|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

3 kịch bản lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ

19:00 | 12/04/2018
Chia sẻ
Nhà phân tích Nicholas Colas đưa ra 3 kịch bản suy thoái của thị trường chứng khoán Mỹ, tuy ít có khả năng xảy ra nhưng chuẩn bị là không thừa.
3 kich ban lao doc cua thi truong chung khoan my Dấu hiệu nào cho thấy thị trường con bò của chứng khoán Mỹ đã kết thúc?
3 kich ban lao doc cua thi truong chung khoan my Thị trường chứng khoán Mỹ rực lửa sau lời đe doạ bắn tên lửa tới Syria của Tổng thống Trump

Theo MarketWatch, thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua 2 tháng đầy biến động khi mà các nhà đầu tư lo lắng về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại, các hãng công nghệ lớn bị thắt chặt quản lý và Cục dự trữ liên bang Mỹ thay đổi chính sách tiền tệ.

Chắc hẳn nhiều nhà đầu tư đang tự hỏi liệu tình hình sẽ còn xấu đi tới mức nào và thị trường sẽ có thể giảm sâu đến đâu. Theo một nhà phân tích, mức giảm của chỉ số S&P 500 sẽ phụ thuộc vào khối lượng bán tháo của Phố Wall. Nhưng cho dù thực tế diễn ra theo kịch bản nào trong số 3 kịch bản sau đây, nhà đầu tư chắc hẳn sẽ không tránh khỏi những thiệt hại đầy đau đớn.

3 kich ban lao doc cua thi truong chung khoan my

Nicholas Colas, đồng sáng lập DataTrek Research nêu ra 3 kịch bản suy giảm mà thị trường cổ phiếu có thể sẽ gặp phải gồm: giá cổ phiếu suy giảm đột ngột giống với ngày thứ Hai đen tối năm 1987, hai là giá cổ phiếu suy giảm từ từ trong thời gian dài và một đợt điều chỉnh giá do nhà đầu tư lo sợ suy thoái sắp xảy ra, cho dù nỗi lo đó không trở thành hiện thực.

Ông Colas nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi không kỳ vọng thị trường cổ phiếu Mỹ sẽ sụp đổ hay giảm điểm” và ông cũng nói thêm: “nhưng chúng tôi không thể phủ nhận một sự thật hiển nhiên thị trường cổ phiếu Mỹ đang trong trạng thái khá bếp bênh.”

Kịch bản thứ nhất: Thị trường suy giảm đột ngột

Kịch bản này có thể đáng ngại hơn nhiều người nghĩ, ông Colas viết trong một nghiên cứu. Ông chỉ ra rằng sau ngày thứ Hai đen tối (Black Monday) năm 1987 – ngày mà chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh nhất trong lịch sử. Thị trường nhanh chóng hồi phục và chỉ số vào cuối năm vẫn cao hơn so với đầu năm và tăng gần 10% so với mức thấp nhất của ngày thứ Hai đen tối.

Colus dùng sự kiện ngày thứ Hai đen tối làm mốc tham chiếu và tính toán rằng vào thời điểm đóng cửa giao dịch ngày hôm đó, chỉ số S&P 500 đang được giao dịch với tỷ lệ P/E kỳ vọng khoảng 9,3 trong khi lợi suất của Trái phiếu Chính phủ (TPCP) Mỹ kỳ hạn 10 năm là 8,9%. Ông cộng P/E với lợi suất được kết quả 18,2 để làm biến đại diện đo lường mức độ định giá trên hai thị trường. Hiện nay, lợi suất trái phiếu 10 năm khoảng 2,8% nên để đạt được mức định giá giống như năm 1987, P/E của chỉ số S&P sẽ phải giảm từ mức hiện tại là 16 xuống 15,4.

