|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người mua hàng đối mặt với thuế trực tuyến

07:36 | 13/07/2018
Chia sẻ
Từ vài tháng nay, người mua hàng trên Internet vẫn thấp thỏm lo một khoản thuế sẽ được thu từ những món hàng họ mua trên mạng (online) và nay điều này đang dần trở thành hiện thực. Tòa án tối cao ở Mỹ ra phán quyết cho phép các bang buộc các nhà bán lẻ trực tuyến phải thu thuế người tiêu dùng trên các món hàng họ mua để nộp lại cho cơ quan thuế, và điều này có nghĩa là mỗi món hàng mua trên mạng nay phải chịu thêm loại thuế giá trị gia tăng (VAT) hay thuế hàng hóa và dịch vụ (GST).
nguoi mua hang doi mat voi thue truc tuyen
Thuế mạng hay thuế thương mại điện tử đánh trên người tiêu dùng, tương tự như VAT hay GST đánh vào hàng mua tại chợ.

Phán quyết của tòa án Mỹ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến các nước khác, trong đó có nhiều quốc gia Đông Nam Á, từ Singapore đến Malaysia hay Thái Lan và Indonesia đang chờ động thái của Mỹ để ban hành luật thuế thương mại điện tử tại quốc gia mình nhằm mục đich bổ sung ngân sách và đa dạng hóa thuế khi nền kinh tế đang chuyển mạnh vào Internet.

Câu chuyện North Dakota và South Dakota

Ngày 13/4/2018, trên những gói hàng mua qua mạng phân phối bởi U.S. Mail có kèm theo ghi chú rằng người mua hàng trực tuyến có thể phải trả thêm tiền sau khi Tòa án Tối cao thụ lý hồ sơ, bắt đầu từ ngày 17/4. Người mua hàng trên mạng ở Mỹ đã được chuẩn bị tâm lý trong trường hợp cơ quan thẩm quyền ra phán quyết buộc các công ty bán lẻ trực tuyến phải tính thêm tiền thuế tiêu thụ đối với mặt hàng bán ra cho người tiêu dùng.

Thực ra câu chuyện đã bắt đầu từ một án lệ mang tên “Quill Corp. v. North Dakota (91-0194), 504 U.S. 298 (1992)” đưa ra bởi bang North Dakota từ năm 1992, theo đó chính quyền không thể thu thuế trên những doanh nghiệp kinh doanh không đặt trụ sở như văn phòng hay kho chứa trên địa phận của bang hay thành phố đó. Nhưng nay, các công ty thương mại điện tử và cả các công ty bách hóa tổng hợp có thể bán hàng ở khắp mọi nơi qua mạng Internet mà không cần thiết phải đặt cơ sở ở mặt đất.

Việc bán hàng không chịu thuế kinh doanh Internet (Internet Sales Tax) rõ ràng là tạo sự bất công cho các công ty phải chịu thuế tại chỗ. Trong trường hợp này nhiều công ty nhỏ phải dựa vào thương mại điện tử để đưa hàng mình lên các nền tảng nhằm tránh thuế, thậm chí nhiều công ty lớn cũng tránh thuế bằng việc hạn chế mở thêm văn phòng đại diện. Tình trạng thất thu thuế ở các bang và thành phố Mỹ đã lên đến hàng chục tỷ đô la Mỹ mỗi năm bởi việc áp dụng án lệ này. Từ năm 2015, thẩm phán Anthony Kennedy đã yêu cầu thẩm định lại án lệ. Ông viết: “Thật là không khôn ngoan khi cứ trì hoãn việc xem xét lại án lệ Quill của tòa án”. Ông viết tiếp: “Một án lệ đáng ngờ ngay khi quyết định, Quill bây giờ làm hại các tiểu bang đến mức độ lớn hơn so với nổi lo trước đây”.

Các thẩm phán Clarence Thomas và Neil M. Gorsuch cũng đã viết về sự không thoải mái của họ trước quyết định và luận cứ pháp lý về nó.

Nay với án lệ mới có tên là “South Dakota v. Wayfair, No. 17-494”, bang South Dakota đã thỉnh cầu Tòa án Tối cao hủy bỏ án Quill, và ký tên ủng hộ vào yêu cầu này là 35 bang khác cùng District of Columbia. Bảo vệ cho án lệ Quill là ba bị đơn, gồm công ty thương mại điện tử Wayfair Inc., Overstock.com Inc. và Newegg Inc có hoạt động thương mại ở tất cả các tiểu bang. Trong khi đó Amazon vốn chiếm đến 60% thị phần kinh doanh trực tuyến tại Mỹ đưa ra lập luận rằng “nếu Quill bị bãi bỏ thì gánh nặng sẽ đổ xuống trước hết trên các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm cho khả năng tiếp cận thị trường của họ bị dập tắt”.

