3 chữ 'C' mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ ngành du lịch
Cả lượng và chất của nguồn nhân lực đều không theo kịp tốc độ tăng trưởng
Với chủ đề "Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam", Diễn đàn "Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam" lần 1 chính thức khai mạc sáng ngày 12/4 tại TP HCM.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM cho biết, năm 2018, thành phố thu hút 7,5 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 50% cả nước. Du khách nội địa tăng 16% một năm, năm 2018 thu hút 29 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 36% cả nước.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc Diễn đàn vào sáng 12/4 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh
"Mặc dù đạt kết quả tích cực, nhưng nhìn chung ngành du lịch thành phố còn nhiều khó khăn nhất định, trong đó lực cản khá lớn là nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện thành phố có 18 trường đào tạo du lịch nhưng chưa được đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế, làm hạn chế đa dạng hóa thu hút khách quốc tế." Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhìn nhận.
Đồng quan điểm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho rằng, du lịch TP HCM hiện có 4 điểm nghẽn, trong đó, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế là thách thức lớn mà toàn ngành đang đối diện.
Năm 2018, ngành du lịch Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch cả nước 23 tỉ USD, đóng góp 7,5% vào GDP. Đây là mức tăng doanh thu ấn tượng, nhưng năng suất khá thấp, với chỉ 3.477 USD/năm cho mỗi nhân lực trong ngành này.
Trong khi đó, Singapore, đất nước với số dân gần 5,9 triệu người, có khoảng 80% làm trong ngành du lịch. Mỗi lao động trong ngành ở Singapore tạo ra 47.713USD/năm, gấp 15 lần Việt Nam. Còn ở Thái Lan, mỗi người lao động tạo ra 8.369 USD/năm, gấp 2,5 lần Việt Nam.
Số liệu thống kê sơ bộ từ ngành du lịch Việt Nam cho thấy, nước ta có khoảng 1,3 triệu lao động trong lĩnh vực du lịch,chiếm 2,5% tổng số lao động của cả nước. Tuy nhiên, trong 1,3 triệu người lao động, khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.
"Với tốc độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, mỗi năm Việt Nam cần 40.000 lao động có tay nghề nhưng khả năng chỉ đáp ứng 15.000, trong đó nhóm chất lượng cao chỉ khoảng 12%", ông Hoàng Vũ cho hay.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM trình bày tham luận về "Nguồn nhân lực du lịch: Chưa hết cơ hội và thách thức". Ảnh: Như Huỳnh
Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cho biết, nguồn nhân lực phục vụ buồng phòng thiếu nghiêm trọng. Tại các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Quốc... lao động du lịch cực kỳ thiếu. Các đơn vị đào tạo tập trung tại thành phố lớn. Tại các trung tâm trọng điểm du lịch, chất lượng đào tạo rất thấp.
"Các doanh nghiệp lữ hành sử dụng khoảng 20.000 lao động, 40.000 hướng dẫn viên, con số này gần như không thể đảm nhiệm nổi phục vụ cho khách du lịch, đặc biệt là các du khách quốc tế nói ngoại ngữ mà chúng ta không chú trọng đào tạo", Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel khẳng định.
Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực
Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch, nhìn nhận: "Với sự phát triển nhanh của các cơ sở lưu trú, không chỉ nhân lực về công nghệ mà nhân lực phổ thông cũng đang thiếu. Do đó, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong thời gian tới là việc cấp bách".
Kiến nghị về giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, ngành du lịch cần phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực rõ ràng. Theo ông, chúng ta cần quy hoạch các trường du lịch. Đặc biệt là vấn đề phân tuyến đào tạo theo đại học, chú trọng thực hành thay vì cách đào tạo khá chung chung hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel kiến nghị giải pháp đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: Như Huỳnh
Còn theo bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho rằng, nên có chính sách ưu đãi thuế, đầu tư cho doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Như vậy mới liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách khuyến khích địa phương đào tạo nhân lực lãnh đạo, quản lý du lịch địa phương.
Ghi nhận ý kiến của các diễn giả, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM cho biết, TP HCM phấn đấu đến 2020 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy kinh tế xã hội và các ngành khác, đồng bộ, sản phẩm đa dạng có thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Đến 2030 thuộc nhóm địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu Đông Nam Á.
"Thành phố đang triển khai đồng bộ giải pháp, trong đó phát triển nguồn nhân lực là trọng tâm. TP HCM sẽ nỗ lực tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh để du lịch trở thành ngành mũi nhọn trong năm 2020, đưa niềm tự hào văn hóa Việt Nam ra thế giới, thúc đẩy hợp tác với các địa phương", Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM cam kết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo Diễn đàn. Ảnh: Như Huỳnh
Tham dự và chỉ đạo Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để đưa du lịch thành ngành kinh tế đột phá cần phải có 3 chữ "C", đó chính là con người, cơ sở hạ tầng và chiến lược.
Cụ thể, về con người, cần nâng cao ý thức, sự hiếu khách, sẵn sàng giúp khách du lịch, đặc biệt người dân bản địa tại địa phương. Thứ hai, về cơ sở hạ tầng cần phải có sự đồng bộ hạ tầng du lịch, kết nối giao thông, hạ tầng mềm (văn hóa), điện tử. Thứ ba, về chiến lược, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần có tầm nhìn dài hạn, phương hướng hành động mỗi năm cùng các ngành khác để cân bằng văn hóa kinh tế môi trường. Đặc biệt là vấn đề đào tạo để nguồn nhân lực không thừa thiếu, số lượng đi cùng chất lượng để phát triển du lịch Việt Nam.
Thủ tướng kỳ vọng sau diễn đàn, các Bộ ngành sẽ có câu trả lời thỏa đáng, giải quyết đúng bản chất vấn đề, tháo gỡ nút thắt, xây chiến lược đúng hướng, khả thi, nhất là trong vấn đề nâng cao nguồn nhân lực cả về lượng và chất, để du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng.