|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngành du lịch đang phạm sai lầm

16:21 | 11/04/2019
Chia sẻ
Một doanh nhân người Ý nói rằng “Du lịch Việt Nam giống như trải qua một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ để phù hợp với thị hiếu”. Nhưng, cái thị hiếu mà chúng ta đang muốn làm cho “phù hợp” lại chẳng phù hợp tí nào với “mong muốn quay về với thiên nhiên” mà ngày càng nhiều du khách quốc tế đang hướng tới.
Ngành du lịch đang phạm sai lầm - Ảnh 1.

Vẻ đẹp hoang sơ của Phú Quốc. Ảnh: Minh Duy

Phẫu thuật cho hợp thị hiếu

Trở về Canada sau chuyến du lịch Phú Quốc năm 2005, hình ảnh những rặng cây cọ che một phần bãi biển với những con đường đất đỏ uốn lượn vẫn hiện lên trong tâm trí David Hutt. Doanh nhân 45 tuổi người Úc này quyết tâm sẽ phải trở lại Phú Quốc cùng gia đình để đắm mình trên bãi cát trắng và dòng nước xanh dịu mát.Phẫu thuật cho hợp thị hiếu

Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác những gì David in dấu trong tâm trí. Trở lại Phú Quốc cách đây ba năm, sự thật diễn ra trước mắt anh là một đại công trường với hàng trăm công nhân nhập cư đang ngày đêm xây dựng khu nghỉ dưỡng ôm trọn bãi biển.

“Lần đầu tiên tới đây, tôi đã bị choáng ngợp trước phong cảnh thiên nhiên đẹp và hoang sơ”, David nói về Phú Quốc. “Nhưng giờ đây, máy móc xây dựng đang cắt tỉa và biến vẻ đẹp hoang sơ đó thành các khu nghỉ dưỡng, chuỗi khách sạn tiêu chuẩn quốc tế”.

Từng đến Việt Nam bốn lần vào năm 2004, 2007, 2010 và 2014, mỗi lần Zakaria Osman lại thấy mọc lên các khu nghỉ dưỡng kín cổng cao tường che lấp bãi biển. “Hình ảnh khối bê tông, công trường xây dựng với những tòa nhà cao tầng lạnh lẽo đã thay thế hình ảnh thiên nhiên gần gũi với con người”, Osman, doanh nhân người Ý nói và cho biết ông sẽ suy nghĩ kỹ trước khi đưa vợ con sang Việt Nam thêm lần nữa. “Du lịch Việt Nam giống như trải qua một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ để phù hợp với thị hiếu”.

Khảo sát gần đây của TripAdvisor, trang web về du lịch, cho thấy gần hai phần ba khách du lịch ngày càng có xu hướng lựa chọn du lịch xanh. Rõ ràng, đây là xu hướng của khách quốc tế, muốn quay về với thiên nhiên.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), du lịch thiên nhiên và di sản là một trong những mảng mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho ngành du lịch toàn cầu, trong đó có các sản phẩm như du lịch cộng đồng, các cơ sở lưu trú “xanh” có giấy chứng nhận, các nhà hàng và thực phẩm hữu cơ tại địa phương, du lịch khám phá thiên nhiên và trải nghiệm hoạt động tình nguyện có trách nhiệm. Việt Nam có đặc điểm tự nhiên phù hợp với các phân khúc thị trường này.

Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tại một diễn đàn về du lịch xanh diễn ra cuối tuần trước đã khẳng định các chính sách và quy hoạch của Việt Nam đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Nhưng những gì diễn ra trên thực tế dường như chưa theo kỳ vọng mà các nhà lãnh đạo đưa ra.

Vẻ đẹp tự nhiên, các di sản và nền văn hóa sống động là yếu tố quan trọng giúp ngành du lịch Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm qua. Tuy nhiên, theo ban du lịch và ngành hàng khách sạn của EuroCham, “sự yếu kém trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và điểm đến, thiếu các sản phẩm du lịch và dịch vụ hấp dẫn, bền vững có thể làm tổn hại lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và làm chậm đà tăng trưởng du lịch trong những năm tới”.

Thực tế, Việt Nam xếp hạng 34 trong số 136 quốc gia trong danh mục “Tài nguyên thiên nhiên liên quan đến du lịch”, theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Nhưng xét tới danh mục “Cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch”, Việt Nam rơi xuống vị trí 113, gần bét bảng.

