|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

4 lý do giá dầu có thể tiến lên mốc 150 USD/thùng

16:15 | 09/06/2022
Chia sẻ
Lần cuối cùng thế giới chứng kiến giá dầu leo lên mức 150 USD/thùng là vào năm 2008. Không lâu sau đó, nhu cầu dầu sụp đổ giữa lúc thế giới quay cuồng trong cuộc khủng hoảng tài chính lịch sử.

Công nhân làm việc tại mỏ dầu Huabei ở ngoại ô Hà Giản, Trung Quốc, vào ngày 13/5/2016. (Ảnh: Getty Images). 

Thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng lịch sử. Giá xăng ở Mỹ đang dao động ở mức kỷ lục 5 USD/gallon. Giá năng lượng ở châu Âu vẫn ở mức cao ngất ngưởng. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thử mọi phương cách, từ giải phóng dầu trong kho dự trữ quốc gia đến nhờ vả Arab Saudi. Đến đầu tháng 6, Riyadh mềm lòng và quyết định tăng sản lượng trong tháng 7 và 8.

Song, các động thái trên chẳng giúp được gì mấy cho người tiêu dùng. Giá dầu vẫn chưa đi xuống. Ngược lại, nhiều khả năng dầu sẽ chạm ngưỡng 150 USD/thùng vào cuối tháng 9 – mức giá thế giới chưa từng chứng kiến kể từ năm 2008. Dưới đây là 4 lý do dẫn đến tình trạng này, theo tờ Foreign Policy. 

Lý do thứ nhất rất đơn giản: Bất chấp đà tăng giá, sức tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ dường như vẫn chưa suy giảm. Trên thực tế, tiêu thụ dầu tại Mỹ vẫn ổn định sau khi Nga tấn công Ukraine hồi cuối tháng 2.

Tuy niềm tin của người tiêu dùng đi xuống nhưng dân Mỹ vẫn mua hàng hóa với số lượng lớn. Tăng trưởng kinh tế và việc làm vẫn khá vững vàng, bất chấp các cảnh báo về “lạm phát đình trệ” và suy thoái.

Trong hai tháng 7 và 8, mức tiêu thụ nhiên liệu như xăng và dầu diesel ở Mỹ thường tăng mạnh, do nhiều người lên đường đi nghỉ hè.

Các nền kinh tế lớn khác cũng chứng kiến nhu cầu tăng vọt. Sau vài tháng phong tỏa các thành phố lớn như Thượng Hải, kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu hồi sinh. Nhìn chung, nhu cầu trong và ngoài nước Mỹ vẫn rất mạnh mẽ và rất có thể sẽ tăng lên trong vài tháng tới.

Lý do thứ hai phức tạp hơn và có liên quan tới cách thức dầu thô được chế biến thành các sản phẩm dầu. Dầu có nhiều loại, và mọi loại dầu thô đều phải đi qua các nhà máy lọc và trải qua quy trình biến đổi hóa học trước khi được bán cho người tiêu dùng.

Quá trình lọc dầu mất nhiều thời gian và công sức, và mỗi nhà máy chỉ được thiết kế để sản xuất một số loại sản phẩm nhất định theo sản lượng cụ thể. Việc thay đổi công suất của nhà máy lọc dầu rất tốn kém, cả về tiền bạc lẫn thời gian.

Trong đại dịch COVID-19, hàng loạt nhà máy lọc dầu tại Mỹ và châu Âu đã đóng cửa. Một phần nguyên nhân đến từ dịch bệnh, nhưng dẫu sao các công ty cũng đã cân nhắc giảm công suất lọc dầu từ cuối năm 2019 do biên lợi nhuận bị thu hẹp và sự bấp bênh của nhu cầu tương lai. Kết quả là sự bùng nổ tiêu thụ sản phẩm dầu hiện nay khiến cho nhu cầu vượt quá công suất chế biến, cả cho xăng lẫn dầu diesel.

Các nước và doanh nghiệp có thể sử dụng dầu trong kho lưu trữ - nhưng lượng tồn kho này đang cạn kiệt với tốc độ chóng mặt. Đây là lý do thứ ba giải thích vì sao giá dầu sẽ tiếp tục leo thang.

Những nhà đầu tư đặt cược vào giá dầu theo dõi lượng tồn kho rất kỹ càng. Tồn kho giảm mạnh cho thấy nhu cầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao dẫu tiêu dùng giảm xuống, vì doanh nghiệp và chính phủ cần mua vào để lấp đầy kho chứa trở lại.

Ví dụ, chính quyền ông Biden dự định tung ra 260 triệu thùng dầu từ kho dự trữ trong 12 tháng kể từ tháng 10/2021. Kho dự trữ sẽ được lấp đầy vào mùa thu năm nay, và khi đó giá dầu sẽ càng chịu áp lực tăng cao.

Lý do thứ 4 là nguồn cung. Trong hoàn cảnh thông thường, các nhà sản xuất sẽ phản ứng với nhu cầu cao bằng cách bơm thêm nhiều dầu hơn. Nhưng thế giới hiện nay chỉ còn rất ít công suất dự phòng.

Mỹ, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 720.000 thùng dầu/ngày trong năm 2022. Những hạn chế lớn như thiếu đường ống và lao động để khai thác giếng dầu mới khiến Mỹ khó có thể tăng sản lượng hơn nữa.

Công suất dự phòng của OPEC đã sụt xuống dưới 2 triệu thùng dầu/ngày. Gần đây, OPEC đã thông báo sẽ cung cấp thêm khoảng 650.000 thùng dầu vào tháng 7 và tháng 8. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng OPEC sẽ không thể hoàn thành lời hứa do nhiều nước thành viên còn gặp khó khăn trong việc đáp ứng hạn ngạch hiện tại.  

Quan trọng hơn cả là cú sốc nguồn cung gây ra bởi các đòn trừng phạt Nga của phương Tây, bao gồm lệnh cấm vận dầu Nga của Mỹ và EU. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính thế giới sẽ mất đi 2 triệu thùng dầu/ngày trong bối cảnh Nga cắt giảm sản lượng. Con số này lớn hơn nhiều sản lượng mới mà Mỹ và OPEC có thể bù đắp.

Vì 4 lý do trên, giá dầu vẫn sẽ tiếp tục đi lên. Dù con số chính xác là bao nhiêu vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Tờ Foreign Policy cho biết một ước tính hợp lý đặt mức trần trong khoảng 130-150 USD/thùng. Khi giá vượt quá giới hạn trên, nhu cầu sẽ đổ vỡ vì người tiêu dùng không còn khả năng chi trả. Lần cuối cùng hiện tượng này xảy ra là vào giữa năm 2008.

Giang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.