Du lịch bứt phá – Ninh Thuận mở cửa đón nhà đầu tư
Thiếu cơ sở lưu trú cao cấp
Sở Thể thao Văn hóa và Du lịch Ninh Thuận cho biết, từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng du lịch luôn đạt trên 14% năm. Cụ thể, năm 2018 tỉnh này đã đón 2.190.000 lượt khách (tăng 15,2 % so năm 2017). Trong đó, khách quốc tế đạt 80.000 lượt (tăng 31% so năm 2017); khách nội địa đạt 2.110.000 (tăng 14,7% so năm 2017). Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 1.050 tỷ đồng (tăng 18,8% so năm 2017).
Tốc độ tăng trưởng du lịch ở mức cao và có điều kiện phát triển du lịch nhưng Ninh Thuận đang thiếu nhiều cơ sở lưu trú.
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng tốt, cùng lợi thế vị trí cửa ngõ của cụm du lịch Quốc gia (Ninh Thuận – Nha Trang – Đà Lạt), sở hữu hơn 105km bờ biển và nhiều điểm du lịch hấp dẫn, Ninh Thuận được xác định là tỉnh trọng điểm có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - du lịch của cả nước.
Tuy nhiên, tại địa phương này cơ sở lưu trú còn nhiều hạn chế, nhất là các cở sở lưu trú từ 3-5 sao. Tính đến 12/2018, Ninh Thuận chỉ có khoảng 145 cơ sở (tăng 05 cơ sở so với năm 2017)/3.100 phòng. Trong đó chỉ có 1 resort cao cấp 53 phòng (Amanơi), 1 khách sạn 4 sao (122 phòng), 1 khách sạn 3 sao (188 phòng), 9 khách sạn 2 sao (500 phòng), 11 khách sạn 1 sao (250 phòng) và một số cơ sở lưu trú đạt chuẩn khác.
Đưa du lịch Ninh Thuận cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Để thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi ngọn và xứng tầm với tiềm năng du lịch sẵn có. UBND Ninh Thuận đã ban hành một số văn bản quan trọng nhằm tiếp tục tạo bước phát triển bền vững cho du lịch Ninh Thuận và đến năm 2025 đưa du lịch Ninh Thuận cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để mời gọi các nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo sự thuận lợi theo hướng minh bạch, thân thiện, ổn định để khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển.
Ninh Thuận đang mở cửa đón các nhà đầu tư.
Ông Lê Văn Bình – PCT UBND tỉnh Ninh Thuận, kiêm trưởng Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch cho biết, ngoài việc tăng cường quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch và mời gọi đầu tư các dự án, Ninh Thuận còn tăng cường công tác hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các dự án.
Qua đó củng cố hồ sơ pháp lý để tham mưu xử lý theo đúng quy định của pháp luật, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến sau có năng lực và quyết tâm đầu tư để khai thác có hiệu quả hơn.
Theo đó, trong năm 2018, UBND tỉnh này xem xét phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2020.
Tính đến nay, đã có 50 dự án du lịch được Quyết định chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 17.548 tỷ đồng. Trong đó, có 19 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 3.363 tỷ đồng; 12 dự án đang triển khai thi công với tổng vốn đăng ký 8.925t ỷ đồng; 19 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai với tổng vốn đăng ký hơn 5.259 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 8 dự án đã được UBND tỉnh đồng ý về chủ trương địa điểm với tổng vốn đăng ký 6.997 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018, UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho 7 dự án với tổng vốn đăng ký 285 tỷ đồng.
Ninh Thuận có lợi thế lớn để phát triển du lịch.
Ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định: "Ninh Thuận thuộc địa bàn khuyến khích đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất cả nước. Ngoài ra, tỉnh chủ trương dành các ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh".
Nhận định về tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam, TS Võ Quế cho rằng, thị trường khách du lịch nói chung và khách quốc tế nói riêng sẽ phát triển phụ thuộc vào 3 vấn đề chính là tính hấp dẫn về tài nguyên du lịch, đặc biệt tài nguyên du lịch sinh thái, biển…; chất lượng dịch vụ trong du lịch và ngoài xã hội; tính ổn định, an toàn của xã hội, thể chế chính trị.
"Vấn đề 1 và 3 hoàn toàn đảm bảo, ổn định và có giá trị hấp dẫn khách du lịch, còn chất lượng dịch vụ trong du lịch và ngoài xã hội tuy đã có tiến bộ vượt bậc nhưng còn nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh, cần phải cố giắng hơn nữa. Để đạt được vấn đề đó phải xem du lịch là trách nhiệm của toàn bộ bộ máy xã hội, chính quyền các cấp và cộng đồng; phải có sự đồng lòng của cộng đồng. Theo đánh giá của cá nhân thì các năm tới Việt Nam vẫn còn là thị trường hấp dẫn khách du lịch quốc tế", TS Quế chia sẻ.