|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

3 kịch bản cho sản lượng thịt heo Trung Quốc trong 2019 dưới tác động của dịch ASF

16:29 | 07/12/2018
Chia sẻ
Sự lây lan của dịch tả heo châu Phi (ASF) trên khắp Trung Quốc đang làm biến động thị trường thịt của nhà sản xuất và tiêu thụ thịt heo hàng đầu thế giới. 

Theo bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc, tính đến ngày 5/12, cả nước đã phát hiện 82 trường hợp bùng phát dịch ASF tại 21 tỉnh. Theo đó, tính đến 3/12, số lượng heo bị tiêu hủy là 631.000 con, và 35 khu vực nhiễm dịch bệnh tại 8 tỉnh đã được gỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Mặc dù, lượng heo bị tiêu hủy và chết vì dịch chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số heo sản xuất của Trung Quốc, nhưng lệnh cấm vận chuyển tại các địa phương sản xuất chính đang khiến nguồn cung bị gián đoạn. Điều này dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá heo giữa khu vực dư cung và thiếu cung.

Bên cạnh đó, nhu cầu thịt heo đang giảm nhẹ. Theo Rabobank, trên các thị trường cụ thể, như nhóm những người thưởng thức đồ ăn, được cho rằng đã giảm lượng thịt heo tiêu thụ vì vấn đề an toàn thực phẩm.

Ba kịch bản cho thị trường heo Trung Quốc

Dựa trên những diễn biến trên, Rabobank đã hình thành ba kịch bản để xem xét ảnh hưởng tiềm tàng trong tương lai của dịch ASF đối với sản lượng thịt heo Trung Quốc.

Cụ thể, Rabobank đưa ra ba kịch bản về giảm sản lượng tại Trung Quốc lần lượt là 2 - 4% (tương đương 1 - 2,1 triệu tấn); 6 - 8% (tương đương 3,1 - 4,2 triệu tấn); và 10 - 15% (tương đương 5,3 - 7,9 triệu tấn), phụ thuộc nào các chính sách liên quan của Bắc Kinh. Tiêu thụ thịt heo cũng được dự báo giảm trong mỗi kịch bản, nhưng không nhiều như sản xuất.

3 kich ban cho san luong thit heo trung quoc trong 2019 duoi tac dong cua dich asf
Ảnh minh họa.

Sản lượng giảm phản ánh giá tăng, nguồn cung thấp và sự quan tâm của người tiêu dùng đối với an toàn thực phẩm. Trong mỗi kịch bản, các nhà sản xuất hiện tại, gồm Liên minh châu Âu (EU), Canada và Brazil, được dự báo sẽ cung cấp thịt heo nhiều hơn sang Trung Quốc trong năm 2019. Tuy nhiên, sự gia tăng này phụ thuộc lần lượt vào nguồn cung nội địa và sự cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế.

Năm 2019, EU có thể huy động hơn 2 triệu tấn, gồm cả nội tạng heo, để cung cấp cho Trung quốc. Mặc dù vậy, điều này sẽ đi cùng một cái giá là xuất khẩu sang những thị trường trường khác, trong khi giá xuất khẩu sang Trung Quốc không hấp dẫn.

Xuất khẩu thịt heo của Brazil sang Trung Quốc đã tăng 274% trong 10 tháng đầu năm 2018 lên 132.900 tấn, vì nguồn cung dồi dào theo sau sự đóng cửa của thị trường Nga.

Sản lượng thịt heo Brazil có thể tăng 4 - 5% trong năm 2019. Điều này nghĩa là Brazil có thể tăng xuất khẩu sang Trung Quốc thêm 60% trong năm 2019 lên 256.000 tấn, theo Rabobank.

Trung Quốc cũng có thể quay trở lại nhập khẩu thêm thịt heo từ Mỹ, nếu giá tại những khu vực khác tăng vượt mức chênh lệch về giá và thuế quan. Chưa kể, đầu tháng 12, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt được thỏa thuận đình chiến, với Bắc Kinh cam kết sẽ tăng việc nhập khẩu một lượng đáng kể mặt hàng nông nghiệp, công nghiệp và sản phẩm khác. Điều này có thể thúc đẩy nhập khẩu thịt heo Mỹ.

Tác động của dịch bệnh tại châu Âu khá hạn chế

Tại châu Âu, dịch ASF tiếp tục lan rộng tại phía đông. Các đường biên giới "mở" với Ukraine và Belarus đã khiến việc loại bỏ dịch bệnh trở nên đặc biệt khó khăn tại khu vực, báo cáo từ Rabobank cho biết.

Sự bùng phát tại Bỉ đã được kiểm soát với tất cả trường hợp nhiễm virus đều được vây quanh khu vực bị phong tỏa. Cho tới thời điểm hiện tại, tác động của dịch bệnh đối với khu vực châu Âu khá hạn chế, vì những quốc gia nhiễm bệnh đều không phải nhà sản xuất hoặc xuất khẩu chính.

Xem thêm

Lyly Cao