|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

4 điều sinh viên nên biết khi khởi nghiệp

23:52 | 15/03/2018
Chia sẻ
Từ ý tưởng ban đầu đến sản phẩm hữu hình hay một doanh nghiệp luôn là hành trình dài mà không phải startup nào cũng có thể vượt qua. Có rất nhiều điều bạn cần làm khi khởi nghiệp.

Nếu đang nuôi ước mơ khởi nghiệp, bạn hãy bắt đầu từ những bí quyết dưới đây.

Khởi nghiệp từ những điều đơn giản

Nói đến khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ nghĩ ngay đến những dự án “khủng” hay ý tưởng độc nhất vô nhị. Nhưng khởi nghiệp có thể bắt đầu từ sở thích cá nhân hay thậm chí là “làm cho vui”. Dự án website nhaccuatui.com của Nhan Thế Luân là một trong những trường hợp như thế.

4 dieu sinh vien nen biet khi khoi nghiep
Nhan Thế Luân - cựu sinh viên Đại học HUTECH đã thành công với startup nhaccuatui.com.

Vốn là một kỹ sư công nghệ thông tin, cựu sinh viên Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) ban đầu chỉ xây dựng website nhạc để thỏa mãn sở thích bản thân, nhưng nhờ đánh trúng thị hiếu cộng đồng, nhaccuatui bắt đầu đem đến doanh thu thật. Nắm bắt cơ hội đó, NCT Corporation ra đời. Chàng CEO trẻ tuổi còn nghiêm túc mua bản quyền từ Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam...

Làm tốt hơn ý tưởng cũ

Khởi nghiệp là bắt đầu một nghề nghiệp. Bạn có thể làm những ý tưởng mới, cũng có thể chỉ cần làm tốt hơn ý tưởng cũ. Đó là suy nghĩ của Huỳnh Vũ Hoài Nhân, chủ nhân giải thưởng cao nhất tại Festival Thanh niên khởi nghiệp Việt - Hàn 2017 với startup ứng dụng ngón tay robot MicroPush vào sản xuất công nghiệp.

Hiện nay 4 cơ sở tại Hà Nội và TP.HCM sử dụng ứng dụng này của cậu sinh viên. Hoài Nhân chia sẻ: “Việc trùng lặp ý tưởng là điều có thể xảy ra. Quan trọng là cách mình giải quyết vấn đề có hiệu quả và làm tốt hơn những người đi trước”.

Ý tưởng khởi nghiệp có khả năng thực thi cao thường bắt đầu từ thực tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy, mô hình đại học ứng dụng chú trọng thực tiễn được coi là “vườn ươm” bởi sinh viên được liên tục cọ xát với thực tế, học cách phát hiện và đánh giá vấn đề, cách vận dụng hiệu quả kiến thức chuyên môn... thông qua thời lượng lớn thực hành, thực tập doanh nghiệp.

“Mình mong các bạn sinh viên có thể thấy được tầm quan trọng của những môn học ở trường vì đó chính là điểm bắt đầu khi bạn đi làm và sẽ không ai dạy lại kiến thức ấy”, chủ nhân start-up MicroPush nhận xét.

Kỹ năng teamwork

Ở thời điểm khởi nghiệp, có thể bạn chưa là giám đốc một công ty, nhưng chắc chắn bạn sẽ phải có một nhóm đồng nghiệp. Bạn cần những người đồng hành, mỗi người có một thế mạnh riêng để phụ trách một khâu nhất định trong việc hiện thực hóa ý tưởng. Trong môi trường như vậy, kỹ năng làm việc đồng đội (teamwork) chính là yêu cầu cần thiết công việc đạt hiệu quả cao.

Teamwork bao gồm nhiều yếu tố như: kỹ năng giao tiếp, tổ chức, quản lý công việc, tinh thần trách nhiệm, tinh thần đoàn kết,... Để phát triển được kỹ năng teamwork, sinh viên có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt trong môi trường tập thể hoặc cao hơn là thử sức với vị trí điều phối, lãnh đạo.

Khởi nghiệp không “thần tốc”

Mỗi ngành nghề, lĩnh vực luôn có những khó khăn nhất định. Từ ý tưởng đến hiện thực là một quá trình dài và thực tế cho thấy, nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo bị dang dở do sinh viên không lường trước được khó khăn.

Chính vì vậy, khởi nghiệp là hành trình học hỏi không ngừng. Điều quan trọng nhất là bạn biết mình đang làm gì và luôn giữ được sự chủ động trong mọi hoàn cảnh. Thời sinh viên là giai đoạn lý tưởng nhất để khởi nghiệp nhưng không cần tự tạo áp lực “phải thành công” ngay từ khi bắt đầu, bởi áp lực cũng chính là gánh nặng. “Hãy theo đuổi sự ưu tú, thành công sẽ theo đuổi bạn”, câu nói ấn tượng trong bộ phim Three idiots.