Hãng tin Bloomberg lúc bấy giờ cho biết Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xem xét việc cho phép các bang và chính quyền địa phương thu hàng tỉ đô la tiền thuế đánh trên kinh doanh trực tuyến của các nhà bán lẻ, đồng ý việc xét lại án lệ đã được áp dụng 26 năm nay vốn làm cho kinh doanh Internet hầu như là vùng không thuế. Bản tin trên Bloomberg cập nhật ngày 12/1/2018 cho biết các thẩm phán tại đây sẽ nghe tranh luận của South Dakota rằng phán quyết năm 1992 đang trở nên lỗi thời trong thời đại thương mại điện tử và cần phải được lật ngược lại.

Phán quyết của tòa án và những tác động

Bản tin của Reuters phát đi ngày 21/6 vừa qua cho biết Tòa án Tối cao Mỹ chính thức phán quyết cho phép các bang được buộc các nhà bán lẻ qua mạng phải thu thuế bán hàng (sales taxes) để nộp lại cho cơ quan thuế, và như thế chấm dứt thời kỳ ưu đãi mua hàng trên mạng và sự bất công trong cuộc cạnh tranh kinh doanh giữa công ty thương mại điện tử đặt trên Internet và công ty bách hóa tổng hợp đặt trên mặt đất. Luật thì nay đã trở thành luật, nhưng những phản ứng khác chiều đang trở nên gay gắt khi mà phán quyết đụng chạm đến thực tế và những quyền lợi. Chúng ta biết một trong các lợi thế của việc bán hàng trên mạng trước đây là người mua hàng không phải chịu thuế tiêu thụ, thí dụ như loại thuế VAT 5% hay 10% vẫn đánh trên các món hàng mua tại siêu thị.

Lợi thế này giúp cho ngành kinh doanh trực tuyến phát triển nhanh hơn, và giúp cho người tiêu thụ có được món hàng rẻ hơn, nhưng lại tạo ra sự bất công và làm thất thu thuế. Trong nhiều trường hợp chính các nước, các bang hay các thành phố muốn duy trì tình trạng cũ để lôi kéo thương mại điện tử và tạo thêm công ăn việc làm cho công dân.

Phán quyết nói trên là một thắng lợi cho bang South Dakota và sẽ tác động mạnh đối với lĩnh vực bán lẻ ở cả hai phương thức truyền thống và trực tuyến, cũng như cho phép các bang có thể tăng ngân sách bằng thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử. Các nhà phân tích cho rằng nó có thể khiến người mua hàng phải trả nhiều tiền hơn khi mua sắm trực tuyến.

Luật của bang South Dakota ban hành năm 2016 yêu cầu các công ty thương mại điện tử lớn nằm ngoài bang phải nộp thuế bán hàng nếu tổng giá trị các đơn hàng lớn hơn 100.000 đô la Mỹ hoặc số lượng giao dịch đạt từ 200 lần trở lên. Đã có 45/50 tiểu bang ở Mỹ thu thuế doanh thu và dự kiến còn có thêm những vụ kiện tương tự như South Dakota.

Báo cáo liên bang cho biết quy định mới giúp ngân sách bang South Dakota có thêm 13 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Nhưng ở một góc nhìn khác, luật sư Chris Cox của Hiệp hội Thương mại Điện tử NetChoice nhận định rằng các doanh nghiệp trực tuyến nhỏ sẽ chịu thua thiệt do phải chịu chi phí cao hơn. Chuyên gia Neil Saunders của công ty nghiên cứu GlobalData ước tính chi phí mà người tiêu dùng tại Mỹ phải chịu lên đến khoảng 15,2 tỉ đô la mỗi năm.

Thị trường phản ứng rất nhanh ngay sau phán quyết. Cổ phiếu của các công ty bị đơn giảm mạnh, Overstock mất 7,2% và Wayfair giảm 1,6%. Cổ phiếu của công ty thương mại điện tử lớn nhất nước Mỹ là Amazon cũng bốc hơi 1,1%. Thực ra từ lâu nay Amazon đã thu thuế bán hàng của chính mình nhưng lại không thu thuế các công ty bán hàng trên nền tảng, và mức thất thu này vào khoảng một nửa tổng số.

Cổ phiếu của các công ty tạo nền tảng cho thương gia bán hàng cũng bốc hơi mạnh, eBay mất 3,2% và Etsy Inc. mất 1,4%. Ngược lại các chuỗi siêu thị và cửa hàng bách hóa tổng hợp lại lên hương: Target Corp tăng thêm 1%, và cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, Walmart tăng thêm 0,7%.