Trong khi đó, môi trường tự nhiên có nguy cơ bị xuống cấp nghiêm trọng và cơ hội kinh tế do môi trường thiên nhiên mang lại đang dần mất đi. Sự phát triển dồn dập các khu nghỉ dưỡng ven biển đang khiến du lịch Việt Nam trở thành điểm đến du lịch đại trà, mất đi nhiều cơ hội khai thác các thị trường quan trọng và nhiều lợi nhuận khác.

Ví dụ điển hình là Vịnh Hạ Long. Trong vòng 6-8 năm trở lại đây, những quan ngại về ô nhiễm môi trường tự nhiên tại đây được nhiều chuyên gia trong ngành lên tiếng cảnh báo. Một khi bị ô nhiễm và thiếu an toàn thì sức hút của Vịnh Hạ Long đối với du khách quốc tế sẽ bị giảm sút và sau đó là hoàn toàn đánh mất danh tiếng. Các bãi biển của Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ tương tự.

Cùng chung quan ngại, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho hay Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nóng về du lịch, với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 19%/năm với khách quốc tế và 10% với khách nội địa giai đoạn 2014-2018.

“Chúng ta đang vấp phải những vấn đề về môi trường và xả thải do tác động của hoạt động du lịch, đặc biệt tại các điểm đến đông khách vào mùa cao điểm”, ông Tuấn nói.

Thay đổi khi chưa quá muộn

Tại diễn đàn, Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Jessús Figa Lospez-Palop cho hay, Tây Ban Nha từng là điểm nóng về du lịch nhờ bãi biển Địa Trung Hải đẹp nổi tiếng, thức ăn ngon, giá dịch vụ rẻ. Nhưng những năm 1970-1980, Tây Ban Nha đã phạm sai lầm khi phá hỏng một phần bờ biển đẹp của mình do lượng du khách đổ đến quá đông và chạy theo phát triển kinh tế mà lơ là yếu tố bền vững.

“Số lượng khách và tăng trưởng kinh tế là quan trọng, nhưng từ kinh nghiệm của Tây Ban Nha, nếu phá hủy thiên nhiên, sức hút về du lịch sẽ không bao giờ trở lại được như trước”, bà Jessús Figa Lospez-Palop cảnh báo trước tốc độ phát triển du lịch quá nóng của Việt Nam thời gian qua.

Nhận thấy sai lầm đó, quốc gia châu Âu này đã thực hiện một chiến dịch tổng thể về phát triển du lịch bền vững. Nhờ vậy, khách du lịch đã quay trở lại. Năm 2018, Tây Ban Nha là quốc gia thu hút lượng khách quốc tế lớn nhất thế giới, với 80 triệu lượt, gấp đôi dân số nước này. Du lịch ở Tây Ban Nha tạo ra 2,5 triệu việc làm và đóng góp 11% vào GDP của đất nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch xanh nhưng để phát triển phân khúc này không dễ. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Khoa học và Đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng để phát triển du lịch xanh trước hết cần tăng cường nhận thức, hiểu biết về du lịch xanh cho cán bộ quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Tiếp đến, cần nâng cao nhận thức cho những người làm du lịch như doanh nghiệp và cộng đồng để họ hiểu thế nào là du lịch xanh và phương thức tốt nhất để có du lịch xanh.

Tiếp đến, trong quy hoạch phát triển du lịch, ngành du lịch phải đưa ra được tiêu chí du lịch xanh áp dụng cho các khách sạn, nhà hàng, sản phẩm du lịch. Đi kèm với đó là quá trình kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.

Ông Steven Schipani, Trưởng ban điều hành các dự án, Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng Nhà nước nên tiếp tục đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Những công trình này có thể là năng lượng tái tạo, hệ thống cấp nước sạch tiết kiệm. “Đây là một phần rất quan trọng để phát triển du lịch xanh”.

Hơn nữa, Nhà nước cũng cần có chính sách hấp hẫn, thu hút các nhà đầu tư lớn sẵn sàng đổ tiền vào phát triển du lịch xanh, đặc biệt là những khu vực cần được đầu tư một cách cẩn trọng.

Vũ Dung

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.