|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Siết quản lý để phát triển du lịch outbound

07:38 | 31/03/2019
Chia sẻ
Cho tới thời điểm này, loại hình du lịch outbound (đưa du khách đi nước ngoài) vẫn bị áp đặt cái nhìn chưa đúng khi cho rằng đó là “chảy máu” ngoại tệ.

Bước chân của người Việt đã in dấu khắp nơi trên thế giới. Số lượng du khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam tăng 10%-12%/năm và lên đến con số 10 triệu vào năm 2018, đã góp phần đem lại nguồn doanh thu dồi dào cho các doanh nghiệp du lịch. Song cho tới thời điểm này, loại hình du lịch outbound (đưa du khách đi nước ngoài) vẫn bị áp đặt cái nhìn chưa đúng khi cho rằng đó là “chảy máu” ngoại tệ.

Siết quản lý để phát triển du lịch outbound - Ảnh 1.

Một đoàn khách Việt du lịch tại Hàn Quốc.

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, do khả năng chi trả cao, người Việt Nam không chỉ quan tâm đến thị trường Đông Nam Á mà đang dần quan tâm đến thị trường Đông Á, châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông. Việc người Việt Nam có điều kiện đi du lịch nước ngoài là điều đáng mừng, thể hiện mức sống dân cư ngày một tăng, các công ty du lịch cũng tăng trưởng về doanh số. Thống kê từ năm 2015-2018 thấy rằng, lượng người Việt đi nước ngoài rất nhanh. Ví dụ, năm 2015 người Việt đi Trung Quốc là gần 2 triệu người, thì đến năm 2018 con số đã xấp xỉ 4 triệu. Đây là số khách đi du lịch Trung Quốc chứ không phải số người đi qua biên giới. Cũng trong thời gian này, lượng khách Việt đi du lịch Nhật Bản tăng từ 185.400 khách lên xấp xỉ 400.000 khách. Thực tế, người đi du lịch nước ngoài không chỉ đem lại lợi nhuận cho các công ty du lịch, qua đó góp phần phát triển kinh tế đất nước, mà còn nhiều hơn thế. Có đi ra nước ngoài mới biết cách thế giới hoạt động du lịch thế nào, cách họ giới thiệu sản phẩm ra sao và làm sao để biến những tài nguyên vô hình như truyền thống văn hóa, vẻ đẹp đất nước thành giá trị hữu hình.

Phát triển nhanh, đem lại nhiều lợi ích, song hoạt động của outbound hiện vẫn chủ yếu theo kiểu tự phát, thiếu các văn bản quản lý mang tính đặc thù. Đây là nguyên nhân dẫn tới những vụ việc vô cùng “xấu xí” như vụ 700 khách Việt Nam bị hướng dẫn viên bỏ rơi ở Bangkok (năm 2013), 52 khách Việt Nam trốn lại đảo Jeju của Hàn Quốc (năm 2016) và gần đây nhất là sự việc 152 khách Việt trốn lại Đài Loan (2018)… Những vụ việc ấy đã làm cho hình ảnh của du lịch Việt Nam trở nên “xấu xí”. Đây cũng là tín hiệu cho thấy việc chưa thực sự quan tâm và có những biện pháp quản lý tốt nhất đối với hoạt động outbound.

Vì thế, không thể chần chừ thêm nữa mà cần có những cuộc khảo sát, đánh giá lại toàn diện hoạt động outbound để có những giải pháp quản lý kịp thời. Khi ấy, cái lợi không chỉ là du khách, là các doanh nghiệp làm ăn chuyên nghiệp, nghiêm túc mà xa hơn nữa, đó chính là cách để xóa đi hình ảnh du khách Việt “xấu xí”. Khi có được môi trường du lịch outbound lành mạnh... thì chắc chắn người Việt có thể tự tin rằng bước chân của mình đến đâu cũng được chào đón, hình ảnh người Việt được tôn trọng ở khắp nơi trên thế giới.


Thu Hà

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.