17 sở, ngành nào có thể bị sáp nhập, hợp nhất?
Đại gia đồ gia dụng Electrolux 'săn' Sunhouse: Thương vụ đầy toan tính | |
Luật mở ra cơ hội để sáp nhập ngân hàng | |
Thúc đẩy đầu tư công nghiệp qua mua bán và sáp nhập |
Bộ Nội vụ đề xuất hợp nhất các Sở, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để tinh gọn bộ máy. |
Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Liên quan đến khung số lượng sở, ngành, Bộ Nội vụ đưa ra 3 phương án.
Phương án 1 quy định Hà Nội, TP.HCM không quá 20; các tỉnh còn lại từ 17- 19 sở, ngành. Cả nước sẽ giảm tối thiểu 46 sở; Phương án 2, Hà Nội, TP.HCM không quá 20; các tỉnh, thành còn lại không quá 17-18 sở, ngành. Cả nước giảm tối thiểu 88 sở, ngành; Phương án 3 là sắp xếp các sở, ngành không vượt quá số lượng hiện có. Hạn chế của phương án này là địa phương không chủ động và thực hiện quyết liệt thì sẽ không tinh giảm được đầu mối.
Để đảm bảo thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy có lộ trình, tránh xáo trộn lớn, Bộ Nội vụ đề xuất chọn phương án 1.
Trong số hơn 20 sở, ngành, cơ quan tham mưu giúp việc, Bộ Nội vụ đề xuất 4 sở (Tư pháp, Tài nguyên – Môi trường, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội) được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước nhằm bảo đảm giữ ổn định và phát huy hiệu quả của mô hình tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hoặc sở tham mưu quản lý chuyên ngành, chuyên sâu có tính ổn định.
Cụ thể các sở: KH&ĐT, Tài chính, GTVT, Xây dựng, NN&PTNT, Công thương, GD&ĐT, KH&CN, VH-TT&DL, TT&TT sẽ do UBND tỉnh trình HĐND quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất lại với nhau.
Còn các Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND, Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức thí điểm hợp nhất với Ban Tổ chức tỉnh, UB Kiểm tra tỉnh và Văn phòng đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 18 TƯ 6.
Nếu thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức tỉnh ủy thì có tên gọi là Sở Tổ chức - Nội vụ; hợp nhất Thanh tra tỉnh với UB Kiểm tra thì gọi là Kiểm tra - Thanh tra cấp tỉnh. Còn 3 văn phòng: Đoàn ĐBQH, UBND, HĐND cấp tỉnh hợp nhất thành văn phòng tham mưu giúp việc dùng chung với tên gọi là Văn phòng địa phương cấp tỉnh. Tuy nhiên muốn thí điểm việc này phải sửa luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đối với 4 sở đặc thù, chuyên ngành không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương gồm: Sở Quy hoạch - Kiến trúc (thuộc UBND TP Hà Nội và TP.HCM) và 3 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập là Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch, Bộ Nội vụ đề xuất trao quyền để cấp tỉnh có thể xem xét quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập.
Đưa ra một số phân tích cho những đề xuất này, Bộ Nội vụ cho biết như giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính, chức năng, nhiệm vụ có mối quan hệ liên thông với nhau. Trường hợp hợp nhất các sở này sẽ có tên gọi là Sở Tài chính – Kế hoạch.
Về hợp nhất Sở GTVT với Sở Xây dựng, Bộ Nội vụ lý giải do việc phát triển đô thị hiện đại không thể tách rời giữa quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch hạ tầng giao thông. Việc hình thành một cơ quan quản lý thống nhất hai lĩnh vực này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập chồng chéo trong quản lý hạ tầng đô thị. Trường hợp hợp nhất các sở này thì có tên gọi mới là Sở Giao thông vận tải – xây dựng.
Đối với phương án hợp nhất Sở NN&PTNN với Sở Công Thương, Bộ Nội vụ cho rằng, một số thành phố trực thuộc Trung ương tỷ trọng nông nghiệp thấp so với ngành nghề khác nên không cần thiết thành lập một sở chuyên trách lĩnh vực nông nghiệp. Trong trường hợp hợp nhất các sở này có tên gọi là Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Thương mại.