32 giờ căng thẳng của thị trường toàn cầu khi Fed, BoJ và BoE cùng nhóm họp tuần này
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, nhiều thị trường đã trở nên lo lắng do triển vọng không chắc chắn về chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang vật lộn để phán đoán xem Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có tăng lãi suất hay không, và khi nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hạ lãi suất.
Chia sẻ với hãng tin Bloomberg, ông Wong Kok Hoong, trưởng bộ phận giao dịch cổ phiếu tại Maybank Securities, nhận xét: “Tuần này sẽ thú vị hơn. Và có thể sẽ mệt mỏi hơn”.
BoJ
Thị trường không chắc các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản sẽ làm gì sau nhiều năm không đả động đến lãi suất.
Thống đốc Kazuo Ueda đang lập kỷ lục cá nhân về việc không đưa ra bình luận công khai trước các cuộc họp chính sách. Trong khi đó, dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy lạm phát đang tăng tốc nhưng chi tiêu tiêu dùng lại gây thất vọng.
Các nhà đầu tư đồn đoán rằng BoJ nhiều khả năng sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách và đây có thể là nguyên nhân giúp đồng yen tăng giá mạnh vào tuần trước. Kể từ ngày 11/7, đồng nội tệ của Nhật Bản đã đi lên khoảng 5% so với đồng USD.
Trong môi trường không chắc chắn, xác suất BoJ nâng lãi suất đã tăng vọt từ dưới 40% lên gần 90% vào tuần trước, sau đó lại ổn định về khoảng giữa.
Theo khảo sát mới nhất của Bloomberg, các nhà kinh tế cũng không thực sự chắc chắn về động thái chính sách tiếp theo của BoJ. Chỉ 30% tin rằng ngân hàng trung ương (NHTW) Nhật Bản sẽ tăng lãi suất.
Vai trò của đồng yen trong hệ thống tài chính - đặc biệt là trong các giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ (carry trades) - có thể tạo ra biến động mạnh trên thị trường toàn cầu.
Trạng thái “án binh bất động” của ông Ueda sẽ khiến những người đầu cơ giá lên đồng yen (yen bulls) dễ bị tổn thương, đặc biệt là nếu các quan chức BoJ còn khiến thị trường thất vọng khi không giảm mạnh việc mua trái phiếu.
Song, những người đầu cơ giá xuống (yen bears) cũng gặp rủi ro nếu Fed có bất kỳ động thái nào vào ngày 31/7 và thúc đẩy thị trường tin tưởng về khả năng lãi suất tại Mỹ sẽ đi xuống trong những tháng tới.
Fed
Các nhà đầu tư sẽ phân tích kỹ lưỡng tuyên bố chính sách của Fed và phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell để tìm kiếm các tín hiệu hỗ trợ cho kịch bản NHTW này hạ lãi suất vào tháng 9.
Nếu Fed hành động theo hướng đó, các nhà kinh tế và nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai có thể sẽ rất hài lòng, vì họ kỳ vọng các quan chức sẽ giảm lãi suất ít nhất hai lần trong năm nay, mỗi lần 25 điểm cơ bản.
Lãi suất quỹ liên bang đang nằm trong phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ qua.
Trong vài tuần qua, nhiều nhà hoạc định chính sách đã đề cập đến trạng thái cân bằng hơn của thị trường lao động và xu hướng đi xuống của lạm phát, hai dấu hiệu chứng tỏ Fed có thể sớm giảm lãi suất.
Nhà kinh tế trưởng James Knightley của ING cho hay: “Cuộc họp tuần này sẽ là nền móng cho đợt giảm lãi suất vào tháng 9, vì Fed đang dần có đủ lý do để chuyển từ trạng thái thái chặt sang trung lập hơn”.
Một số chuyên gia khác, từ cựu Chủ tịch Fed chi nhánh New York William Dudley đến nhà kinh tế Mohamed El-Erian, thậm chí còn khuyến nghị NHTW Mỹ nên nới lỏng tiền tệ mạnh tay hơn.
Nhóm này cảnh báo Fed có thể mắc “sai lầm chính sách” nếu giữ lãi suất ở mức quá cao trong thời gian quá dài.
Giá trái phiếu kho bạc Mỹ có thể sẽ kết thúc tháng 7 với chuỗi tăng ba tháng liên tiếp. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm đã giảm do kỳ vọng Fed hạ lãi suất, giúp thu hẹp mức chênh lệch với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ lại bước vào tuần mới với trạng thái không chắc chắn, một phần do nhiều báo cáo tài chính làm dấy lên nghi ngại về sức mạnh của người tiêu dùng.
BoE
Thị trường đang chia rẽ về việc liệu BoE có thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hay không. Lãi suất chuẩn tại Anh đang ở mức 5,25%.
Trong khi lạm phát đã giảm từ mức hai chữ số hồi một năm trước xuống mức mục tiêu 2% của NHTW Anh, tỷ lệ thất nghiệp lại đang tăng và giá cả trong lĩnh vực dịch vụ vẫn còn cao. Hơn nữa, nền kinh tế chỉ vừa phục hồi từ một cuộc suy thoái nhẹ.
Chính phủ Anh vừa nâng lương tối thiểu thêm 10% và có kế hoạch tiếp tục tăng cho khoảng 5 triệu nhân viên khu vực công. Điều này có khả năng sẽ kéo giá cả lên cao hơn.
Kể từ cuộc bầu cử vào tháng 7, ba trong số các nhà hoạch định chính sách diều hâu của BoE đã lên tiếng phản đối việc hạ lãi suất. Chỉ một trong hai bồ câu đưa ra lập luận ngược lại.
Bất luận kết quả ra sao, quyết định chính sách tới đây của BoE đều có khả năng sẽ tác động tới giá trái phiếu và đồng bảng Anh. Vào cuối tuần trước, xác suất cho một đợt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản là khoảng 50%.
Các nhà kinh tế thuộc Bank of America, Deutsche Bank, Nomura và ING Groep cho rằng BoE sẽ đảo chiều chính sách.
Động thái giảm lãi suất của BoE sẽ thúc đẩy trái phiếu chính phủ Anh. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm đang ở mức thấp nhất trong hơn một năm.
Tuy nhiên, đối với đồng bảng Anh, việc hạ lãi suất không có lợi vì điều đó sẽ làm giảm sức hấp dẫn của đồng tiền này trong các giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ.