó bạn phải tiết kiệm bao nhiêu mỗi tháng.

4. Giải quyết các khoản nợ

Nhiều người khi bước sang độ tuổi 30 sẽ chẳng thấy các khoản nợ có gì to tát. Họ vướng vào các khoản vay cá nhân, thế chấp hoặc nợ thẻ tín dụng. Thực tế thì việc trả hết nợ sẽ giúp bạn bắt đầu một cách sống khác, thoải mái và thư thả hơn nên đừng sa vào nợ nần rồi ngập ngụa trong đó.

Có nhiều phương pháp để xóa nợ, nhưng phương pháp quả cầu tuyết là phổ biến để giữ cho mọi người có động lực. Liệt kê tất cả các khoản nợ của bạn từ nhỏ nhất đến lớn nhất, bất kể lãi suất của chúng là bao nhiêu. 

Sau đó, bạn có thể bắt đầu trả các khoản thanh toán tối thiểu bắt đầu từ khoản nợ nhỏ nhất. Các nhà hoạch định tài chính đã chứng minh rằng việc trả hết nợ sẽ có tác động đáng kể đến tài chính cá nhân của bạn, cho phép ngân sách của bạn dư dả hơn và gia tăng khoản để dành.

5. Bắt đầu một quỹ khẩn cấp

Nếu bạn không có quỹ khẩn cấp, nhiều khả năng bạn sẽ sử dụng tiền tiết kiệm hoặc buộc phải dựa vào thẻ tín dụng để thanh toán các chi phí ngoài kế hoạch. Tốt nhất, bạn hãy lập kế hoạch để có một số tiền bằng khoảng 3 – 6 tháng chi phí sinh hoạt. Nhờ vậy, dù bạn rơi vào khó khăn tài chính nào chăng nữa vẫn có thể dễ dàng xoay sở.

Thu Phương