Vì sao bất động sản du lịch Việt Nam vẫn đi sau Thái Lan?
Nhiều vấn đề về khai thác thị trường bất động sản du lịch đang thu hút hàng tỉ đô la vốn đầu tư được các chuyên gia quốc tế hàng đầu và các chủ đầu tư mổ xẻ tại Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019 do The Leader tổ chức ngày 6-4 tại TP.HCM.
Với 22 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng tại Việt Nam, ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM) cho rằng bất động sản du lịch là một ngành phức tạp. Mặc dù Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn trên thế giới nhưng vẫn còn đó những khó khăn cần được khắc phục.
“Dễ thấy nhất là hoạt động làm thương hiệu cho điểm đến. Việt Nam có rất nhiều hình ảnh đẹp nhưng vì hoạt động quảng bá, xúc tiến chưa tốt nên khách du lịch chưa biết tới Việt Nam. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng nói chung phục vụ cho hoạt động du lịch ở Việt Nam có nhiều hạn chế. Các chính sách cho người nước ngoài, khách du lịch chưa thực sự thuận lợi. Điển hình như chính sách VISA cần linh động hơn”, ông Kai Marcus Schroter phân tích.
Các diễn giả, doanh nghiệp chia sẻ tại buổi hội thảo ngày 6-4.
Mặc dù đặt ra rất nhiều thách thức với ngành bất động sản du lịch tại Viêt Nam nhưng ông Kai Marcus Schroter không phủ nhận nước ta vẫn có những điều kiện thuận lợi, như các đường bay thuận tiện, nguồn tài nguyên dồi dào, văn hóa, lịch sử lâu đời…
Không riêng gì khách quốc tế, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam cũng bắt đầu đi du lịch nhiều hơn trước. Một lợi thế khác của Việt Nam là Phú Quốc với sân bay mới đang thu hút sự quan tâm của nhiều bạn bè quốc tế, hứa hẹn trở thành điểm đến vàng trong tương lai.
Theo ông Adam Bury, Phó Chủ tịch cấp cao JLL Hotels & Hospitality Group, năm 2018 tăng trưởng khách du lịch Việt Nam là 18%, Việt Nam thu hút được 15 triệu lượt khách trong năm qua, trong khi con số này của Thái Lan là 38 triệu. Thái Lan hiện chỉ có 3 sân bay ở Bangkok, Phuket và Kohsamui. Trong đó, sân bay Kohsamui gặp rất nhiều hạn chế.
“Nếu so sánh với Việt Nam, có thể thấy chúng ta có nhiều điểm đến hơn rất nhiều. Việt Nam có 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, cùng với đó là 3 điểm đến du lịch là Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, chưa kể nhiều địa phương thú vị khác. Vậy tại sao, Việt Nam lại đứng sau Thái Lan?”, ông Adam Bury đặt câu hỏi.
Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục visa, logistics , tăng cường quảng bá để thu hút khách mới khai thác hết tiềm năng của bất động sản du lịch.
Theo ông Adam Fury, Việt Nam vẫn còn nhiều giới hạn về thủ tục, logistics. Dễ thấy nhất là vấn đề visa. Du khách làm visa đến Thái Lan rất đơn giản trong khi Việt Nam khó khăn hơn nhiều. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam khi quay lại vẫn gặp khó khăn về thủ tục.
Về mặt này, sân bay Đà Nẵng là một hình mẫu tốt mà các thành phố khác nên học hỏi. Tại sân bay Đà Nẵng có hẳn một dãy bàn chuyên đóng visa cho du khách, qua đó giúp du khách đặt chân đến Việt Nam dễ dàng hơn.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục du lịch cho biết năm 2019, ngành du lịch đặt ra mục tiêu thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng trên 16%), 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt trên 700.000 tỉ đồng. Đây là mục tiêu tăng trưởng cao, đòi hỏi ngành phải tập trung nhiều nguồn lực để có thể thực hiện được.