Để P/E xuống được 15,4, chỉ số S&P sẽ phải giảm xuống 2.187 điểm, tương đương giảm 17,7% so với giá đóng cửa ngày thứ Ba (10/4) và giảm 25% so với đỉnh lịch sử của chỉ số S&P. Ông Colas gọi đây là mức “thấp theo kiểu năm 1987” và chắc chắn thị trường sẽ rơi vào suy giảm. “Không tốt, nhưng cũng không đến nỗi quá tệ.” ông Colas cho hay, đặc biệt là khi so sánh với những kịch bản khác.

Kịch bản thứ hai: tỷ lệ P/E điểu chỉnh theo chu kỳ (CAPE) giảm về mức trung bình

Tỷ lệ này so sánh giá cổ phiếu với lợi nhuận của doanh nghiệp trong 10 năm qua. Hiện nay, chỉ số S&P 500 có tỷ lệ CAPE khoảng 31,88, tức là chỉ thấp hơn so với thời kỳ khủng hoảng cổ phiếu công nghệ (khoảng năm 1995 – 2001) và cao gần gấp đôi so với mức trung bình lịch sử 16,8 từ những năm 1880 trở lại đây.

Chỉ số CAPE hay còn gọi là chỉ số Shiller P/E hay P/E 10 được đưa ra bởi Giáo sư Robert Shiller, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2013.

Chỉ số này được tính bằng cách dùng EPS thực trong 10 năm gần nhất đã được điều chỉnh cho lạm phát, qua đó loại bỏ được những biến động của chu kỳ kinh tế.

Xu hướng quay ngược về giá trị trung bình (mean reversion) – hay trở về với trung bình lịch sử sẽ khiến cho chỉ số S&P giảm xuống còn 1.646 điểm tương đương giảm 38% so với hiện tại (hay gần 45% so với đỉnh lịch sử).

“Lần cuối cùng chỉ số S&P ở mức này là vào khoảng tháng 9/2013, chúng ta sẽ mất đi thành quả của 7 năm vừa qua nhưng ít nhất chỉ số vẫn sẽ trên mức đáy đôi 1.500 điểm năm 2000 và 2007.

Ông Colas ước tính đợt giảm giá này sẽ diễn ra trong khoảng từ 12 đến 18 tháng nhưng cũng nhấn mạnh rằng xác suất xảy ra trường hợp này là không cao.

Kịch bản thứ ba: Giá cổ phiếu bị chiết khấu do nguy cơ suy thoái trong 2 năm tới

Đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhất vì đường cong lợi suất TPCP Mỹ tiếp tục đi ngang. Đường cong lợi suất là đường thể hiện quan hệ giữa lợi suất và kỳ hạn còn lại của TPCP, từ ngắn nhất đến dài nhất. Vì các chủ nợ thường yêu cầu lợi suất cao hơn khi cho vay dài hạn nên đường cong lợi suất thường cong lên. Tuy nhiên khi đường cong lợi suất đi ngang thì đây được coi là một tín hiệu xấu, cho thấy nhà đầu tư không tỏ ra lạc quan về tương lai.

Ông Colas và Data Trek tính toán rằng, một đợt suy thoái thường sẽ làm lợi nhuận của doanh nghiệp suy giảm khoảng 20 - 30% từ đỉnh cho tới trước khi chạm đáy. Giả sử tỷ lệ P/E của chỉ số S&P giữ nguyên, mức suy giảm này đồng nghĩa với việc chỉ số S&P sẽ chỉ còn khoảng từ 1.776 điểm đến 2.106 điểm. Điểm giữa của khoảng này, 1.941 điểm, ứng với tỷ lệ giảm 26,9% so với giá đóng cửa ngày 10/4.

Ông Colas cho biết “Chúng tôi phải nhấn mạnh rằng cả ba kịch bản này đều khác xa so với kịch bản thông thường của chúng tôi, nhưng thà lên kế hoạch để nhận nhìn thấy rủi ro qua ống nhòm từ xa còn hơn là phải nhìn lại thua lỗ của mình qua gương chiếu hậu một cách đầy nuối tiếc.”

Kiên Dương