|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

3 lưu ý cho doanh nghiệp Việt muốn tiếp cận Internet vạn vật

09:33 | 07/10/2018
Chia sẻ
Tác giả quyển sách về IoT bán chạy của Mỹ đưa ra 3 lưu ý cho doanh nghiệp Việt khi bắt đầu tiếp cận công nghệ này để vươn lên 4.0.
3 luu y cho doanh nghiep viet muon tiep can internet van vat Khát vọng chế tạo đèn thông minh kết nối Internet của CEO 8x

Một nghiên cứu gần đây của Cisco mang tên "Ready, Steady, Unsure" (Sẵn sàng, Ổn định, Không chắc chắn) cho biết, hơn một nửa công ty ở Việt Nam được hỏi đã xếp Internet vạn vật (IoT) là một trong ba công nghệ hàng đầu sẽ tác động đến tương lai kỹ thuật số của doanh nghiệp họ.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, 36% công ty tham gia trả lời đã bắt đầu ứng dụng các giải pháp IoT. Đây là tỷ lệ cao nhất ở Đông Nam Á, ngang với Singapore.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp còn ngại ứng dụng công nghệ này bởi các lý do như: cơ sở hạ tầng yếu kém (31%), đội ngũ nhân viên chưa đủ nhân lực (20%), thiếu ngân sách (44%) và chưa chắc chắn vào lợi ích cũng như tác động của IoT đối với doanh nghiệp (48%).

"Các quốc gia trên khắp châu Á, như Việt Nam, từ lâu đã được hưởng lợi từ chi phí lao động tương đối thấp, điều này ban đầu đã giúp họ trở thành các trung tâm sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, sự ra đời của IoT, kết hợp với các công nghệ kết nối tiên tiến như phân tích dữ liệu, trí thông minh nhân tạo, tiền điện tử và điện toán sương mù, khiến các quốc gia này và các công ty hoạt động ở đó cần phát triển các chiến lược khác vượt khỏi chi phí lao động thấp", ông Maciej Kranz - Phó chủ tịch, Phụ trách Nhóm giải pháp Đổi mới Chiến lược Sáng tạo tại Cisco nhận xét.

Maciej Kranz cũng là tác giả quyển sách "Thiết lập Internet vạn vật trong doanh nghiệp". Chuyên gia này đã chia sẻ với VnExpress về ba con số 3 quan trọng mà doanh nghiệp Việt cần lưu ý khi bắt đầu tiếp cận IoT.

3 bước cơ bản để ứng dụng IoT

Theo Maciej Kranz, bước một, trước khi bắt đầu dự án, doanh nghiệp phải đánh giá năng lực, kỹ năng, cơ sở hạ tầng đang có.

Bước 2, tất cả nằm ở việc xác định vấn đề mà doanh nghiệp cần giải quyết. "Ở Việt Nam, các vấn đề và việc đánh giá thường khó khăn hơn ở Mỹ, Ấn, Nam Phi và các quốc gia khác", ông nhận xét.

Cuối cùng, khi đã thực hiện xong các bước trên, hãy xem có thể dùng công nghệ để giải quyết vấn đề đang gặp phải như thế nào. Trước khi bắt đầu, hãy đánh giá về khoản đầu tư đó. Sau khi hoàn tất dự án, đánh giá lại lần nữa, bởi vì việc quan trọng là giải quyết vấn đề kinh doanh chứ không phải triển khai công nghệ.

3 lỗi phổ biến khi ứng dụng IoT

Maciej Kranz nói rằng ông liệt kê đến 25 lỗi phổ biến nhất khi tiếp cận IoT trong quyển sách. Trong đó, sai lầm phổ biến nhất là bắt đầu với sự tập trung vào công nghệ và các quy trình nghiệp vụ khác. Tiếp theo là tập trung vào việc kết nối để thu thập dữ liệu.

Sai lầm phổ biến thứ ba là không xây dựng một liên minh sẵn sàng xây dựng hệ sinh thái trong công ty. Chỉ có 1 - 2 nhóm thử tự làm với nhau thay vì xây dựng một nhóm lớn trong toàn bộ tổ chức.

"Tôi nghĩ điều quan trọng là doanh nghiệp phải nói về những sai lầm của mình. Đó không phải là việc dễ làm. Nhưng nếu rút kinh nghiệm từ sai lầm của người khác, bạn sẽ tránh được vết xe đổ của họ, nên cơ hội thành công của bạn sẽ cao hơn", ông nói.

3 quan niệm không còn đúng với IoT

Tiếp cận IoT chỉ là thay đổi về công nghệ: Cốt lõi là doanh nghiệp không chỉ triển khai IOT đơn thuần. Trên thực tế là thực hiện số hóa tổ chức. Đó là lý do tại sao cần tiếp cận vấn đề một cách toàn diện. Triển khai IoT thành công có thể mới chỉ giải quyết được 10% thách thức. Phần lớn thách thức còn lại là phải làm sao để xây dựng được một nền văn hóa phù hợp.

"Hãy xây dựng hệ sinh thái trong nội bộ công ty của bạn, nhưng quan trọng hơn là xây dựng cả hệ sinh thái bên ngoài tổ chức nữa. Như thế, bạn mới có thể xây dựng được các giải pháp và biến đổi tổ chức của mình. Không công ty nào có thể làm một mình mà thành công được", Maciej Kranz nói.

Chỉ doanh nghiệp lớn mới có khả năng dùng IoT: 5 năm trước, IoT phần lớn được triển khai ở các tập đoàn lớn. Nhưng 5 năm qua, mọi thứ đã thay đổi. Hiện đã có nhiều đối tác cung ứng giải pháp IoT một cách hiệu quả về mặt chi phí.

Nền tảng lạc hậu khó lên IoT: Maciej Kranz tin vào sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam. Với ông, hạ tầng cũ không phải vấn đề lớn.

"Phần lớn các lĩnh vực đều không vì sự kế thừa nền tảng hạ tầng cơ sở cũ mà phát triển chậm lại. Nếu nhìn vào lĩnh vực sản xuất, năng lượng, giao thông, bạn sẽ không phải lo lắng về việc tích hợp với nền hạ tầng cũ ra sao. Thực ra, các bạn có thể xây dựng kiến trúc hiện đại từ đầu", chuyên gia này nhấn mạnh.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Viễn Thông