Phán quyết không chỉ là thắng lợi cho bang South Dakota mà là sự chấm dứt thời kỳ thị trường méo mó kéo dài vốn đã làm cho nhiều công ty mặt đất sạt nghiệp, hoặc phải tìm thuê chỗ bán trực tuyến trên các nền tảng lớn như Amazon. Nhưng xa hơn nữa, phán quyết sẽ có ảnh hưởng lan rộng ra bên ngoài nước Mỹ, trong đó có vùng Đông Nam Á.

Thuế mạng sẽ là một phần chi tiêu ở Đông Nam Á

nguoi mua hang doi mat voi thue truc tuyen
Người tiêu dùng đang đối mặt với việc phải trả một khoản thuế khi mua hàng hóa trực tuyến.

Trên thực tế các quốc gia Đông Nam Á đều muốn nâng thuế kinh doanh trực tuyến lên ngang hàng với kinh doanh truyền thống, trong khi hoạt động thương mại điện tử đang mỗi ngày một bùng nổ, và các công ty thương mại điện tử như Lazada kiểm soát bởi Trung Quốc đang làm mưa làm gió nhắm tới sự độc quyền. Về mặt cơ bản các quốc gia trong vùng đã định hình cho loại thuế của mình, chỉ còn vấn đề thời gian, những con số và những miễn trừ.

Người ta không chỉ tham khảo lẫn nhau, nhưng người ta cũng chuẩn bị một cuộc cạnh tranh bởi thuế thương mại điện tử đang phải cân bằng giữa phát triển thương mại tổng quát và khả năng thu hút cùng phát triển thương mại điện tử, và nước nào cũng tìm cho mình một thế thượng phong. Nền thương mại đang chuyển rất nhanh sang kinh doanh trực tuyến và các nhà làm luật không còn thời gian để ngồi chờ. Nhưng sự tất bật không chỉ nơi các nhà quản lý, các nhà làm luật mà đối với tất cả các công ty tham gia, tham gia một phần, thậm chí không tham gia vào việc kinh doanh trên mạng.

Chính phủ Singapore đã đề cập đến thuế thương mại điện tử từ tháng 11-2017. Người Singapore cho tới nay không phải đóng thuế đối với những khoản mua đáng giá dưới 400 đô la Singapore. Tiến trình đi đến việc đóng thuế ở những khoản mua nhỏ hơn rất phức tạp vì ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Trước đó trang straitstimes.com nói Singapore sẽ theo chân các quốc gia khác như Úc hay Hàn Quốc trong việc thu thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) đối với các công ty nước ngoài bán hàng hay thực hiện bán lẻ trực tuyến tại nước này.

Singapore đang là tâm điểm của luật thuế thương mại điện tử, nhưng các quốc gia Đông Nam Á khác cũng có những tiêu điểm của chính mình cho dù luôn tham khảo các quốc gia đối tác và theo dõi những chuyển biến từ Mỹ, châu Âu và cả từ Trung Quốc, nước đang tỏ rõ tham vọng bá chủ thương mại điện tử vùng này. Singapore muốn tạo nên môi trường cạnh tranh bình đẳng trung thực, Indonesia sẵn sàng cho việc cải tổ luật thuế, Malaysia nhắm đến bổ sung ngân sách, Thái Lan nhắm đến chống độc quyền, và tại Philippines hay Việt Nam các nhà buôn nhỏ đang chuyển sang mạng xã hội tuy vẫn dằn chân trên các trang thương mại điện tử.

Thái Lan, nước đã áp thuế thương mại điện tử, đang xem xét lại việc miễn trừ thuế đối với những món hàng nhập khẩu xuyên biên giới qua mạng có giá dưới 1.500 Bath.

Tại Indonesia, Chính phủ đang phải đối phó vấn đề ngân sách và việc thiết lập những luật thuế đặc biệt đang trở thành cấp bách. Ngày 19-1-2018 Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết chính phủ sẽ ban hành loại thuế thương mại điện tử sau khi tham khảo các bộ và các tổ chức. Trên thực tế Indonesia đang nhắm đến cải tổ thuế rộng lớn hơn, và việc đánh thuế cũng lan sang các dịch vụ trực tuyến, trên những ứng dụng gọi xe của Grab và Go-Jek.

Vào đầu năm nay trang themalaysianreserve.com cho biết thuế thương mại điện tử Singapore sẽ là nơi tham khảo cho Malaysia, trước đó trang thestar.com.my cho biết người dân nước này đang lo lắng hoang mang về luật thuế mới.

Đông Nam Á là nơi áp thuế thương mại điện tử theo hai cách, GST với Singapore và Malaysia, VAT đối với Indonesia và Việt Nam. Nhìn chung các quốc gia Đông Nam Á sẽ sớm hình thành luật thuế thương mại điện tử, có thể ngay trong năm nay, nhưng chủ yếu nhắm vào công ty nước ngoài và tiếp tục giữ lợi thế cho các công ty nội địa.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Việt

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.