Ninh Thuận lên kế hoạch đầu tư 75.538 tỷ vào du lịch để đạt 6 triệu lượt khách vào năm 2030
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Ninh Thuận với đóng góp khoảng 15% GRDP; trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm ưu tiên của khách quốc tế tới Việt Nam, điển hình là khách Nga và là điểm du lịch khám phá sáng tạo hấp dẫn của khách du lịch nội địa.
Cụ thể, khách du lịch đến năm 2025 phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó 455.000 lượt khách quốc tế. Đến năm 2030, đón 6 triệu lượt khách, trong đó có 900.000 lượt khách quốc tế.
Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 5.900 tỷ đồng.
Theo đó, Ninh Thuận sẽ tập trung vào 4 sản phẩm đặc thù của địa phường để thu hút du khách gồm du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa (đặc biệt di sản văn hóa Chăm); Nông nghiệp công nghệ cao; Du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Núi Chúa.
Cùng với đó là 4 sản phẩm mới lạ là khám phá và vui chơi giải trí cát - muối; săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe và 4 sản phẩm bổ trợ gồm du lịch cộng đồng; vui chơi giải trí và ẩm thực; tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; thương mại du lịch.
Tổng vốn đầu tư du lịch hơn 75.000 tỷ đồng
Ninh Thuận muốn trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch duyên hải miền Trung; phấn đấu thu hút du khách tăng 7-8%/năm. Đồng thời xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi du lịch của cả nước, nhất là khu vực duyên hải miền Trung.
Theo đó, tổng vốn đầu tư du lịch ước tính khoảng 75.538 tỷ đồng. Trong đó có 49.287 tỷ đồng là vốn đầu tư mới, vốn ngân sách đầu tư khoảng 79 tỷ đồng phần còn lại là nguồn vốn xã hội hóa.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển các trung tâm du lịch gồm: Trung tâm dịch vụ Phan Rang - Tháp Chàm - Ninh Chữ - Bình Sơn là khu vực đầu não, bao chứa tất cả các dịch vụ du lịch, phân phối khách và dịch vụ tới các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh.
Trung tâm dịch vụ Cà Đú - Đầm Nại với trung tâm dịch vụ ven sông Dinh là khu vực dịch vụ bổ trợ cho không gian du lịch trung tâm, chủ yếu là dịch vụ ẩm thực, giao thông vận tải,…
Trung tâm dịch vụ Vĩnh Hy, Trung tâm dịch vụ Bình Tiên là khu vực tập trung dịch vụ của không gian du lịch phía Đông Bắc, nằm ở vị trí trọng điểm vịnh Vĩnh Hy, Vườn Quốc gia Núi Chúa. Các trung tâm này có chức năng cung cấp dịch vụ du lịch như ẩm thực, vui chơi giải trí, giao thông vận tải du lịch,… Khu vực gắn với các cầu cảng du lịch, trong tương lai sẽ kết nối với cảng tổng hợp Cà Ná để phát triển giao thông vận tải du lịch đường biển.
Trung tâm dịch vụ Mũi Dinh: Khu vực dịch vụ gắn với mũi Dinh và các điểm du lịch lân cận, kết nối với Cà Ná và Bình Sơn - Bình Tiên…
Cùng với đó, Ninh Thuận hướng tới phát triển, xây dưng các khu du lịch có quy mô lớn, đẳng cấp cao, loại hình độc đáo với chất lượng dịch vụ tốt nhất, có tính cạnh tranh cao; tăng cường liên kết, kết nối với các tuyến du lịch quốc gia và các địa phương trong khu vực.
Một số dự án đáng chú ý như Khu du lịch khám phá Nam Cương rộng hơn 45 ha vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng; Công viên nước và khu du lịch sa mạc cao cấp rộng khoảng 20 ha tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và Khu du lịch Vang Nho 10 ha hơn 1.500 tỷ đồng.
Đặc biệt, Ninh Thuận sẽ triển khai dự án khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang - Trại Mát và du lịch đường sắt Ninh Thuận - Lâm Đồng hơn 200.000 tỷ đồng và dự án xây dựng bến du thuyền Ninh Chữ 10.000 tỷ đồng...