|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

4 điều cần biết về thương vụ IPO lịch sử của Grab

16:02 | 15/04/2021
Chia sẻ
Ở mức định giá 39,6 tỷ USD, Grab sẽ có thương vụ IPO thông qua công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng lớn nhất đến thời điểm hiện tại.

Việc Grab công bố kế hoạch thực hiện IPO thông qua công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC) ở định giá 39,6 tỷ USD thu hút được rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt trong cộng đồng startup. Đây là thương vụ IPO thông qua SPAC lớn nhất đến thời điểm hiện tại.

4 điều cần biết về thương vụ IPO lịch sử của Grab - Ảnh 1.

Grab là một trong những startup lớn nhất của Đông Nam Á (Ảnh: Nikkei).

Hồ sơ IPO của Grab cho thấy nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của startup này. Dưới đây là 4 điểm quan trọng bạn cần biết về thương vụ IPO của Grab.

CEO Grab vẫn có quyền biểu quyết chi phối

Theo hồ sơ của Altimeter Growth Corp., tại công ty SPAC mà Grab sẽ sáp nhập để niêm yết, ông Anthony Tan; đồng sáng lập Tan Hooi Ling và chủ tịch Ming Maa sẽ có cổ phần "Hạng B" với quyền biểu quyết cao hơn. Mặc dù cổ phần của nhóm nhân sự này chỉ chiếm 3,3% cổ phần Grab, họ có tới 60,4% quyền biểu quyết.

Đáng chú ý, cổ phiếu do Tan Hooi Ling và Ming Maa nắm giữ "sẽ được coi là thuộc sở hữu có lợi cho Anthony Tan". Điều này đồng nghĩa với việc CEO Grab sẽ có nhiều "trọng lượng" hơn trong việc đưa ra quyết định.

Cấu trúc sở hữu cũng cho thấy Grab mong muốn thúc đẩy tốc độ đưa ra quyết định trong khi vẫn đảm bảo một số vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp bằng cách nắm giữ quyền biểu quyết ở mức nhất định.

Cùng thời điểm, các cổ đông lớn nhất của Grab hiện tại là SoftBank Vision Fund (18,6%), Uber (14,3%), Didi Chuxing (7,5%) và Toyota Motor (5,9%).

Dự kiến có lãi trong dài hạn

Grab ghi nhận mức lỗ ròng hơn 2 tỷ USD trong tối thiểu 3 năm liên tiếp tính đến 2020. Trong năm 2020, Grab có doanh thu ròng 1,19 tỷ USD trong khi đó lỗ 2,7 tỷ USD. Vì thế, việc có lợi nhuận sẽ là một thách thức lớn với "ông lớn" gọi xe.

Bảng cân đối kế toán cho thấy lỗ luỹ kế của Grab tới cuối năm 2020 chạm mốc 10 tỷ USD. Tổng tài sản của Grab đạt 5,5 tỷ USD trong khi đó tổng nghĩa vụ nợ là 11,7 tỷ USD.

Grab đang lên kế hoạch quản trị chi phí bằng cách gia tăng các mảng kinh doanh hàng đầu. Ông Peter Oey, giám đốc tài chính, nói rằng Grab sẽ có lãi trong dài hạn nhờ tối ưu chi phí bán hàng - marketing, chi phí cố định và chi phí liên quan đến công nghệ đám mây cũng như các công nghệ khác.

Trên cơ sở Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA), Grab dự tính sẽ lãi khoảng 500 triệu USD vào năm 2023.

Giao hàng sẽ là mảng kinh doanh lớn nhất

Gọi xe từng là mảng kinh doanh lõi của Grab song giao hàng đang phát triển nhanh trong vài năm trở lại đây nhờ xu hướng làm việc tại nhà. Giao đồ được kỳ vọng sẽ là nhân tố thúc đẩy kinh doanh tiếp theo của Grab.

Theo đó, mảng giao đồ ghi nhận tổng giá trị hàng hoá (GMV) đạt 5,5 tỷ USD, chiếm khoảng 44% GMV của Grab. Theo dự phóng của công ty, giao hàng vẫn sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất trong GMV Grab cho tới năm 2023.

Trên nguyên tắc EBITDA, mạng giao hàng nhiều khả năng sẽ có lãi vào năm nay.

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, ông Anthony Tan, CEO Grab, nói rằng Grab "sẽ xây dựng mạng lưới giao hàng chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất" bằng cách đầu tư vào bản đồ và các công nghệ khác. Ông nhấn mạnh việc sử dụng dịch vụ giao đồ ăn ở Đông Nam Á vẫn ở mức thấp.

Định giá của Grab sẽ trở thành tiêu chuẩn cho các startup khác trong khu vực

Định giá thông qua SPAC của Grab sẽ trở thành tiêu chuẩn dành cho Gojek khi startup này thực hiện IPO.

Ở thời điểm hiện tại, Gojek đang tiến sát đến việc sáp nhập với công ty thương mại điện tử Indonesia Tokopedia trước khi thực hiện IPO.

Một nguồn tin thân cận nói rằng Gojek và Tokopedia đang hướng đến định gía "tương đương hoặc cao hơn" con số 39,6 tỷ USD của Grab vì sở hữu mảng thương mại điện tử.

Theo Nikkei, thương vụ của Grab cho thấy dù xu hướng IPO thông qua SPAC đang có dấu hiệu chậm lại, các nhà đầu tư vẫn đang dành nhiều sự quan tâm cho thị trường Đông Nam Á. Nhiều startup công nghệ trong khu vực có thể lấy ví dụ của Grab để đàm phán các điều khoản có lợi hơn cho mình.

Lúc này, Traveloka và Bukalapak cũng đang tính chuyện IPO qua SPAC.

Thái Sơn